Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Nhiều đại gia Việt có tên trong Hồ sơ Paradise

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều đại gia Việt có tên trong Hồ sơ Paradise; nhộn nhịp "ăn theo" Black Friday tại Việt Nam; 3 năm tới sẽ "hụt" hơn 110.000 tỷ đồng vì tự do thương mại... là những nội dung kinh tế chú ý trong tuần qua.

Nhiều đại gia Việt có tên trong Hồ sơ Paradise
Ảnh minh họa. Nguồn Vietnamnet

Tính tới ngày 23/11, trong 25.000 pháp nhân liên quan xuất hiện trong Hồ sơ Paradise (Hồ sơ Thiên đường) có 32 công ty nước ngoài, 214 cá nhân, 23 công ty trung gian và 205 địa chỉ có liên quan đến Việt Nam.

Theo Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), trong số hàng chục công ty có trụ sở ở các “thiên đường thuế” liên quan Việt Nam, có 15 doanh nghiệp đặt tại quần đảo Virgin (Anh), 11 công ty đặt tại quần đảo Cayman, số còn lại đặt tại Panama, Bahamas và quần đảo Cook.

Trong danh sách các pháp nhân có liên quan tới Việt Nam, phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như Vietnam Paiho Ltd., Sheraton Sai Gon, Vietnam Equity Holding do Công ty quản lý quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM) quản lý; Quỹ đầu tư Vietnam Asset Management Ltd; Quỹ đầu tư Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) do Dragon Capital quản lý, Newmont Vietnam Pty Ltd…

Ngoài ra, danh sách có nhiều công ty liên quan tới các địa điểm tại Việt Nam như Phú Quốc, Hội An, Hà Nội, TP.HCM.

Danh sách cũng có nhiều cái tên quen thuộc với giới tài chính trong nước như Don Lam, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital; Nguyen Louis T, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ đầu tư SAM hay ông Dominic Tymothy Charles, Tổng giám đốc Dragon Capital...

Trong hồ sơ cũng có một số cái tên thuần, đặc trưng Việt Nam như Cong Giang Bui, Quang Luu, Khanh Luu, Ninh Nguyen Quang, Huynh Phongthanh, Quang Hien Vu...

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết cơ quan này sẽ đối chiếu các dữ liệu của ngành thuế xem các cá nhân và tổ chức tại Việt Nam mà hồ sơ này nêu tên có thuộc đối tượng kê khai và nộp thuế hay không. Tuy nhiên, việc này sẽ cần đến sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam.
Nhộn nhịp "ăn theo" Black Friday tại Việt Nam
Nhiều cửa hàng tại Hà Nội giảm giá ngày Black Friday. Ảnh Internet

Black Friday là ngày thứ 6 sau ngày lễ Tạ Ơn (Lễ hội này diễn ra vào ngày thứ năm cuối cùng của tháng 11). Theo một ghi chép cổ, thuật ngữ “Black Friday” được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1869, nhằm ám chỉ vấn nạn "khủng hoảng tài chính" tại Mỹ.

Người khởi nguồn cho Black Friday phải nhắc đến Jay Gould và Jim Fisk. Đây là hai nhà đầu tư Wall Street nổi tiếng thời bấy giờ. Họ cùng bắt tay gây lũng đoạn thị trường vàng, đẩy nền kinh tế nước Mỹ rơi vào khủng hoảng. Dù mọi chuyện đã được giải quyết ngay lập tức, nhưng nhiều nhà kinh doanh trên phố Wall vẫn không quên sự việc xảy ra vào ngày đen tối này.

Trong những năm 1950, cảnh sát địa phương ở Philadelphia, Mỹ đã sử dụng thuật ngữ “Black Friday” nhằm nói về số lượng người đến Mỹ mua sắm sau ngày lễ Tạ ơn, tạo nên nhiều cuộc hỗn loạn vượt tầm kiểm soát.

Đến nay, cụm từ "Black Friday" được nhiều người biết đến thông qua việc các nhãn hàng thời trang, đồ dùng, mỹ phẩm, đồng hồ cùng những phụ kiện công nghệ đồng loạt giảm giá lên đến 80%.

Black Friday là ngày hội giảm giá tại nhiều quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam, nhiều cửa hàng cũng "ăn theo" Black Friday. Trên các tuyến phố Hà Nội, các cửa hàng thời trang đã bắt đầu khởi động chiến dịch giảm giá khủng.

Các mặt hàng thời trang áo rét, áo khoác là món hàng được yêu thích và có số lượng tiêu thụ cực lớn trong ngày giảm giá này. Đặc biệt, năm nay, dịp khuyến mại này diễn ra đúng lúc Hà Nội đang trải qua những ngày giá rét.

Việt Nam sẽ "hụt" hơn 110.000 tỷ đồng vì tự do thương mại trong 3 năm tới
Việt Nam sẽ thâm hụt ngân sách 110.000 tỷ trong 3 năm tới. Ảnh minh họa

Theo ước tính của Bộ Tài chính, với 10 Hiệp định tự do thương mại song và đa phương (FTA) thế hệ mới, trong đó có những cơ chế tự do thương mại, xoá bỏ hàng rào thuế quan nhiều mặt hàng thông thường, hàng nhạy cảm cao, ba năm tới Việt Nam có thể thất thu ngân sách số tiền tổng cộng hơn 110.000 tỷ đồng.

Số thất thu ngân sách theo ước tính qua các năm của Bộ Tài chính cụ thể là: Năm 2018 là 30.150 tỷ đồng, năm 2019 là 36.340 tỷ đồng và năm 2020 là 43.965 tỷ đồng.

Riêng năm 2018, năm bản lề thực hiện xóa bỏ thuế quan nhiều mặt hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN, trên 90% các dòng hàng theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ có thuế nhập khẩu giảm xuống 0%. Mạnh nhất là một số mặt hàng có số thu lớn thuế suất cao như: ô tô giảm từ 30% xuống 0%; linh kiện phụ tùng 5%, 20% xuống 0%; sắt thép 5% xuống 0%; nông sản, thuốc lá, rượu…

Bên cạnh đó, với việc ký các Hiệp định thương mại ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định thương mại ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) trong năm 2018 cũng có tới hơn 400 dòng hàng có thuế suất hiện nay là 5, 7, 10% sẽ về 0% vào năm 2018. Đây lại là hai nước có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam hiện nay.

Theo Bộ Tài chính, hiện Việt Nam đã ký kết 10 hiệp định thương mại quốc tế việc thực hiện các cam kết hội nhập về thuế quan nhằm thu hút và góp phần gia tăng đầu tư nước ngoài, giảm chi phí nhưng có thể giúp tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ các khoản thuế nội địa như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất, thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân..

Trước mắt, việc thực hiện các cam kết FTA cũng khiến số thu ngân sách từ thuế nhập khẩu sụt giảm, ảnh hưởng đến công tác thu NSNN nói chung. Điều này đặt áp lực lớn đối với cơ cấu chi ngân sách, đặc biệt có thể phát sinh những khoản thu thuế mới, tăng gánh nặng đối với khu vực trong nước nếu không được kiểm soát.
Đấu giá gần 49% vốn Tổng công ty Sông Đà
Sẽ đấu giá gần 49% vốn Tổng công ty Sông Đà.Ảnh minh họa

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ngày 23/11 thông báo cuộc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà dự kiến sẽ diễn ra vào 9h ngày 25/12/2017. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức từ Tổng công ty Sông Đà.

Được biết, Tổng công ty Sông Đà dự tính bán đấu giá 219,68 triệu cổ phần với giá khởi điểm 11.000 đồng/CP cho các nhà đầu tư là tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định. Tổng số tiền dự kiến thu về hơn 2.416 tỷ đồng.

So với mức vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần hóa là 4.500 tỷ đồng thì số cổ phần được đem ra đấu giá đã chiếm tới 49%. Có nghĩa rằng, nhà đầu tư nào đủ tham vọng và thực lực sẽ có cơ hội sở hữu một nửa cơ ngơi của doanh nghiệp từng tạo nên Công trình thủy điện Hòa Bình.

Theo điều kiện tham dự đấu giá đã công bố, phiên đấu giá sẽ “rộng cửa” với tất cả các nhà đầu tư là tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định.

“Đề nghị Công ty chứng khoán có nhu cầu làm đại lý cho cuộc đấu giá gửi Đơn đăng ký làm đại lý đấu giá về Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (số 2 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chậm nhất đến 16 giờ ngày 23/11/2017”, HNX thông báo.

Phương án cổ phần hóa và chuyển thành công ty cổ phần Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà chính thức được phê duyệt cách đây ít tháng, theo Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 07/06/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Sau IPO, Sông Đà sẽ có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng, chia làm 450 triệu cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần). Trong đó, cổ phần nhà nước là 229,5 triệu cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019, năm 2020 bán tiếp phần vốn nhà nước còn nắm giữ tại doanh nghiệp này xuống dưới 50% vốn điều lệ.