Đây được coi là một bước đi nhằm cụ thể hóa chiến lược xoay trục sang châu Á của Washington.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP
Theo chương trình nghị sự, Phó Tổng thống Biden sẽ thảo luận với lãnh đạo Ấn Độ và Singapore về các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy trao đổi thương mại song phương. Diễn ra ít ngày sau khi vòng đàm phán thứ 18 của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc tại Malaysia mà chưa tìm được lời giải cho các vấn đề như tiếp cận thị trường, dỡ bỏ thuế quan, quyền sở hữu trí tuệ... chuyến đi lần này của ông Biden còn được cho là nhằm tiếp lửa cho các vòng đàm phán tiếp theo. Trong khi các nước thành viên chưa đạt được thỏa thuận với nhau, việc Nhật Bản tham gia vào các cuộc đàm phán từ ngày 23/7 tạo ra nguy cơ các bên đạt được kế hoạch đề ra vào cuối năm nay. Điều đáng nói là, Washington đang coi TPP như một phần trong chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á và là phương tiện nhằm củng cố các lợi ích và ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng gia tăng sự hiện diện và khu vực tự do thương mại Trung Quốc – ASEAN đã đi vào hoạt động. Điều này giúp lý giải sự sốt sắng của Mỹ trong thúc đẩy TPP. Theo kế hoạch, Phó Tổng thống Biden sẽ hội đàm với các nhà lãnh đạo Singapore, thành viên tích cực của TPP, tái khẳng định tầm quan trọng của Hiệp định này và hối thúc các nước có những sự nhượng bộ để nhanh chóng khép lại lộ trình.
Ngoài sứ mệnh tiếp lửa cho TPP – vốn rất quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới, chuyến thăm này là cơ hội để vị phó tướng của Tổng thống Mỹ Barack Obama thảo luận với các lãnh đạo khu vực về cách giải quyết các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Ngay trước thềm chuyến thăm, ông Biden tuyên bố, Mỹ muốn tạo dựng “một trật tự ở châu Á – Thái Bình Dương” nhằm mang lại an ninh và thịnh vượng kinh tế cho các quốc gia tại khu vực này. Vì thế, các nhà quan sát cho rằng, ông Biden sẽ gửi đi thông điệp "mong muốn sâu sắc của Washington nhằm đảm bảo rằng các tranh chấp này được giải quyết theo cách có thể thúc đẩy tự do hàng hải, sự ổn định và giải quyết xung đột, tránh sự hăm dọa, áp bức và gây hấn". Hiện chưa rõ, những sứ mệnh khó khăn của ông Biden khi thực hiện chuyến công du lần này có hoàn thành hay không nhưng có điều chắc chắn là quá trình chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ đã được làm sâu sắc hơn, góp phần giúp Washington tăng cường sự hiện diện cũng như tầm ảnh hưởng tại khu vực địa chính trị quan trọng này.