Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Sự kiện kinh tế tuần] Doanh nghiệp đề xuất phương án vừa sản xuất vừa chống dịch

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh nhiệm vụ chống dịch, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị TP Hà Nội xem xét giải pháp giảm các loại thuế, không chỉ trong thời gian này mà có thể kéo dài hơn để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh...

Hà Nội đồng hành cùng doanh nghiệp ứng phó với dịch Covid-19

Ngày 16/4, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.

Trong buổi đối thoại, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, doanh nghiệp phải chịu ảnh hưởng nặng nề đối với lĩnh vực kinh doanh trọng yếu như du lịch, khách sạn, dịch vụ và kiến nghị giảm 50% mức thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn tiền thuê đất năm 2020. Theo đó, doanh nghiệp kiến nghị TP nên trích ngân sách để lập Quỹ kích cầu du lịch; tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch ngay sau khi hết dịch tại những thị trường trọng điểm để thu hút khách.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội Đỗ Quang Hiển 

Thay mặt Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Đỗ Quang Hiển kiến nghị TP Hà Nội xem xét giải pháp giảm các loại thuế, không chỉ trong thời gian này mà có thể kéo dài hơn để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp, giúp các doanh nghiệp nhỏ có mặt bằng sản xuất.

Còn đại diện Tập đoàn Vingroup cũng chia sẻ, hoạt động đa ngành nghề và các ngành đều bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị Trung ương kéo dài thời gian gia hạn thuế là 1 năm thay vì 5 tháng như hiện nay bởi ảnh hưởng của dịch bệnh còn kéo dài; đồng thời thực hiện giãn thuế tiêu thụ đặc biệt, miễn tiền thuê đất năm 2020 với cơ sở lưu trú.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành mong muốn các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, cơ cấu nợ, tín dụng… cần được triển khai sớm và nhanh chóng; kiến nghị các sở, ngành TP quan tâm hỗ trợ người lao động.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành
Đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng, trong bối cảnh này khó khăn bủa vây nhưng cũng là cơ hội để ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và đề xuất xây dựng hệ thống để nối tất cả doanh nghiệp vừa và nhỏ; giảm thuế giá trị gia tăng với một số mặt hàng để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước; thành lập tổ "đặc nhiệm" để đồng hành, gặp gỡ doanh nghiệp hàng tuần, có đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp...
Đối với gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất 300.000 tỷ đồng của các ngân hàng thương mại, bà Nguyễn Thị Lan Hương giám đốc CTCP Việt Phúc đề nghị ngành ngân hàng phân loại các nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đưa ra tiếu chí cụ thể đúng với ý nghĩa cứu trợ và cho triển khai trong tháng 4/2020.
Đối với các khoản vay đã có, cần có các biện pháp giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ bằng các tiêu chí cụ thể các doanh nghiệp bị ảnh hưởng duy trì qua khó khăn.
Hiện nay, lãi suất ngân hàng giảm 1,5%, xuống còn 6,5 - 7%/năm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng mức này vẫn là quá cao so với khu vực, do vậy, mong lãi suất ngân hàng giảm hơn nữa cho doanh nghiệp.
Chính thức miễn giảm 11.000 tỷ đồng tiền điện
Ngày 16/4, Bộ Công Thương chính thức có quyết định giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Bộ đã có văn bản gửi Sở Công Thương các địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hướng dẫn thực hiện việc này.

Theo đó, về việc giảm giá điện, khách hàng sử dụng điện sinh hoạt cũng được giảm 10% giá bán lẻ điện bậc 1-4 (dưới 300 kWh/tháng).

Theo tính toán của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), khách hàng dùng ở mức 100 kWh một tháng được hỗ trợ 17.000 đồng. Tương tự, mức 200kWh thì khoản tiền hỗ trợ 37.000 đồng mỗi tháng; mức 300 kWh thì khoản hỗ trợ là 62.560 đồng một tháng.

 Ảnh minh họa

Còn hộ dùng điện từ 300 kWh trở lên, khoản tiền được hỗ trợ tối đa là 62.560 đồng một tháng (do vẫn được hưởng giảm 10% đơn giá điện bậc 1-4).

Như vậy, giá bán lẻ điện sinh hoạt sẽ được giảm từ kỳ ghi chỉ số công tơ tháng 5, 6 và 7, tương ứng với tiền điện các tháng 4, 5 và 6.

Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng sẽ được giảm 10% giá điện ở các khung giờ cao điểm, bình thường và thấp điểm.

Cơ sở lưu trú du lịch sẽ được giảm giá điện từ giá bán lẻ điện kinh doanh xuống bằng mức giá điện sản xuất sau giảm giá.

Giá bán buôn điện tại khu vực nông thôn, khu tập thể, cụm dân cư, tổ hợp thương mại giảm 10% bậc 1-4 của giá sinh hoạt; giảm 10% giá bán buôn cho mục đích khác theo đơn giá hiện hành. Các khu công nghiệp, chợ cũng giảm 10% giá bán buôn điện.

Giá xăng tiếp tục giảm

Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh theo hướng giảm giá các loại mặt hàng xăng dầu.

Cụ thể, giá xăng E5RON92 được điều chỉnh giảm 613 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 621 đồng/lít; dầu diesel giảm 436 đồng/lít; dầu hỏa giảm 502 đồng/lít; dầu mazut giảm 126 đồng/kg.

 Ảnh minh họa

Sau điều chỉnh, giá xăng E5RON92 có bán tối đa là 11.343 đồng/lít; xăng RON 95 là 11.939 đồng/lít; dầu diesel 10.823 đồng/lít; dầu hỏa 8.639 đồng/lít; dầu mazut 9.327 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ đã thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 400 đồng/lít; xăng RON95, dầu hỏa và dầu diesel ở mức 1.400 đồng/lít; dầu mazut trích lập ở mức 200 đồng/kg. Không chi sử dụng Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu.

Việc trích lập và điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu được thực hiện từ 15h00 ngày 13/4.

Sẽ trình Chính phủ Đề án Mobile Money trong tháng 4

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện đơn vị này đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn hiện quyết định về triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (mobile Money - tiền di động).

Ảnh minh họa

Tiền di động là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động. Loại hình này sẽ cho phép các doanh nghiệp viễn thông như: VNPT, Vietel, MobiFone… tham gia vào thị trường thanh toán.

Tiền di động được kỳ vọng giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, nơi các ngân hàng chưa tiếp cận được dễ dàng sử dụng dịch vụ thanh toán. Đồng thời, giúp các ngân hàng tiếp cận khách hàng mà không phải mở rộng mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Khẩu trang Việt nhận đơn "xuất ngoại" triệu đô

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế để kinh doanh trong thời dịch Covid-19.

Lãnh đạo may 10 chia sẻ, hiện có một đối tác lớn đang đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế và dự kiến giao hàng từ tháng 7 với giá trị 52 triệu USD. Đồng thời, có đối tác của Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong 6 tuần và một đối tác Đức đã đặt mua 2 triệu khẩu trang vải, 6 triệu chiếc khẩu trang y tế. 

 
Ngoài May 10, một số công ty khác cũng nhận được đơn hàng “xuất ngoại". CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) cho biết trước nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế tăng cao dẫn đến khả năng khan hiếm mặt hàng này, TNG đã tiến hành sản xuất khẩu trang với năng lực dự kiến 50.000 - 60.000 chiếc/ngày.

Đứng trước cơ hội rất lớn nhưng không hề dễ dàng, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU lưu ý các doanh nghiệp, để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU, các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về mặt hàng này.