Tiếp tục phiên họp thứ 27, sáng nay (21/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS).
Số việc chuyển kỳ sau còn rất lớn
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong 5 năm kể từ khi Luật THADS có hiệu lực, công tác thi hành Luật bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí yếu kém. trong đó nổi lên là kết quả THADS có tăng lên so với trước khi có Luật nhưng chưa thật bền vững (năm 2013 đạt thấp hơn so với năm 2012 và chưa hoàn thành chỉ tiêu theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội); lượng án tồn đọng tuy có giảm nhưng số việc và tiền chuyển kỳ sau vẫn còn rất lớn và có xu hướng tăng lên (năm 2013 còn tồn 239.144 việc và trên 41.597 đồng, tăng so với năm 2012).
Việc phân loại án ở một số cơ quan thi hành án dân sự vẫn chưa thật chính xác, vẫn còn tình trạng chuyển từ án có điều kiện sang án không có điều kiện, trong khi Tòa án không nắm được bản án, quyết định mà Tòa án đã tuyên có được chấp hành đầy đủ hay không; việc tổ chức thi hành án trong nhiều vụ việc còn chưa kịp thời, gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó có những trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ ràng, thiếu khả thi nhưng việc trả lời của Tòa án đối với yêu cầu của cơ quan thi hành án về giải thích bản án còn chậm, nhiều trường hợp dẫn đến khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài.
Công tác phối hợp trong THADS tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn còn bất cập, một số cấp uỷ, chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa thực sự quan tâm, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho công tác THADS..
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự nhằm hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản, bền vững, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, góp phần bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013, theo đó bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Cần đảm bảo tính thống nhất của hệ thống luật
Theo Tờ trình của Chính phủ, 5 vấn đề lớn được đưa ra xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm: Phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự án Luật, vai trò trách nhiệm của Tòa án trong thi hành án dân sự, trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án, khoản tiền chậm thi hành án, xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự.
Thảo luận về những nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị ban soạn thảo cần thể hiện lại một số điểm để đảm bảo tính hợp Hiếp và hợp pháp.
“Lần sửa đổi này có cái còn trở lại, như yêu cầu Tòa án ra quyết định thi hành bản án dân sự là chưa phù hợp. Một bản án được quyết định thì phải nghiêm chỉnh thi hành, giờ thêm khâu quyết định giao cho tòa án thì phân định trách nhiệm thế nào? Những tồn đọng hiện nay không phải do khâu này”, ông Lý nêu ý kiến.
Liên quan đến sự thống nhất giữa các luật, ông Phan Trung Lý cho rằng việc thông qua sửa đổi Luật THADS trước việc sửa các luật tổ chức bộ máy như Luật Tổ chức Tòa án, Luật Tổ chức Viện kiểm sát thì mức độ sửa phải khoanh lại, vì giữa các luật có nhiều điểm liên quan.
“Các luật phải thống nhất, không thể mỗi cái làm một đường, cái này trái cái kia thì không biết sửa đến bao giờ và thi hành thế nào”, ông Lý nhấn mạnh. Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị cần có sự tổng kết trước khi trình Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý về sự thống nhất giữa các luật. Mục đích cuối cùng không phải làm cho kịp về số lượng mà quan trọng là chất lượng. Dự án Luật THADS đáng ra phải sau các luật về tổ chức tòa án và Viện kiểm sát, như thế mới đảm bảo logic.
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào cho rằng, theo như dự thảo, việc sửa đổi như điều 29 là Tòa án có quyệt định đưa bản án ra thi hành là không thật sự cần thiết.
Cũng theo ông Tống Anh Hào, nếu chưa thật sự cấp bách thì dự án Luật này nên để sau khi sửa đổi luật tổ chức Tòa án và Viện kiểm sát để đảm bảo thống nhất và phù hợp các quy định.
Phát biểu tổng kết phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng các ý kiến đề nghị cần xem xét lại quy định Tòa án ra quyết định đưa bản án ra thi hành là phù hợp để đảm bảo cải cách thủ tục hành chính cũng như thực tiễn. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa và có đánh giá tác động rõ hơn về một số điểm sửa đổi trong hồ sơ trình Quốc hội cho ý kiến.