Sự kiện kinh tế tuần: GDP năm 2018 cao nhất trong 11 năm qua

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, cao nhất 11 năm; Hàng loạt "ông lớn" bất động sản, xây dựng từng bị cưỡng chế nợ thuế; Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 482 tỷ USD... là nội dung chú ý tuần qua.

GDP cả năm 2018 tăng kỷ lục đạt 7,08%
Theo số liệu Tổng Cục Thống kê công bố tại buổi họp báo chiều 27/12 cho biết: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV năm 2018 ước tính tăng 7,31%. GDP cả năm 2018 tăng 7,08% là mức tăng cao nhất 11 năm qua, kể từ năm 2008 trở về đây.
GDP năm 2018 tăng trưởng cao nhất 11 năm qua. Ảnh minh họa
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6%; khu vực dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%.
Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2018, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,17% so với năm 2017; tích lũy tài sản tăng 8,22%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,27%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 12,81%.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2018, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 43,5%, bình quân 3 năm 2016 - 2018 đạt 43,29%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011 - 2015.
Hiệu quả đầu tư được cải thiện với nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) giảm từ mức 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017 và 5,97 năm 2018, bình quân giai đoạn 2016 - 2018 hệ số ICOR ở mức 6,17, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011 - 2015.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2018 giảm 0,25% so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 4,88% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 6/12/2018 và 21/12/2018 làm giá xăng, dầu giảm 10,77% (tác động CPI chung giảm 0,45%); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,89% do giá gas trong tháng giảm 9,64%.
Có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có CPI tháng 12/2018 tăng so với tháng trước, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất 5,76% (dịch vụ y tế tăng 7,53%) do giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo Thông tư số 39/2018/TT/BYT ngày 30/11/2018 (làm CPI chung tăng 0,29%); may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,43%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,22%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%.
Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,05% (lương thực tăng 0,17%; thực phẩm giảm 0,02%); nhóm bưu chính viễn thông và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch cùng tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%. Riêng nhóm giáo dục giá không đổi so với tháng trước.
Tính chung quý IV/2018, CPI tăng 0,6% so với quý trước và tăng 3,44% so với quý IV/2017. CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với bình quân năm 2017, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. CPI tháng 12/2018 tăng 2,98% so với tháng 12/2017, bình quân mỗi tháng tăng 0,25%.
Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực
Theo quy định của Hiệp định CPTPP sau 60 ngày tính từ khi quốc gia thứ 6 phê chuẩn Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực.
Hiệp định TPP-11 (hay CPTPP) dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2018. (Ảnh: Getty)
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 11 nước thành viên sáng lập gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam ký kết hồi tháng 3/2018 tại Chile.
Theo quy định, CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi được 6 nước phê chuẩn. Sau Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand và Canada, Australia là quốc gia thứ 6 đã phê chuẩn CPTPP vào ngày 30/10 vừa qua. Như vậy, ngày hôm nay (30/12), Hiệp định CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực.
Tháng 11 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Hiệp định CPTPP và sẽ có hiệu lực từ ngày 14/1/2019. Với việc CPTPP có hiệu lực từ ngày 30/12 sẽ tạo nên một thị trường gần 500 triệu người tiêu dùng, với quy mô kinh tế của khối lên tới 13.500 tỷ USD.
Theo đại diện Bộ Công Thương, cơ hội lớn nhất từ CPTPP với Việt Nam không phải là việc mở rộng thị trường mà là cải cách thể chế. Việt Nam sẽ hướng tới việc sửa 7 luật và hàng chục Nghị định trong quá trình rà soát pháp luật để phù hợp với các quy định của CPTPP, áp dụng trực tiếp nhiều cam kết, đặc biệt trong lĩnh vực mở cửa dịch vụ và đầu tư.
Việc cải cách thể chế sẽ giúp môi trường kinh doanh được cải thiện, đầu tư nước ngoài và trong nước được duy trì và tăng trưởng, tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu để tận dụng thị trường CPTPP, giúp nâng cao trình độ va năng lực cạnh tranh của hàng Việt; mặt khác, thu hút đầu tư có hàm lượng công nghệ cao.
Đặc biệt, việc các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu trong nội khối CPTPP không phải chịu các khoản thuế sẽ giúp dịch chuyển chuỗi cung ứng và doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tham gia. Về xuất khẩu, lợi ích cũng sẽ có, trước hết từ các thị trường chưa có FTA như Canada, Mexico, Peru, thậm chí cả thị trường Nhật Bản.
Hàng loạt "ông lớn" bất động sản, xây dựng từng bị cưỡng chế nợ thuế
Tổng cục Thuế vừa cung cấp cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước 581 quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế và 2.402 quyết định cưỡng chế nợ thuế.
 Nhiều doanh nghiệp lớn bất động sản từng bị cưỡng chế nợ thuế. Ảnh minh họa
Cụ thể, trong số công ty bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế có 130 công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSX), 119 công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và 240 công ty đăng ký giao dịch Upcom.
Với các công ty bị cưỡng chế nợ thuế, có 62 công ty niêm yết trên HSX, 99 công ty niêm yết trên HNX, 165 công ty đăng ký giao dịch Upcom.
Đáng chú ý, một số đơn vị bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế với số tiền lớn như: Công ty cổ phần Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (phạt nộp chậm hơn 14 tỷ đồng), Công ty cổ phần Công nghiệp gốm sứ Taicera (truy thu thuế hơn 10 tỷ đồng), Cty CP Thủy sản số 4 (phạt chậm nộp 1,7 tỷ đồng)...
Một số cái tên khác là: Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (phạt nộp chậm hơn 2 tỷ đồng), Công ty cổ phần GTNFOODS (truy thu hơn 1,2 tỷ đồng), Công ty cổ phần City Auto (truy thu thuế hơn 1,4 tỷ đồng).
Cty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín bị Cục Thuế TPHCM phạt chậm nộp 2,8 tỷ đồng; Cty CP City Auto bị Cục Thuế TP.HCM truy thu thuế 1,4 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (phạt nộp chậm 1,6 tỷ đồng), Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (phạt nộp chậm hơn 730 triệu đồng), Tập đoàn Hà Đô, Công ty CT Quốc tế Sơn Hà...
Đối với các doanh nghiệp bị cưỡng chế thuế, nhiều nhất phải kể đến, Cty CP Đầu tư Địa ốc Khang An, Cty CP Đầu tư và Phát triển Nhà đất COTEC, Cty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, Cty CP Tập đoàn Thành Nam, Cty CP Thiết bị Y tế Việt Nhật, Cty CP Đầu tư và Xây dựng HUDI, Công ty CP Thiết bị y tế Việt Nhật, Công ty CP Tập đoàn Thành Nam, Công ty CP Đầu tư Everland, Công ty CP Đầu tư Sao Thái Dương, Nông dược HAI, Vạn Phát Hưng, Địa ốc Hoàng Quân, LICOGI 16...
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã gửi danh sách các tổ chức vi phạm để HSX và HXN giám sát về nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin theo thẩm quyền.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 482 tỷ USD
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 244,7 tỷ USD thì khu vực kinh tế trong nước đạt 69,2 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 482 tỷ USD. Ảnh minh họa.
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 175,52 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 71,7% (giảm 0,6 điểm phần trăm so với năm 2017).
Trong năm 2018, có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Đáng chú ý, trong đó 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD. Đó là điện thoại và linh kiện đạt 50 tỷ USD; hàng dệt may đạt 30,4 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 29,4 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,5 tỷ USD và giày dép đạt 16,3 tỷ USD.
"Nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực chủ yếu vẫn thuộc về khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài", Tổng cục Thống kê nhận định.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản, thủy sản trong năm 2018 cũng tăng khá như thủy sản đạt 8,8 tỷ USD, tăng 6,3%; rau quả đạt 3,8 tỷ USD, tăng 9,2%; cà phê đạt 3,5 tỷ USD, tăng 1,2%...
Riêng mặt hàng dầu thô tính chung cả năm 2018 tiếp tục giảm mạnh về cả lượng và kim ngạch xuất khẩu so với năm trước, với kim ngạch xuất khẩu dầu thô đạt 2,3 tỷ USD, giảm 21,2%.
Về nhập khẩu, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu cả năm 2018 ước tính đạt 237,51 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 94,80 tỷ USD, tăng 11,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 142,71 tỷ USD, tăng 11,6%.
Trong năm 2018, có 36 mặt hàng ước tính kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 90,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 4 mặt hàng trên 10 tỷ USD.
Nhiều mặt hàng phục vụ sản xuất, gia công, lắp ráp trong nước có kim ngạch tăng so với năm trước là điện tử, máy tính và linh kiện tăng 12,5%; vải tăng 13,5%; sắt thép, tăng 9%; chất dẻo tăng 20%; xăng dầu tăng 7,8%...
Như vậy, cán cân thương mại cả năm 2018 tiếp tục xuất siêu 7,2 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,6 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 32,8 tỷ USD.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, năm 2018 khu vực kinh tế trong nước chuyển biến tích cực khi đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng lên so với năm 2017.
CEO Vietjet mất 600 triệu USD chỉ trong 9 tháng

Hồi tháng 3/2018, giá trị tài sản ròng của bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air được ghi nhận đạt 3,1 tỷ USD. Tuy nhiên, đến nay khối tài sản này đã thu hẹp chỉ còn 2,5 tỷ USD, tương ứng giảm 600 triệu USD so với 9 tháng trước.

 Trong 9 tháng, bà Nguyễn Phương Thảo mất 600 triệu USD.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/12, trong khi thị trường hồi phục mạnh mẽ thì cổ phiếu VJC của Công ty CP Hàng không VietJet lại ngược chiều giảm 2.000 đồng tương ứng 1,6% còn 120.000 đồng/cổ phiếu.
Với mức giá này, VJC đã đánh mất 4% giá trị trong vòng 1 tuần giao dịch vừa qua và giảm tới hơn 21% so với thời điểm 3 tháng trước. VJC từng đạt được mức đỉnh giá tới gần 187.000 đồng vào đầu tháng 4/2018, tuy nhiên, cho đến nay, mã này đã đánh mất tới 35,7% so với đỉnh.
Còn nhớ vào thời điểm hãng xếp hạng Forbes công bố danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2018 vào hồi tháng 3, giá trị tài sản ròng của bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air được ghi nhận lúc đó là 3,1 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện tại, khối tài sản này đã thu hẹp còn 2,5 tỷ USD, tương ứng giảm 600 triệu USD so với 9 tháng trước.
Trên sàn chứng khoán, tổng giá trị tài sản cổ phiếu của bà Thảo hiện còn 17.810 tỷ đồng, tính bao gồm cả 92,1 triệu cổ phiếu VJC gián tiếp sở hữu qua 100% cổ phần tại công ty riêng của bà Thảo là TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.
Cổ phiếu VJC diễn biến bất lợi sau thông báo của Cục Hàng không Việt Nam về việc lập 7 đoàn kiểm tra giám sát đặc biệt đối với Vietjet Air sau các sự cố xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây.
Cụ thể, hãng bay này sẽ bị kiểm tra, giám sát từ 28/12/2018 đến 15/1/2019. Sau ngày 15/1/2019, nếu hãng hàng không Vietjet đáp ứng được toàn bộ yêu cầu, đảm bảo tuyệt đối công tác an toàn, việc kiểm tra sẽ được dỡ bỏ. Trường hợp ngược lại, Cục Hàng không Việt Nam sẽ chuyển sang giám sát đặc biệt giai đoạn 2.
Bên cạnh việc bị Bộ GTVT nghiêm khắc cảnh cáo thì hãng bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam còn bị Cục Hàng không Việt Nam tạm thời chưa cấp phép khai thác tăng chuyến cho đến khi có kết quả điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố chuyến bay VJ689 ngày 25/12.
Về phiên giao dịch của thị trường chứng khoán ngày 27/12, mặc dù đã thu hẹp biên độ đáng kể so với cuối phiên sáng, song kết phiên, VN-Index vẫn ấn định được mức tăng 9,06 điểm tương ứng 1,02% lên 900,81 điểm. Trên sàn HSX ghi nhận có tới 204 mã tăng giá, 9 mã tăng trần so với chỉ 71 mã giảm, 11 mã giảm sàn.
Trong khi đó, tại sàn Hà Nội, với 76 mã tăng, 21 mã tăng trần so với 37 mã giảm, 10 mã giảm sàn, chỉ số HNX-Index cũng đạt tăng 1,71 điểm tương ứng 1,67% lên 103,99 điểm.
Thanh khoản toàn sàn đạt trên 4.000 tỷ đồng với hơn 216 triệu cổ phiếu giao dịch. Trong đó, khối lượng giao dịch tại HSX ở mức 151,7 triệu cổ phiếu tương ứng 3.159,44 tỷ đồng và tại HNX là 50,38 triệu cổ phiếu tương ứng 671,5 tỷ đồng.
Phiên này, GAS đóng góp tới 2,07 điểm cho VN-Index, BID đóng góp 1,48 điểm và VHM đóng góp 1,35 điểm cho chỉ số. Một số mã khác tăng giá cũng hỗ trợ cho thị trường như VCB, VIC, HPG, PLX, SAB…
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, bên cạnh VJC còn có ROS, HNG, BHN, PAN… nhất là ROS giảm tới 2.559 đồng còn BHN giảm 1.300 đồng.
Theo đánh giá của BVSC, tâm lý nhà đầu tư đã phần nào bình ổn trở lại khi thị trường chứng khoán thế giới hồi phục mạnh. Tuy vậy, dòng tiền vẫn còn đó sự thận trọng và áp lực chốt lời vẫn đang hiện hữu ở các mức giá cao trong phiên.
Trên góc độ phân tích kỹ thuật, công ty này cho rằng, nỗ lực hồi phục của thị trường vẫn đang vấp phải lực cản đến từ khoảng trống giảm giá (903-908 điểm) được hình thành trong phiên trước đó.
Nếu thị trường không vượt được lên khoảng trống giảm giá trong phiên cuối tuần, đồng thời xuyên thủng ngưỡng 894 điểm thì BVSC lưu ý đến khả năng thị trường sẽ tiếp tục giảm về vùng hỗ trợ sâu hơn nằm tại 860-870 điểm, trước khi cho tín hiệu rõ ràng hơn về một đợt hồi phục tăng điểm ngắn hạn.

Năm 2018: Hà Nội đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư FDI

Chiều 25/12, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Ngọc Nam đã thông tin về kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và cải thiện môi trường đầu tư của TP năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Ngọc Nam thông tin về kết quả thu hút đầu tư trực tiếp

nước ngoài (FDI) và cải thiện môi trường đầu tư của TP năm 2018 tại hội nghị.

Theo ông Trần Ngọc Nam, thời gian qua, Hà Nội tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn và thị trường sôi động đối với các nhà đầu tư, các DN. Theo đó, từ đầu năm đến nay, toàn TP thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 7,501 tỷ USD (tăng 2,18 lần so với năm 2017); dự kiến đứng đầu cả nước và cao nhất kể từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài.

Riêng trong 3 năm (từ năm 2016-2018) thu hút được gần 14,05 tỷ USD (bằng 2,25 lần giai đoạn 2011-2015). Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, TP đã cấp mới 616 dự án, vốn đầu tư đăng ký mới 5,03 tỷ USD; tăng vốn 157 lượt dự án, vốn đầu tư đăng ký tăng 827,69 triệu USD.

Bên cạnh đó, lũy kế đến nay, Hà Nội thu hút trên 36,55 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, các dự án đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm 80% và các dự án liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh chiếm 20%.

Lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất là hoạt động kinh doanh bất động sản (34,8%), công nghiệp chế biến chế tạo (24,4%), thông tin truyền thông (8,72%)… Cũng theo ông Trần Ngọc Nam, mục tiêu tổng quát của năm 2019 là TP tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển DN cả về số lượng và chất lượng.

Tín dụng nông nghiệp nông thôn đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng

Ngày 26/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành Ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng đen.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại Hội nghị.

Theo NHNN, dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn đến cuối tháng 11 ước đạt khoảng 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017 (cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế) với hơn 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ; chiếm tỷ trọng gần 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Với những nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã đạt kết quả đáng khích lệ. Hiện có khoảng 70 tổ chức tín dụng (TCTD), mạng lưới hơn 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách Xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn.

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, trong những năm qua, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn liên tục tăng trưởng nhanh. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước về kết quả thực hiện các chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, việc đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, các ngân hàng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể giúp người vay vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Từ đó, góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen ở khu vực nông thôn.

Đặc biệt, Nghị định số 116 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 55 đã nâng mức vốn cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, đây điều kiện tốt nhất cho người dân vùng sâu, vùng xa không có tài sản đảm bảo nhưng vẫn có thể tiếp cận được nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Những điểm mới đột phá bao gồm: Nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình lên gấp 2 lần mức cho vay tối đa cũ (cụ thể: Cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; Cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng).

Việc nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các khách hàng này góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng khách hàng thiếu vốn sản xuất kinh doanh và không có tài sản bảo đảm phải tìm đến các nguồn vốn khác như tín dụng đen; Bổ sung quy định mở rộng đối tượng được vay không có tài sản bảo đảm đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.

Nghị định 116 ra đời song hành cùng các giải pháp về tín dụng của ngành Ngân hàng đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt nâng cao tiếp cận vốn của người nghèo, người có thu nhập thấp ở khu vực nông thôn, góp phần hạn chế việc người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức khác.

Tuy nhiên, theo đại diện NHNN, thời gian qua, tình hình tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên, gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế - xã hội. Điều này cho thấy một thực tế là người dân chưa lường hết được tác hại và vẫn đang tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi.

Lãnh đạo NHNN cho biết, thời gian qua, ngành Ngân hàng cũng đã tích cực phối hợp cùng với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen. Qua tổng hợp báo cáo nhanh của Chi nhánh NHNN các tỉnh, TP, ngành Ngân hàng đã phối hợp theo đề nghị của cơ quan công an, các sở, ban ngành, chính quyền địa phương tham gia xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, TP với tổng số tiền là khoảng 117 tỷ đồng.

Trong đó, 72 vụ việc đã xử lý, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ. Đồng thời, ngành Ngân hàng cũng thường xuyên tăng cường sự phối hợp với các cơ quan công an, sở ban ngành, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật về hoạt động ngân hàng, các quy định pháp luật về phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng đen tới các tầng lớp nhân dân trong xã hội và tham gia đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến tín dụng đen.

Để đẩy mạnh hơn nữa tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc các Bộ, ngành địa phương cùng tham gia đẩy lùi nạn tín dụng đen. Ngành Ngân hàng sẵn sàng vào cuộc và phối hợp tích cực với các cơ quan, Bộ Ngành, chính quyền địa phương để ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen trong phạm vi, quyền hạn của NHNN. Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Bộ Công An cũng đã cho thấy thực trạng, cách nhận diện tín dụng đen, các khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen diễn biễn phức tạp thời gian qua và các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động này.