Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Chuyển sai phạm của TKV sang Bộ Công an điều tra

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển sai phạm của TKV sang Bộ Công an điều tra; chính thức có Chủ tịch “siêu ủy ban” quản lý vốn Nhà nước; Mai Linh cầu cứu vì nợ nần do cạnh tranh với Uber, Grab... là nội dung chú ý tuần qua.

Chuyển sai phạm của TKV sang Bộ Công an điều tra
  Chuyển sai phạm của TKV sang Bộ Công an điều tra
Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ra thông báo về Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) và một số đơn vị thành viên thời kỳ năm 2010 đến ngày 30/6/2015. Cũng theo cơ quan này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có kết luận về phương hướng xử lý sau kết luận thanh tra.
Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý cơ bản với nội dung kiến nghị của TTCP. Đồng thời, giao các Bộ gồm: Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Công an, UBND tỉnh Lào Cai và TKV theo chức năng nhiệm vụ, thực hiện các nội dung kiến nghị của TTCP và gửi TTCP về kết quả thực hiện để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Đối với việc chấp hành chính sách pháp luật về đất đai tại TKV, Phó Thủ tướng nhấn mạnh là chưa tốt, còn để xảy ra vi phạm cần phải chấn chỉnh, khắc phục. Do đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử lý và hướng dẫn giải quyết những vướng mắc, tồn tại và sai phạm trong việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản.
Riêng các trường hợp TTCP kiến nghị chuyển cơ quan điều tra Bộ Công an, Phó Thủ tướng giao TTCP chủ trì, phối hợp với cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an, VKSND Tối cao soát kỹ để thống nhất biện pháp xử lý.
Về việc xử lý đối với khoản tiền chênh lệch về thuế tài nguyên và khoản tiền khuyến khích sản lượng, chất lượng đối với các đơn vị khai thác than, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với TTCP, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ xác định rõ đối tượng nộp thuế tài nguyên, giá tính thuế tài nguyên, xác định nghĩa vụ thuế tài nguyên phải nộp ngân sách nhà nước.
Riêng Bộ Tài chính kiểm tra chặt chẽ, xác định rõ bản chất về các hợp đồng khai thác giữa TKV với các công ty con và việc khai thác, tiêu thụ tài nguyên để bảo đảm thu đúng, thu đủ, thống nhất kiến nghị biện pháp xử lý đối với các khoản tiền chênh lệch thuế tài nguyên theo quy định.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Xây dựng, TTCP thống nhất về phương pháp tính toán, nghiệm thu, thanh toán khối lượng vận chuyển đất đá; đồng thời khẩn trương ban hành văn bản quy định, hướng dẫn về các hệ số để áp dụng trong nghiệm thu, thanh toán khối lượng vận chuyển đất, đá tại các mỏ khai thác lộ thiên để khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, đề xuất xử lý đối với khoản tiền hơn 8.320 tỷ đồng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2018.
Chính thức có Chủ tịch “siêu ủy ban” quản lý vốn Nhà nước

Ông Nguyễn Hoàng Anh- Cựu Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng là Chủ tịch

của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ ngày 16/1 đã ký Quyết định số 66/QĐ-TTg ngày 13/1/2018 lập Tổ công tác của Thủ tướng thực thi việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo Quyết định, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng Tổ công tác; Tổ phó là ông Nguyễn Hoàng Anh (cựu Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng), Chủ tịch của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Các tổ viên khác gồm các bộ trưởng, trưởng ngành như: Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Thành viên Tổ công tác gồm các thứ trưởng các bộ, người đứng đầu tập đoàn, doanh nghiệp như: Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Bà Hoàng Thị Ngân, Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính Nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ làm thư ký Tổ công tác.
Tổ công tác được thành lập có nhiệm vụ tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các công việc phục vụ việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và kết thúc nhiệm vụ khi hình thành được bộ máy của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đáng chú ý, trong Quyết định này, ông Nguyễn Hoàng Anh, được giao giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước.
Ông Nguyễn Hoàng Anh sinh năm 1963, quê tại huyện An Lão, Hải Phòng, từng giữ chức vụ Bí thư tỉnh Cao Bằng. Ngày 26-12-2017, Bộ Chính trị đã có quyết định cho ông Nguyễn Hoàng Anh thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nhiệm kỳ 2015-2020 để phân công nhiệm vụ mới. Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng thay ông Hoàng Anh.
Ông Nguyễn Hoàng Anh là thạc sĩ kinh tế, từng kinh qua nhiều chức vụ tại Quốc hội như Ủy viên chuyên trách Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng khóa XI; Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế...
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn được gọi là “siêu ủy ban” quản lý vốn nhà nước, là mô hình được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến trong dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Đây được xem là cơ quan chuyên trách quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, có sự tách bạch quyền sở hữu với quyền điều hành chính sách, có quy mô vốn và tài sản tại các doanh nghiệp lên tới 5 triệu tỷ đồng.
Dự kiến 30 doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được chuyển giao cho Ủy ban này quản lý. Trong đó có 9/10 tập đoàn kinh tế (ngoại trừ Viettel là doanh nghiệp quốc phòng) và 21 tổng công ty đang thuộc sự quản lý của 7 bộ: Công Thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng và Y tế. Trong danh sách cơ quan trực thuộc “siêu ủy ban” này, còn có cả Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Mai Linh cầu cứu vì nợ nần do cạnh tranh Uber, Grab
 Mai Linh cầu cứu vì nợ nần do cạnh tranh Uber, Grab. Ảnh minh họa
Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh tuần qua đã có văn bản gửi Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam về những khó khăn của công ty.
Theo đó, hãng xe này cho biết do bị tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế cùng với mức lãi suất cho vay khá cao trong thời gian vừa qua, Mai Linh đã tìm giải pháp huy động mọi nguồn lực để chi trả các khoản nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và vốn vay cá nhân.
Tuy nhiên, Mai Linh cũng như các đơn vị kinh doanh vận tải hiện nay đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt không công bằng của Uber, Grab. Cụ thể là điều kiện kinh doanh giữa taxi truyền thống và Uber, Grab, điều này ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch hoạt động của công ty. Doanh thu hoạt động kinh doanh của Mai Linh giảm khoảng 30% so với các năm chưa có Uber, Grab.
Mai Linh cũng khẳng định, dù đã rất nỗ lực nhằm đảm bảo cuộc sống của người lao động. Tuy nhiên, công ty chưa đảm bảo được tài chính để có thể duy trì hoạt động kinh doanh hằng ngày.
Mai Linh khẳng định, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì thời gian tới đơn vị này sẽ mất khả năng thanh toán do nguồn thu không thể trả kịp cho các khoản nợ đến hạn, quá hạn và các khoản nợ đọng nghĩa vụ thuế và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cùng các khoản tiền phạt do nộp chậm.
Hãng này cho biết, tính đến 31/10/2017, số nợ đọng nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trên 180 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là trên 150 tỷ đồng, lãi chậm nộp gần 77 tỷ đồng.
Trước nguy cơ hàng vạn lao động mất việc và mất đi thương hiệu lớn, Mai linh đề nghị Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết những khó khăn thực sự cấp bách trước mắt để công ty duy trì, phát triển lâu dài.
Cụ thể, Mai Linh kiến nghị được miễn tính lãi phát sinh trên số cũ (trên 150 tỷ đồng); cho từng công ty trong hệ thống Mai Linh được thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc trong 20 năm từ năm 2018, mỗi năm 6 tỷ đồng và miễn nghĩa vụ phạt nộp chậm.
Trong quá trình trả nợ gốc Mai Linh mong Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét khoanh nợ, giảm nợ để đơn vị vượt qua khó khăn có điều kiện trả nợ gốc cho BHXH và đảm bảo công việc cho 24.000 lao động.
Trước đó, hồi tháng 8/2017, Bộ Giao thông Vận tải cũng từng đã có văn bản gửi Văn phòng Trung ương Đảng và Cơ quan Thanh tra Bộ Công an về việc giải quyết kiến nghị của Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh.
Ông Hồ Huy – Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai cũng từng nhìn nhận hãng đã trải qua một năm cực kỳ gian truân, Vị Chủ tịch thẳng thắn cho rằng những gian truân này chính là do Uber, Grab hoạt động tràn lan, nhất là ở hai thị thành lớn như TP.HCM và Hà Nội khiến hoạt động mua bán taxi cạnh tranh ác liệt.
Cảnh báo doanh nghiệp Việt bị doanh nghiệp Thái lừa đảo
 Cảnh báo doanh nghiệp Việt bị doanh nghiệp Thái lừa đảo. Ảnh minh họa
Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, Thương vụ tại Thái Lan đã nhận được một số đề nghị từ phía doanh nghiệp Việt Nam về việc hỗ trợ xử lý các vụ lừa đảo trong quá trình liên hệ và giao dịch thương mại với doanh nghiệp Thái Lan.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nhà sản xuất, xuất khẩu Thái Lan trên mạng internet và tiến hành giao dịch trong khi chưa xác minh đầy đủ thông tin về đối tác.
Lợi dụng tâm lý chủ quan, ham rẻ và thiếu nghiệp vụ ngoại thương của một số doanh nghiệp Việt Nam nên đã xảy ra nhiều vụ việc doanh nghiệp Thái Lan lừa tiền đặt cọc của các nhà nhập khẩu Việt Nam và không chịu giao hàng, nhiều nhất là đối với mặt hàng giấy A4.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tìm kiếm thông tin đối tác tại Thái Lan và hạn chế gặp những trường hợp đáng tiếc trong quá trình giao dịch, Thương vụ xin chia sẻ một số khuyến cáo đối với doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với đối tác:
Thứ nhất, doanh nghiệp phải xác minh rõ các đối tác, đặc biệt là các đối tác lần đầu giao dịch, hạn chế tìm kiếm và giao dịch với các khách hàng trên các trang web không uy tín và không kiểm chứng thông tin doanh nghiệp.
Do khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Thái Lan tương đối gần, đường bay thuận tiện, doanh nghiệp nên trực tiếp sang địa bàn để thẩm định và làm việc trực tiếp với đối tác hoặc có thể nhờ các kênh chính thống như Thương vụ Việt Nam xác minh thông tin.
Lưu ý: Theo quy định, các doanh nghiệp Thái Lan đăng ký giấy phép kinh doanh với Cục Phát triển Doanh nghiệp (Department of Businesss Development). Thông tin đăng ký doanh nghiệp đăng tải tại cổng thông tin www.dbd.go.th/Applications/cds/.
Để tránh trường hợp mạo danh, lừa đảo, cần kiểm tra kỹ thông tin về tên doanh nghiệp, số điện thoại liên hệ và địa chỉ email sử dụng tên miền công ty thay vì các tên miền công cộng như yahoo, gmail,...
Thứ hai, trong quá trình trao đổi, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, thực hiện các giao dịch theo yêu cầu của đối tác (chuyển tiền làm visa, thanh toán trước giá trị lô hàng, chi trả các chi phí phát sinh). Đối với các giao dịch trong quá trình làm việc, yêu cầu đối tác cung cấp thông tin đầy đủ kèm theo hóa đơn để tiện xác minh với cơ quan có thẩm quyền.
Thứ ba, liên quan đến thanh toán xuất nhập khẩu, khi đàm phán và ký kết hợp đồng, doanh nghiệp Việt Nam nên lựa chọn phương thức thanh toán, phương thức giao hàng an toàn; hợp đồng phải quy định rõ điều khoản bồi thường và cơ quan giải quyết tranh chấp để làm cơ sở cho việc giải quyết khi tranh chấp phát sinh; không ký kết hợp đồng và gửi qua hình thức điện tử, chia sẻ trên các ứng dụng mạng xã hội (viber, facebook, line, etc) hay qua email;
Không chấp nhận hình thức thanh toán TT (trả trước một phần của tổng giá trị giao dịch) khi chưa biết rõ về doanh nghiệp đối tác bởi đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam không liên lạc được với đối tác Thái Lan sau khi chuyển tiền.