Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự phản kháng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một người bố buồn và cảm thấy bất lực vì hết đường dạy dỗ đứa con trai. Nhưng, anh chị đã vỡ lẽ khi vô tình nghe được cậu nói chuyện với người bạn thân.

Từ trước đến nay, anh chị cứ vô tư xả giận bằng những trận “chiến tranh” nảy nửa liên tục diễn ra trước mặt con. Thậm chí, họ còn nói với nhau những lời mạt sát, xúc phạm. Khi con trai anh bắt đầu biết suy nghĩ, nó cảm thấy xấu hổ với hàng xóm, bạn bè vì bố mẹ suốt ngày cãi nhau. Nó buồn, cảm thấy bị tổn thương và giải pháp được đưa ra là “hãy bỏ đi nơi khác để cho bố mẹ thích làm gì thì làm, không cần quan tâm đến họ nữa”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Thực tế, có những người trẻ lúc bé ngoan ngoãn, biết vâng lời, nhưng đến tuổi dậy thì, bắt đầu học làm người lớn, lại thay đổi tính cách một cách đột ngột, trở nên bướng bỉnh, khó bảo. Những bậc làm cha mẹ khi con cái phản kháng quá mức chỉ biết mắng rằng “cá không ăn muối cá ươn…”, nhưng không ít trường hợp nguyên nhân của sự phản kháng tiêu cực ấy lại chính là cách hành xử của cha mẹ.

Chính sự thay đổi này chứng tỏ chúng đã lớn, bắt đầu có “chính kiến” riêng của mình và những cách sống, hành động của cha mẹ vô tình đã gây ra sự tổn thương cho tâm hồn nhạy cảm. Các nhà tâm lý học thường cho rằng đó là “bước đột phá” về mặt tâm sinh lý của các em đang ở độ tuổi mới lớn. Theo họ, đây là lứa tuổi nhiều cảm xúc bất chợt, vui buồn “mưa nắng” thất thường dễ có những ý kiến chống đối và việc làm trái ngược với người thân và cha mẹ trong gia đình. Một điều dễ nhìn thấy là lúc nhỏ các em chưa đánh giá được ý kiến của cha mẹ nên thường phải nghe lời thế nhưng khi đã lớn các em bắt đầu có “chính kiến” riêng của mình nên việc tuân thủ sự ra lệnh của một ai đó không phải là chuyện đơn giản. Trẻ sẽ tự đánh giá mức độ đúng sai trong cái nhìn của mình. Chưa kể đến những “tự ái đầu đời” cũng là nguyên nhân khiến trẻ không thấy bằng lòng với cha mẹ.

Bởi thế, để kiểm soát sự phản kháng không đáng có, không ai khác, chính cha mẹ phải cho các em một điểm tựa vững vàng về mặt tâm lý, tạo ra những cảm xúc đẹp. Cùng với đó, việc trò chuyện, tâm sự và tìm hiểu những suy nghĩ thực của con cũng là cách làm tốt để hướng con vào đúng “quỹ đạo”, giúp con vượt qua được sự chơi vơi của tuổi mới lớn và hình thành nên một cách sống tốt, vững vàng sau này. Và chính những người làm cha mẹ cũng phải kiểm soát được chính tâm lý của mình, để tránh khơi dậy sự phản kháng không đáng có trong con.