Vừa qua, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và cho ý kiến vào một số nội dung còn có ý kiến khác nhau về dự thảo Luật này.
Định hướng lớn đối với sự phát triển Thủ đô
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết, để chuẩn bị cho việc sửa đổi, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô, thời gian qua Hà Nội đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020 và đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo từng giai đoạn xây dựng và phát triển, Thủ đô Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, của các cấp, các ngành, địa phương và Nhân dân cả nước. Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết để lãnh đạo công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô, trong đó, có Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/05/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa định hướng rất lớn đối với sự phát triển Thủ đô trong những năm sắp tới, để Hà Nội thực sự trở thành "Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước".
Nghị quyết số 15-NQ/TW cũng là cơ sở để hoàn chỉnh hệ thống quy định trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô với mục tiêu cao nhất xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Yêu cầu mới phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW cao hơn trước, bởi Hà Nội không chỉ là Thủ đô của cả nước mà còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của quốc gia. Đặc biệt, phát triển Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước…
Đến thời điểm hiện tại, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cơ bản đã hoàn thiện tốt; đặc biệt là tinh thần phân cấp, trao quyền và trao trách nhiệm cho Hà Nội.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội dự kiến thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) để cụ thể hóa 1 trong 4 quan điểm quan trọng của Nghị quyết 15-NQ/TW là “Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; kết hợp hài hoà phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô”.
“Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được thông qua sẽ thực sự là hành lang pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện cho Hà Nội có được những cơ chế, chính sách vượt trội, với những phân cấp, phân quyền nhiều hơn để thực hiện những công việc phù hợp và xứng tầm với vị trí, điều kiện đặc thù của Thủ đô, trong đó có những lĩnh vực liên quan đến kinh tế và văn hóa” - đại biểu Bùi Hoài Sơn tin tưởng.
Xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình
Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam, đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn trong việc phát triển kinh tế và giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc. Nhìn về tương lai, những kỳ vọng cho Hà Nội không chỉ là sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế mà còn là sự bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, để Hà Nội xứng đáng là nơi đại diện cho hình ảnh đẹp đẽ nhất về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam; xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
Nhằm đạt được những mục tiêu đã đặt ra như trong Nghị quyết 15-NQ/TW, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này cần tạo điều kiện để Thủ đô phát triển kinh tế, ở đó, đối với công nghiệp và dịch vụ hiện đại: Hà Nội cần tiếp tục xây dựng và phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Các ngành công nghiệp như công nghệ thông tin, bán dẫn, điện tử, và tự động hoá cần được đầu tư mạnh mẽ để biến Hà Nội thành một trung tâm công nghiệp tiên tiến. Song song với đó, ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính, ngân hàng, và bảo hiểm, cần được phát triển để đáp ứng nhu cầu của một nền kinh tế hiện đại.
Bên cạnh đó, hạ tầng và giao thông của Hà Nội cần được cải thiện để đáp ứng nhu cầu phát triển. Trong đó, cần đầu tư vào giao thông thông minh, xây dựng hệ thống Metro, xe buýt nhanh và các tuyến đường bộ hiện đại để giảm ùn tắc giao thông và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, phát triển các tuyến đường cao tốc kết nối Hà Nội với các tỉnh lân cận để tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và du lịch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng.
Cùng với đó, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cũng là lĩnh vực quan trọng không kém. Hà Nội cần tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm, vườn ươm doanh nghiệp và các chương trình hợp tác với các trường đại học. Đổi mới công nghệ là yếu tố then chốt, khuyến khích nghiên cứu và phát triển (R&D) và ứng dụng các công nghệ mới như AI, blockchain, và IoT trong các ngành công nghiệp sẽ giúp Hà Nội vươn lên trở thành một trung tâm công nghệ của khu vực.
Dẫn dắt, điều tiết sự phát triển văn hóa của đất nước
Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, trong lĩnh vực văn hóa, đây là một lĩnh vực đặc biệt của Thủ đô khi Hà Nội luôn là ngọn hải đăng, dẫn dắt và điều tiết cho sự phát triển văn hóa của cả đất nước. Chúng ta kỳ vọng Hà Nội sẽ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa quan trọng của Thủ đô cũng như của cả đất nước, như các di tích lịch sử Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long, Khu vực Ba Đình, và các công trình kiến trúc cổ.
Việc bảo tồn không chỉ dừng lại ở việc duy trì hiện trạng mà còn phải phát triển và quảng bá các di sản này một cách sáng tạo để thu hút du khách. Kiến trúc đô thị cũng cần kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, để không làm mất đi nét đẹp vốn có của thành phố.
Đặc biệt, du lịch văn hóa là một lĩnh vực có tiềm năng lớn. Hà Nội cần tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hoá lớn như các tuần lễ thiết kế - sáng tạo, âm nhạc, thời trang, ẩm thực quốc tế, lễ hội làng nghề, và các chương trình nghệ thuật truyền thống để thu hút du khách trong và ngoài nước. Đẩy mạnh quảng bá văn hóa Hà Nội thông qua các kênh truyền thông quốc tế và các hoạt động giao lưu văn hoá sẽ giúp nâng cao hình ảnh của thành phố trên bản đồ du lịch thế giới, tỏa sáng những giá trị văn hóa Việt Nam.
Tương lai của Hà Nội nằm ở sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc. Sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại hóa và giữ gìn bản sắc văn hoá sẽ giúp Hà Nội không chỉ phát triển về mặt vật chất mà còn trở nên giàu có về tinh thần. Với định hướng đúng đắn của Đảng, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân, Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa và giữ được nét đẹp truyền thống của mình, thực sự xứng đáng là Thủ đô của nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc.
“Tôi tin rằng, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo được hành lang pháp lý thuận lợi để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới” - đại biểu Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.