Không ít công nghệ dạng ... thanh lý
Đây là đánh giá được Bộ KH&CN đưa ra trong báo cáo thi hành Luật Chuyển giao công nghệ tại Hội thảo “Thực thi Luật Chuyển giao công nghệ của Việt Nam” vừa diễn ra. Theo đó, hoạt động chuyển giao công nghệ từ phía DN FDI chưa đáp ứng được kỳ vọng, hầu hết công nghệ chỉ ở trình độ trung bình và không ít những công nghệ ở dạng thanh lý.
"Mảng xám" trong việc chuyển giao công nghệ từ DN FDI không phải là câu chuyện mới đối với Việt Nam trong nhiều năm vừa qua, kể cả khi Luật Chuyển giao công nghệ có hiệu lực từ 7/2007. Chỉ tạm tính trong gần 9 năm Luật này được thực thi, có không ít con số được chỉ ra cho thấy Việt Nam đang có nguy cơ thành "bãi rác công nghệ" nếu chỉ chú trọng thu hút đầu tư nhưng không thắt chặt hoạt động chuyển giao công nghệ từ DN nước ngoài.
Theo báo cáo “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ DN tại Việt Nam" được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố hồi tháng 5 vừa qua, trong giai đoạn 2010 - 2014, chỉ có dưới 20% số hợp đồng chuyển giao công nghệ cho các DN trong nước là đến từ DN nước ngoài. Còn theo số liệu của Bộ KH&ĐT, công nghệ được DN FDI sử dụng tại Việt Nam chỉ có hơn 5% là công nghệ cao, 80% là trung bình, hơn 14% còn lại là thấp và lạc hậu.
Những con số trên đã trực tiếp lý giải một phần thực trạng yếu kém của ngành công nghiệp phụ trợ hiện nay. Đơn cử như trường hợp của Canon, có mặt tại Việt Nam được hơn 14 năm với tỷ lệ nội địa hóa là 60% nhưng trong số 100 đơn vị cung cấp linh kiện cho DN FDI này chỉ có 10% là DN Việt Nam, hầu hết đều thực hiện các khâu đơn giản như lò xo, đai máy ảnh, băng dính ... Tình trạng tương tự cũng có thể thấy từ một DN FDI đầu tàu khác là Samsung, khi chỉ có 7 DN trong nước cung cấp sản phẩm đầu vào trong chuỗi hơn 90 DN thuộc chuỗi cung ứng của tập đoàn Hàn Quốc tại Việt Nam.
Từ đó có thể thấy, mặc dù đã tận dụng rất nhiều ưu đãi từ Việt Nam như chính sách thuế, lao động giá rẻ ... nhưng phía DN FDI còn rất hạn chế trong việc chuyển giao công nghệ, thậm chí nếu có chuyển giao cũng chỉ là công nghệ mức trung bình trở xuống. Điều này đồng nghĩa với việc dù Việt Nam được tiếp nhận những công nghệ trên nhưng cũng không thể khai thác và sử dụng hiệu quả.
Từ thực trạng này, theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, đã tới lúc Luật Chuyển giao công nghệ cần có những thay đổi nhằm phù hợp với thực tế, đặc biệt là tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang sâu rộng. Sau 9 năm thực thi, Luật Chuyển giao công nghệ đã bộc lộ nhiều bất cập về cơ chế chính sách, đặc biệt là đối với phía DN FDI.
Trước đây, đối với việc chuyển giao công nghệ từ DN FDI mới chỉ ở mức độ khuyến khích, không ràng buộc cụ thể, chính vì vậy cần sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ theo hướng nếu DN nước ngoài có chuyển giao công nghệ bắt buộc phải ký hợp đồng chuyển giao. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý sẽ có thể giám sát, kiểm tra quá trình chuyển giao, ngăn chặn kịp thời các công nghệ không thích hợp, gây ô nhiễm môi trường có thể được đưa vào Việt Nam, ông Nguyên Quân nói.
Chú trọng tới chuyển giao trong nước và xuất khẩu công nghệ
Theo người đứng đầu Bộ KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ hiện tại mới chỉ đề cập tới khâu chuyển giao công nghệ vào Việt Nam, chưa chú trọng tới khâu chuyển giao công nghệ trong. Không có những chính sách ưu đãi, khuyến khích cho chuyển giao công nghệ giữa các Viện, trường hoặc doanh nghiệp trong nước. Được biết, trong 2010 - 2014, có tới 80% số hợp đồng chuyển giao công nghệ đến từ những đơn vị dạng này.
Đặc biệt việc chưa đề cập tới khâu chuyển giao công nghệ của Việt Nam ra nước ngoài là một thiếu sót lớn của Luật, đặc biệt trong bối cảnh vốn đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam đang tăng mạnh theo từng năm hiện ở mức trên 10 tỷ USD. Chính vì vậy những DN này cần được đảm bảo quyền lợi khi tham gia thị trường quốc tế, ông Nguyễn Quân đánh giá.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Quân, Luật mới cũng cần quy định rõ về việc chuyển giao công nghệ của các cơ sở nghiên cứu sử dụng vốn Nhà nước nhằm tránh tình trạng nghiên cứu có tính ứng dụng cao nhưng lại bị chuyển giao không chính thức trong khi Nhà nước không thu lại được một khoản phí nào.
Theo phía Bộ KH&CN, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ đã được Quốc hội chấp nhận đưa vào trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII. Dự kiến Luật này sẽ được trình vào kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV cuối năm 2016 và có thể được thông qua vào kỳ họp đầu năm 2017.
Phần lớn công nghệ được DN FDI sử dụng ở Việt Nam đang ở mức trung bình. Ảnh minh họa
|
Những DN Việt đầu tư ra nước ngoài như FPT rất cần chính sách nhằm đảm bảo quyền lợi
|