Trên đường đi của mình, Sandy đã quét qua khu vực Caribe và khiến gần 70 người thiệt mạng, đẩy Cuba rơi vào nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng do 92% diện tích trồng trọt đã bị phá hủy. Khi tấn công nước Mỹ, Sandy tạo ra “Ngày tận thế ở New York” do hàng ngàn tòa nhà bị phá hủy bởi hỏa hoạn hoặc nước lũ cao tới 4,2m. Thành phố đông dân và sầm uất bậc nhất nước Mỹ đã phải nếm trải cảm giác của "thời kỳ đồ đá" vì mất điện kéo dài. Ngay cả khi thị trường chứng khoán New York đã hoạt động trở lại sau 2 ngày đóng cửa, cảnh èo uột đã diễn ra do nhiều nhà đầu tư không thể đến được sàn vì hệ thống tàu điện ngầm chưa được khắc phục những thiệt hại tồi tệ nhất trong lịch sử 108 năm tồn tại. Trong khi đó, tại Pakistan, lũ lụt kéo dài suốt 7 tuần qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 500 người, làm hơn 5 triệu người bị thương. Một quốc gia Nam Á khác là Ấn Độ cũng đang phải đương đầu với cơn bão có cường độ mạnh là Nilam.
Những con số thiệt hại về người, vật chất đã phần nào phản ánh cái giá quá đắt của biến đổi khí hậu, vốn đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI, biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường như nhiệt độ tăng, bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán và nước biển dâng cao. Giống như nhiều nước khác, Việt Nam đã và đang phải đương đầu với những biểu hiện ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu do nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai như lũ lụt, hạn hán, bão biển... Bão nhiệt đới Sơn Tinh với đường đi bất thường và không theo quy luật đã gây ra thiệt hại lớn về người và vật chất trong vài ngày qua là minh chứng rõ ràng nhất cho thực trạng trên.
Dù hầu hết người dân trên toàn cầu bắt đầu nhận thức được nguy cơ từ các thảm họa thiên tai và nền kinh tế toàn cầu đã thể hiện sự kiên cường hiếm có trước các tình huống do thiên tai gây ra. Nhưng rõ ràng, bây giờ không phải là lúc nhân loại tự trấn an bởi sự trừng phạt của thiên tai đang có nguy cơ gia tăng cùng thời gian. Để việc đối phó với thiên nhiên không trở nên vô nghĩa, chúng ta nên giảm thiểu áp lực của nền văn minh đối với tự nhiên thông qua việc cắt giảm hiệu ứng nhà kính, xây dựng và phát triển kinh tế xanh... Cần phải mất nhiều thời gian để những nỗ lực của nhân loại phát huy tác dụng nhưng rất có thể từ nay tự nhiên sẽ nhân từ hơn với chúng ta.