Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa:

Sửa đổi, bổ sung kịp thời để phù hợp với xu thế phát triển

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường sau gần 20 năm triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp thực tế, cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế toàn cầu.

Đây là ý kiến được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại hội thảo khoa học “Những bất cập trong thực hiện Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường”, do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội phân bón Việt Nam tổ chức, sáng 24/2.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao phát biểu tại hội thảo.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao phát biểu tại hội thảo.

Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật được ban hành năm 2006 và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được ban hành năm 2007. Có thể nói, đây là 2 luật gốc có mức độ và phạm vi ảnh hưởng rất lớn quyết định toàn bộ cách thức tiếp cận và phương thức kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, hàng hóa và chi phí sản xuất sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Sau gần 20 năm triển khai, 2 Luật này đã bộc lộ nhiều bấp cập và không phù hợp, gây cản trở và phát sinh nhiều chi phí không cần thiết, bỏ lỡ nhiều cơ hội cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên trường Quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao nhấn mạnh: Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật là các văn bản pháp luật quan trọng trong quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, có tác động lớn đến đời sống, xã hội.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quá trình thực hiện 2 luật này trong lĩnh vực nông nghiệp còn tồn tại nhiều bất cập. Việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn còn chưa đồng bộ, một số quy định chưa sát với thực tiễn sản xuất; công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc quản lý chuỗi cung ứng và truy xuất nguồn gốc; ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp và người sản xuất chưa cao, dẫn đến tình trạng sản phẩm không đạt chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân trong việc áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật chưa thực sự hiệu quả…

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Vì vậy, cuộc hội thảo là điễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và người sản xuất cùng nhau thảo luận, phân tích làm rõ nguyên nhân của những bất cập và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý và bảo đảm chất lượng nông sản Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.

Theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương, việc quản lý chất lượng hiện nay còn nhiều bất cập, như sự lạm dụng quy chuẩn kỹ thuật đối với các nhóm hàng và quy định công bố hợp quy gây tốn kém, phiền hà cho doanh nghiệp. Ngoài ra, quy định kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu quá mức cần thiết cũng tạo thêm chi phí và mất cơ hội kinh doanh.

Ông Dương kiến nghị, cần khảo sát thực tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và lắng nghe ý kiến đa chiều từ các bên liên quan để xây dựng luật pháp có tính khoa học, khách quan, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Văn Tuế cũng chỉ ra những bất cập về quy định công bố hợp quy sản phẩm. Theo ông Tuế, quy trình đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật buộc các cơ sở phải tuân thủ nhiều thủ tục như giám sát hằng năm, thử nghiệm toàn bộ chỉ tiêu kỹ thuật, làm giấy chứng nhận hợp quy cho từng lô hàng nhập khẩu và sản xuất trong nước. Điều này không chỉ tạo ra sự chồng chéo giữa các quy định mà còn tăng chi phí cho ngành thức ăn chăn nuôi, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nội địa so với nhập khẩu. Ông kiến nghị bãi bỏ quy định công bố hợp quy, thay vào đó chỉ áp dụng quy chuẩn kỹ thuật để thanh kiểm tra và xử phạt nếu vi phạm, đồng thời rà soát các tiêu chuẩn không còn phù hợp.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Trí Ngọc, hiện nay, dù ngành nông nghiệp đã có hơn 1.400 tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc gia nhưng nhiều vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón, chỉ có tiêu chuẩn cơ sở và không đáp ứng được yêu cầu công bố hợp chuẩn, gây khó khăn trong quản lý chất lượng. Quy trình xây dựng và sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quá lâu, không theo kịp với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ và thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của ngành. Ông đề xuất cần sửa đổi luật theo hướng cải cách mạnh mẽ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời nhanh chóng thúc đẩy cổ phần hóa các tổ chức đánh giá sự phù hợp để tạo sự minh bạch và công bằng cho các doanh nghiệp.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết, Ban tổ chức sẽ hoàn thiện kiến nghị để gửi đến các cơ quan quản lý thẩm tra, xem xét và đưa ra quyết định phù hợp, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan.