6 tháng tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất 7 năm
Sáng 29/6, Tổng cục Thống kê công bố tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm. Theo đó, GDP 6 tháng năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I là 7,45% và quý II tăng 6,79%. Tổng cục Thống kê đánh giá, đây là mức tăng GDP cao nhất của 6 tháng từ năm 2011.
Số liệu cho thấy trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 9,28% cao hơn nhiều mức tăng 7,01% và 5,42% của cùng kỳ năm 2016, 2017.
Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo với mức tăng 13,02%, mức cao nhất trong 7 năm gần đây.
Tuy nhiên, công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm, giảm 1,3%, làm giảm 0,1% mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm. Về dự báo chỉ số kinh tế trong 6 tháng cuối năm, xu hướng tăng trưởng quí 3 và 4 sẽ thấp hơn các quí trước.
Tổng cục Thống kê, cho biết lạm phát trong 6 tháng tới tiềm ẩn nguy cơ tăng cao khi lạm phát tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Điều đáng lo ngại là lạm phát tháng 6 tăng đầu năm 2018 cao nhất trong 7 năm qua.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, để đảm bảo mục tiêu lạm phát cả năm 2018 là 4% như Quốc hội giao, thì cần không tăng giá đồng loạt các mặt hàng, dịch vụ y tế, giáo dục… vào cùng một thời điểm.
Trước mức tăng lạm phát, lãnh đạo ngành Thống kê lưu ý, để giữ CPI bình quân dưới 4%, Chính phủ và các bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu, tránh gây tác động lan toả về tâm lý lên lạm phát.
Việt Nam và EU kết thúc rà soát pháp lý, chuẩn bị ký FTA
Theo các quy định mới của EU, tương tự các đối tác Nhật, Singapore, EU đã đề xuất tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng (gọi là Hiệp định Bảo hộ đầu tư – IPA).
Với thỏa thuận vừa đạt được, Việt Nam và EU đã chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý EVFTA và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) được tách ra từ Hiệp định EVFTA trước đây. Tới đây, hai hiệp định sẽ được trình các cơ quan có thẩm quyền để có thể sớm đi đến ký kết và phê chuẩn theo đúng quy trình pháp luật.
Ngoài ra, Việt Nam và EU cũng đã thảo luận lộ trình hợp tác trong thời gian tới để có thể tạo điều kiện tốt nhất cho việc phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên, trong đó EU sẽ giúp Việt Nam tiếp tục xây dựng hệ thống pháp lý, hỗ trợ triển khai các cam kết trong EVFTA, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ... nhằm tăng cường các hoạt động thương mại, đầu tư song phương trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
EVFTA được EU và Việt Nam tuyên bố kết thúc đàm phán vào tháng 12/2015 và hai bên đã rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết. Tuy nhiên, sau đó có thay đổi liên quan đến quy trình phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU, nên quá trình đàm phán tiếp tục kéo dài.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 50,4 tỷ USD năm 2017. Liên minh này cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Đến cuối 2017 đã có 24 nước thành viên liên minh này rót vốn vào 2.000 dự án tại Việt Nam, vốn đăng ký 21,5 tỷ USD.
Bỏ quy định buộc siêu thị khuyến mại 1 năm 3 lần, bán cả ngày lễ, Tết
Theo thông báo, lý do dừng xây dựng dự thảo được đưa ra một cách ngắn gọn, là do "căn cứ sự cần thiết và thực tiễn quản lý hiện nay".
Trước đó, Vụ thị trường trong nước lấy ý kiến xây dựng dự thảo nghị định về quản lý ngành phân phối, ngay lập tức đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối của cộng đồng doanh nghiệp, giới chuyên gia.
Trong dự thảo, nhiều nội dung bị phản ứng mạnh. Trong quy định về khuyến mại và quảng bá, dự thảo nghị định quy định mỗi năm các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá. Trong đợt giảm giá phải có ít nhất 70% hàng hóa được bày bán tại siêu thị, trung tâm thương mại nằm trong chương trình giảm giá.
Trong quy định về quản lý và điều hành siêu thị, trung tâm thương mại, nghị định yêu cầu phải có ít nhất 1 giám đốc hoặc thành viên HĐQT là người Việt. Ngoài ra, nhân viên ở tất cả các cấp, bao gồm cấp quản lý phải có thành phần là người Việt không dưới 50%.
Ngoài ra, siêu thị, trung tâm thương mại phải sử dụng các công ty địa phương tại Việt Nam đối với các dịch vụ liên quan đến pháp lý hoặc chuyên môn khác. Phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.
Nghị định cũng yêu cầu siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10h đến 22h.
Trong quy định về tiêu chuẩn trung tâm thương mại, nghị định yêu cầu phải có diện tích kinh doanh từ 10.000 m2 trở lên. Tiêu chuẩn siêu thị cũng phải có diện tích kinh doanh từ 250 m2 đến dưới 10.000 m2...
Nhiều chuyên gia cho rằng dự thảo nghị định mới của Bộ Công Thương can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác nhiều nội dung còn chung chung, không mang tính định lượng, có thể gây khó dễ, phát sinh nhiều thủ tục hành chính rườm rà.
Tăng thuế lên 12%, Việt Nam sẽ có thêm 240.000 người nghèo
Tuy Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng báo cáo trước Quốc hội rằng, cơ quan này quyết định sẽ không tăng thuế VAT lên 12% như dự kiến, mà vẫn giữ ở mức 10%. Tuy nhiên, theo ông, cơ quan này sẽ cơ cấu lại các hàng hoá, dịch vụ chịu thuế 0%, 5%.
Nhóm chuyên gia thuộc VEPR cũng đưa ra dự báo tác động tăng thuế VAT theo một phương án nữa là áp dụng mức thuế 10% cho tất cả các mặt hàng (ngoại trừ các mặt hàng đang được miễn thuế). Phương án này theo đơn vị nghiên cứu thì có ưu điểm là đơn giản hóa việc thu thuế và tránh gian lận trong việc trốn thuế VAT bằng cách điều chỉnh danh mục mặt hàng chịu thuế từ 10% thành 5% trong sản xuất và kinh doanh.
Với 2 phương án này, nhóm chuyên gia thuộc VEPR cho biết phương án một (tăng thuế suất lên 1,2 lần) có tác động tới hộ gia đình mạnh hơn phương án hai (áp dụng thuế suất VAT thống nhất 10%).
Cụ thể, phương án một mà Bộ Tài chính đề xuất làm giảm chi tiêu khoảng 0,89%, trong khi phương án 2 làm giảm 0,32%. Số người nghèo tăng lên từ những người ở ngưỡng cận nghèo trong hai phương án lần lượt là 240.000 và 202.000 người. Theo các chuyên gia thuộc VEPR, xét về tác động lên nghèo đói thì VAT chỉ có tác động lên nhóm thu nhập thấp ở cận chuẩn nghèo. Các hộ gia đình có mức sống cao cũng bị giảm mức chi tiêu, nhưng mức giảm này không làm cho họ rơi vào nghèo như nhóm cận nghèo.
"Các hộ gia đình có đặc điểm như đông người, có tỷ lệ cao trẻ em và người già trên 80 tuổi, chủ hộ có học vấn thấp và kỹ năng thấp, hộ làm việc trong nông nghiệp dễ rơi vào nghèo đói hơn các nhóm khác khi tăng thuế VAT", báo cáo đánh giá.
Trong khi đó, theo nhóm nghiên cứu, phương án tăng thuế VAT lên mức chung 10% thì tác động nhỏ hơn một chút. Các nhóm hộ tiêu dùng nhiều thực phẩm như rau và thịt sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, chẳng hạn H’Mong là dân tộc chịu ảnh hưởng mạnh.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra việc tăng thuế không làm tăng sản lượng thực của nền kinh tế và làm giảm phúc lợi của tất cả các hộ gia đình. Do đó, các chuyên gia thuộc VEPR không đồng tình với đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính đã đưa ra.
Theo nhóm nghiên cứu, VAT là nguồn thu thuế lớn nhất cho ngân sách Nhà nước, chiếm khoảng một phần tư tổng thu ngân sách. Trong khi thuế suất VAT phổ thông thuộc mức thấp của thế giới, tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế VAT của Việt Nam đứng hàng đầu, phản ánh sự khá hiệu quả của thuế VAT tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tăng thu ngân sách từ VAT của Việt Nam hầu như chỉ bằng con đường tăng thuế suất.
"Trong bối cảnh áp lực ngân sách tăng cao, Chính phủ nên nghĩ tới việc cải cách lại các loại thuế tài sản vì hiện nay tỷ trọng đóng góp của các loại thuế này vào ngân sách còn khiêm tốn. Tuy nhiên, do các loại thuế trực thu dễ gây cảm giác đau đớn cho người nộp thuế, trước khi tăng thuế, Chính phủ cần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu chi ngân sách để có thể thuyết phục người dân", chuyên gia thuộc VEPR cho hay.
Với những phân tích đó, nhóm chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần cân nhắc việc điều chỉnh thuế VAT trong thời gian tới, vì đây là việc đánh đổi giữa tăng ngân sách với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo của Việt Nam.