Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học để tăng tự chủ cho các trường

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 30/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH).

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Tăng quyền tự chủ cho đại học
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Luật GDĐH năm 2012 mới đặt nền móng cho tự chủ đại học nhưng chưa quy định rõ về quyền tự chủ, trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ sở GDĐH khi thực hiện tự chủ dẫn đến tự chủ đại học chưa đạt hiệu quả cao trong thực tế.

Dự Luật lần này sửa đổi, bổ sung 31 điều; bổ sung 2 điều mới; bãi bỏ 1 điều và 1 khoản; bao quát hầu hết các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đối với Luật GDĐH năm 2012, các nội dung này đã được tích hợp trong 4 chính sách cần sửa đổi, bổ sung của Dự án Luật, theo hướng xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đúng theo Nghị quyết số 34/2017/QH14 nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, bức xúc của GDĐH hiện nay.

Trong đó, đáng chú ý nhất là Dự Luật mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở GDĐH phát huy tối đa nội lực trong thực hiện tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế.

Trong đó, về tự chủ trong hoạt động chuyên môn, các cơ sở GDĐH được tự chủ mở ngành, tự chủ liên kết đào tạo ở trong và ngoài nước; tự chủ trong việc thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát văn bằng cho người học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hoạt động khoa học và công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các cơ sở GDĐH.

Về tự chủ tổ chức bộ máy và nhân sự, đảm bảo để hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên theo quy định của pháp luật. Hiệu trưởng trường đại học công lập do cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận trên cơ sở đề xuất của hội đồng trường; Hiệu trưởng trường đại học tư thục do hội đồng quản trị quyết định.

Về tự chủ tài chính, tài sản, thể hiện ở quy định về cơ sở GDĐH có quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo; được quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách của cơ sở giáo dục đại học; quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu hợp pháp.

Dự Luật cũng đưa ra vấn đề đổi mới quản trị đại học; đổi mới quản lý đào tạo. Sửa đổi, bổ sung theo hướng xây dựng một số khái niệm tương đồng với quốc tế và các chuẩn cho GDĐH như chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên, chuẩn cơ sở GDĐH… làm công cụ quản lý nhà nước, tạo không gian thống nhất trong toàn hệ thống GDĐH Việt Nam, phù hợp với xu hướng quốc tế, đảm bảo chất lượng đào tạo, thúc đẩy việc công nhận văn bằng, tín chỉ giữa các trường trong khu vực và trên thế giới.

Dự Luật giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định về hình thức đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian, chương trình, tổ chức và quản lý đào tạo, văn bằng chứng chỉ đối với lĩnh vực sức khỏe và một số lĩnh vực chuyên môn đặc thù như các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các trường đào tạo các ngành năng khiếu như thể dục, thể thao, nghệ thuật...

Để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay ở Việt Nam, theo Dự Luật, hệ thống cơ sở GDĐH gồm đại học, trường đại học. Hệ thống sẽ được phân thành hai loại: Cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu và cơ sở GDĐH định hướng ứng dụng, căn cứ vào định hướng, mục tiêu, kết quả đào tạo, nghiên cứu của các cơ sở GDĐH. Thời gian học đại học có thời gian từ 3 - 5 năm (so với trước đây là 4 - 6 năm) để phù hợp hơn với thực tiễn và phân biệt rõ hơn chương trình đào tạo cử nhân và chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù của một số ngành (đào tạo bác sĩ, kỹ sư…).

Về quản lý tài chính, tài sản, Dự Luật sửa đổi để chuyển quy định về học phí sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo, phù hợp với Luật giá, Luật Phí và Lệ phí. Theo đó, các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện do các cơ quan nhà nước quy định khung giá. Các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước, cơ sở GDĐH tự chủ quyết định mức giá dịch vụ, công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh.
 Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình.
Thống nhất quan điểm tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo

Dưới quan điểm của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tán thành việc sửa đổi, bổ sung luật. Tuy nhiên, cần nghiên cứu sửa đổi Luật một cách căn cơ hơn, đáp ứng yêu cầu: chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

Về quản trị và tự chủ của cơ sở GDĐH, cơ quan thẩm tra đề nghị cần làm rõ hơn các khái niệm, nội hàm về quyền tự chủ, về năng lực tự chủ; về phạm vi, mức độ, điều kiện thực hiện quyền tự chủ phù hợp với năng lực của cơ sở GDĐH và yêu cầu cụ thể về trách nhiệm giải trình. Cần rõ nguyên tắc pháp lý cần thiết nhằm tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật về vấn đề tự chủ cho các cơ sở GDĐH, đặc biệt là về tổ chức - nhân sự, tài chính và tài sản.

Về giá dịch vụ đào tạo, đa số tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ và cho phép cơ sở GDĐH được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, không nhất trí việc thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo như thể hiện trong Dự Luật. Do đó đề nghị cân nhắc sử dụng khái niệm học phí như quy định trong Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cần thiết làm căn cứ để xây dựng khung giá, mức giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện. Ngoài ra, cần quy định cơ chế giám sát, công khai, minh bạch trong tài chính đại học để kiểm soát việc thu phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo; quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với GDĐH khi tăng mức học phí.

Về phân tầng, xếp hạng cơ sở GDĐH, quan điểm của cơ quan thẩm tra cho rằng, việc phân tầng, xếp hạng cơ sở GDĐH là cần thiết để tạo nên một hệ thống GDĐH đa dạng, có chất lượng, có cơ cấu tương thích với cơ cấu nhân lực của xã hội. Mỗi loại trường đại học có một vị trí và nhiệm vụ nhất định. Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, vấn đề quan trọng là chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng của cơ sở GDĐH, thực hiện kiểm định và xếp hạng. Đa số ý kiến ủng hộ giao cho Chính phủ, tùy theo yêu cầu của Nhà nước và kết quả kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH, định kỳ công bố danh sách các đại học, trường đại học trọng điểm được ưu tiên đầu tư cụ thể theo các nhiệm vụ chiến lược quốc gia và yêu cầu phát triển đất nước.

Về quy hoạch mạng lưới đại học, đa số ý kiến cơ quan thẩm tra đề nghị, cần cụ thể hóa nguyên tắc, nội dung cơ bản của quy hoạch mạng lưới; quy định nguyên tắc hướng đến sự phát triển của cả hệ thống trong quy hoạch mạng lưới, bao gồm cả công lập, tư thục, trong đó chú trọng đến yêu cầu phân bố theo không gian và nguồn lực. Cần xác định rõ nội hàm, yêu cầu về số lượng, quy mô, chất lượng, tính hệ thống, nhu cầu phát triển, và đặc biệt là sự phân bố nguồn lực để phát triển bền vững GDĐH.