Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Hà Nội vinh danh doanh nghiệp tiêu biểu

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội vinh danh doanh nghiệp tiêu biểu; EVN bị truy thu thuế gần 2.000 tỷ đồng; ông Trần Sỹ Thanh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn Dầu khí... là nội dung chú ý tuần qua.

Hà Nội vinh danh doanh nghiệp tiêu biểu
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trao Bằng khen cho các DN xuất sác. Ảnh: Phạm Hùng.

Tối 28/12, tại Hà Nội diễn ra “Đêm Doanh nghiệp 2017” với chủ đề “DNNVV là động lực tăng trưởng cho kinh tế - xã hội Thủ đô". Sự kiện do UBND TP Hà Nội, Sở Công Thương, Sở KH&ĐT, Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) tổ chức. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, cùng hơn 600 DN tiêu biểu của Thủ đô.

Đêm Doanh nghiệp là chương trình thường niên của Hanoisme. Chương trình không chỉ tôn vinh những DN có thành tích trong hoạt động sản xuất mà còn là dịp để các DN Thủ đô gặp gỡ giao lưu lẫn nhau, nâng cao tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua sản xuất kinh doanh, chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế.

TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội cho biết, với cương vị là thủ lĩnh chèo lái con thuyền của doanh nghiệp, nhiều doanh nhân đã phát triển doanh nghiệp của mình một cách vượt bậc, đạt được nhiều thành tích đáng kể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2017.

Đêm Doanh nghiệp 2017 tôn vinh hơn 120 cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc, nổi bật được trao thưởng: 3 tập thể, 1 cá nhân nhận Huân chương Lao động của Nhà nước, Cờ Thi đua và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 3 tập thể nhận Cờ Thi đua, 24 tập thể, 21 cá nhân nhận Bằng khen UBND Thành phố; và các tập thể, cá nhân nhận Cúp Doanh nhân, Doanh nghiệp tiêu biểu Hà Nội vàng của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội.

“Sự ghi nhận và tôn vinh của Đảng, Nhà nước, Thành phố là phần thưởng xứng đáng cho đóng góp về kinh tế - xã hội của các cá nhân và tập thể trong Hiệp hội, là động lực khích lệ cho các đơn vị phát triển và thành công hơn nữa”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Đêm Doanh nghiệp 2017 với sự góp mặt của hơn 600 doanh nghiệp Thủ đô hứa hẹn sẽ đem lại một chương trình đầy màu sắc và ý nghĩa, không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp gặp mặt mà còn là cơ hội để họ trao đổi những bí quyết kinh doanh cùng nhau tìm hướng liên kết, phát triển bền vững.

EVN bị truy thu thuế gần 2.000 tỷ đồng

EVN bị truy thu thuế gần 2.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng EVN cố tình hạch toán sai một số khoản năm 2015, 2016 dẫn đến giảm lợi nhuận và thuế phải nộp. Quyết định truy thu 1.935 tỷ đồng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa được Bộ Tài chính đưa ra.

Theo cơ quan này, đây là số tiền EVN phải nộp ngân sách sau khi Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện hạch toán sai một số khoản chi phí, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận năm 2015, 2016 giảm.

Trong 1.935 tỷ đồng thuế bị truy thu của EVN có 88,3 tỷ đồng là thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2015, gần 970 tỷ thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016 và 877 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2015.

Quyết định của Bộ Tài chính nêu rõ, EVN đã hạch toán vào chi phí năm 2015 gần 1.342 tỷ đồng là khoản chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2012 - 2015. Việc hạch toán này, theo Bộ Tài chính, "không đúng chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng" vào tháng 10/2016.

Trước đó, tháng 12/2015, báo cáo Thủ tướng về cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí này, Bộ Công Thương cho biết chi phí ước tính khoảng 60 triệu USD.

Do chưa có nguồn dự phòng (giai đoạn trước năm 2015) để thanh toán chi phí này nên EVN đề nghị cho phép được phân bổ vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong các năm tiếp theo, dự kiến từ năm 2016.

Trong công văn báo cáo, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ cho phép EVN phân bổ chi phí chưa thanh toán cho PVN giai đoạn 2012 đến thời điểm cước phí được phê duyệt vào các năm tiếp theo, cũng dự kiến từ năm 2016 và không quá 5 năm.

Trong một công văn khác vào tháng 6/2016, Bộ Công Thương cho biết khoản tiền chênh lệch cước phí đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2012-2015 là khoảng 85,26 triệu USD và EVN cam kết thanh toán trong hai năm 2016 và 2017.

Tuy nhiên, công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào tháng 10/2016 chỉ cho phép phân bổ chi phí 2 năm (năm 2016 và 2017).

Thế nhưng, theo Thanh tra Bộ Tài chính, EVN đã phân bổ chi phí này từ năm 2015, trước thời điểm gửi xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cũng như trái với chỉ đạo "phân bổ trong 2 năm 2016, 2017" của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Việc phân bổ vào chi phí sản xuất kinh doanh tức là đưa vào cấu thành giá điện. Hạch toán ngay vào năm 2015 đã làm giảm lợi nhuận của EVN, theo tính toán của Thanh tra Bộ Tài chính, là 1.342 tỷ đồng và làm giảm 88,2 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như 877 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế phải nộp cho ngân sách.

Phản hồi về thông tin này, đại diện EVN cho rằng, đây là khoản chi phí hồi tố cước vận chuyển khí Phú Mỹ - TP Hồ Chí Minh đã phát sinh trong giai đoạn 2012 - 2015.

Tháng 2/2016, Văn phòng Chính Phủ có công văn cho phép EVN được phân bổ khoản chi phí phí này và giao Bộ Công Thương đề xuất thời gian thực hiện phù hợp (ngắn hơn 5 năm).

Trong năm 2015, EVN đã tiết kiệm chi phí và cân đối, phân bổ được 1.341 tỷ đồng vào kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015.

Cũng theo tập đoàn này, việc phân bổ chi phí trên vào năm 2015, 2016 thay cho năm 2016, 2017 là "sự nỗ lực của EVN trong tiết kiệm chi phí tự cân đối để giảm áp lực tăng giá bán lẻ điện và giá điện tăng từ 1/12/2017 không gồm khoản chi phí trên".

Cùng với đó, do khoản chi phí hồi tố cước vận chuyển khí đã không đưa vào phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện nên EVN không có nguồn để bù đắp nếu chi phí này xuất toán khỏi giá thành năm 2015 và chuyển phân bổ vào chi phí sản xuất kinh doanh năm 2017.

Ngoài việc cố tình phân bổ chi phí sai quy định, theo Bộ Tài chính, EVN còn chưa hạch toán 4.848 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá vào doanh thu hoạt động tài chính năm 2016.

Tại ngày 31/12/2016, chênh lệch tỷ giá của dự án đầu tư xây nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn I đã hoàn thành, bàn giao sử dụng là gần 5.274 tỷ đồng và lỗ chênh lệch tỷ giá của các dự án khác đang trong quá trình đầu tư xây dựng là gần 426.122 tỷ đồng.

Theo quy định, lãi chênh lệch từ tỷ giá phải được bù trừ với lỗ và một khi có chênh lệch thì doanh nghiệp phải hạch toán khoản này. Như vậy, EVN đã hoàn toàn "quên" không hạch toán khoản lãi gần 4.848 tỷ đồng này.

Trần tình về việc "lỡ quên" khoản chênh lệch tỷ giá, EVN cho biết, đây là khoản phát sinh tại dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 do Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) làm chủ đầu tư và hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ.

Ông Trần Sỹ Thanh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn Dầu khí

 Ông Trần Sỹ Thanh.

Ông Phạm Minh Chính - Trưởng Ban tổ chức T.Ư trưa 24/12 cho biết, sáng cùng ngày, tại Lạng Sơn đã diễn ra Hội nghị triển khai các quyết định của Bộ chính trị về công tác cán bộ.

Theo đó, bà Lâm Phương Thanh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư được Bộ Chính trị điều động lên Lạng Sơn đảm trách chức vụ Bí thư Tỉnh ủy thay ông Trần Sỹ Thanh luân chuyển về làm Phó Ban kinh tế T.Ư.

Ông Trần Sỹ Thanh - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy để về Ban kinh tế Trung ương; giữ chức vụ Phó Ban kinh tế, kiêm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Bà Lâm Phương Thanh, cử nhân lịch sử, cao học Luật, từng đảm nhiệm chức vụ Bí thư TƯ Đoàn khóa VIII, khóa IX.

Được biết, ông Trần Sỹ Thanh sinh ngày 16/3/1971, quê quán tại xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Ngày 5/2/2004, ông Trần Sỹ Thanh được bổ nhiệm giữ chức Chánh Văn phòng Kho bạc Nhà nước Việt Nam. 3 năm sau, trước khi được điều chuyển tham gia Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông đã giữ chức Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Việt Nam.

Ngày 12/11/2008, ông được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê chuẩn bổ nhiệm vào chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk.

Ngày 3/10/2010, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XV, ông được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, sau đó được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương, tham gia Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ngày 4/6/2012, ông thôi tham gia Ủy ban Kiểm tra T.Ư để tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang nhiệm kỳ 2010 - 2015 thay người tiền nhiệm là ông Nông Quốc Tuấn về giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Ngày 11/1/2015, tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI) đã bầu bổ sung ông vào Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng (khóa XI). Đến ngày 13/2/2015, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra T.Ư.

Từ 28/10/2016, ông được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn.

Xóa sổ thêm hai công ty bán hàng đa cấp

Xóa sổ thêm hai công ty bán hàng đa cấp. Ảnh minh họa.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa ra quyết định xử phạt Công ty TNHH BHIP và Công ty Cổ phần Everrichs. Cụ thể, Công ty đa cấp BHIP sẽ bị phạt 220 triệu đồng và bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Công ty TNHH BHIP có địa chỉ trụ sở chính tại tầng 20, tòa nhà C-Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội; Giấy chứng nhận đăng ký DN số 0310789063 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 20 tháng 4 năm 2011.

Trong quá trình kiểm tra thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện BHIP một số sai phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp. Vì thế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiến hành xử phạt số tiền là 220 triệu đồng. Đồng thời, Cục đã quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đối với DN này.

Việc thu hồi giấy chứng nhận, theo Bộ Công Thương, sẽ không giải phóng DN này khỏi các nghĩa vụ của mình trước pháp luật, trong đó có nghĩa vụ bảo đảm quyền lợi chính đáng của các nhà phân phối và người tham gia bán hàng đa cấp trong mạng lưới bán hàng đa cấp của DN.

Ngày 25/12, Cục này cũng đã ra quyết định xử phạt 620 triệu đồng về các vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Cổ phần Everrichs và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Công ty cổ phần Everrichs có trụ sở chính tại 205/69 Trần Văn Đang, phường 11, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Giấy chứng nhận đăng ký DN của Everrichs mang số 0106751084, đăng ký lần đầu ngày 19/1/2015 tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, số người bán hàng đa cấp hiện nay trên cả nước khoảng 360.000 người. Cũng theo báo cáo, thời gian vừa qua bán hàng đa cấp đã giảm mạnh cả về số lượng DN và người tham gia.

Số DN kinh doanh đa cấp có giấy chứng nhận hoạt động còn 36 đơn vị, giảm 46% so với cuối năm 2015. Số người tham gia là khoảng 360.000 người, giảm 276.000 người (43%) so với cuối năm 2016.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu bán hàng đa cấp của các DN là 3.067 tỷ đồng. Tổng hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác họ đã chi trả cho người tham gia là 986 tỷ đồng. Như vậy tỷ lệ hoa hồng trên doanh thu là 32%.

Bộ Công Thương tính toán thu nhập bình quân của 360.000 người tham gia bán hàng đa cấp đạt khoảng 2,7 triệu đồng/người/năm. Do đó, bán hàng đa cấp không phải là một phương thức kinh doanh có thể làm giàu cho tất cả người tham gia.