Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa Luật Thủ đô: Huy động hiệu quả nguồn lực phát triển Thủ đô

Hồng Thái (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, GS-TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cho rằng, để thực hiện mục tiêu phát triển Thủ đô nhanh hơn, hiện đại hơn, đi trước làm hình mẫu cho cả nước, phải tập trung được nguồn lực đầu tư nhiều hơn.

Thưa ông, Hà Nội là hình ảnh đại diện vị thế của quốc gia, là hình mẫu dẫn dắt và lan tỏa phát triển của cả nước. Làm thế nào để tạo khuôn khổ pháp lý vượt trội cho phát triển Thủ đô?

- Chúng ta đều biết rằng Hà Nội không phải là chỉnh thể của một địa phương mà là Thủ đô của cả nước; là hình ảnh đại diện vị thế của quốc gia, là hình mẫu dẫn dắt và lan tỏa phát triển của cả nước. Do vậy, Thủ đô Hà Nội phải phát triển ở trình độ cao hơn với lộ trình phát triển nhanh hơn, đi trước cả nước về các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là Thủ đô của nước phát triển có thu nhập cao. Hà Nội phải có sức hút mạnh hơn để quy tụ những nguồn lực và trí tuệ, tinh hoa trong và ngoài nước vào đầu tư, phát triển, xây dựng Thủ đô.

GS-TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, để thực hiện mục tiêu phát triển Thủ đô nhanh hơn, hiện đại hơn, đi trước làm mẫu hình cho cả nước, phải tập trung được nguồn lực đầu tư nhiều hơn
GS-TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, để thực hiện mục tiêu phát triển Thủ đô nhanh hơn, hiện đại hơn, đi trước làm mẫu hình cho cả nước, phải tập trung được nguồn lực đầu tư nhiều hơn

Vì vậy, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải hướng đến 3 mục tiêu. Thứ nhất, phải đặt ra yêu cầu phát triển Thủ đô phải cao hơn, nhanh hơn cả nước. Thứ hai, phải có cơ chế thực sự vượt trội để khai thác các tiềm năng, thế mạnh nội tại của Thủ đô và tạo sức hút mạnh mẽ nguồn lực từ bên ngoài. Thứ ba, phải qui định vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền và nhân dân Thủ đô phải cao hơn cả nước. Ba yêu cầu trên phải được xác lập một cách đồng bộ, tổng thể, mang tính bao trùm để tạo khuôn khổ pháp lý vượt trội cho phát triển Thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thảo luận chính thức tại hội trường Quốc hội. Ông đánh giá thế nào về việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô trong Dự Luật?

- Trong Chương III “Xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô” phải quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch phát triển Thủ đô phải hướng đến các tiêu chí Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại; phải yêu cầu cao hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung của cả nước. Các công trình kiến trúc xây dựng ở Thủ đô phải mang ý nghĩa giá trị văn hóa Hà Nội; Quy hoạch Thủ đô phải tạo không gian để quy tụ những đặc trưng tiêu biểu của mọi vùng miền và hình ảnh của 63 tỉnh thành trên cả nước hiện diện tại Thủ đô.

Bên cạnh đó, phải quy định việc quản lý, phát triển toàn bộ không gian lãnh thổ Thủ đô theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của đô thị đặc biệt, gồm đô thị trung tâm, vùng nông thôn và đô thị ngoài trung tâm. Nông thôn Hà Nội cũng phải được quy hoạch và quản lý theo các mẫu hình nông thôn truyền thống vùng đồng bằng sông Hồng; nông thôn của các làng nghề truyền thống, và nông thôn đô thị hóa từ xã lên phường.

Toàn bộ vùng nông thôn và đô thị ngoài trung tâm đều phải được quy hoạch và quản lý theo tiêu chuẩn riêng của Thủ đô - đó chính là mô hình thành phố trong Thủ đô. 

Hồ Hoàn Kiếm, biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hồ Hoàn Kiếm, biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Do vậy, cần luật hóa mô hình phát triển Thủ đô gồm: Đô thị trung tâm và các thành phố thuộc Thủ đô. Trong thành phố thuộc Thủ đô, không gian phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp trải nghiệm phải có các công trình dịch vụ du lịch; không gian phát triển công nghiệp làng nghề phải gắn liền với phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ như các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, các công trình dịch vụ du lịch; các quy định về đầu tư cho khu vực nông thôn phải được quy định như đầu tư đô thị.    

Trên cơ sở những yêu cầu mang tính bao quát như trên, Luật giao cho HĐND Thành phố ban hành các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể phù hợp với Thủ đô trên nguyên tắc cao hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung quốc gia; giao cho UBND Thành phố vận dụng các quy định đã ban hành để quyết định và quản lý các hoạt động đầu tư, phát triển.

Vậy, ông đánh giá thế nào về việc phân quyền, trao quyền cho Thành phố?

- Khi Luật đã trao quyền cho Thành phố tự quyết định như trên, thì việc điều chỉnh cục bộ các nội dung quy hoạch sẽ thuộc về thẩm quyền và trách nhiệm của Thành phố, không sợ lạm quyền, hay làm phá vỡ quy hoạch. 

Việc quy định trao quyền cho Thành phố cần đảm bảo tính đồng bộ từ việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, tự quyết định và tự phê duyệt các hoạt động đầu tư theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã ban hành.

Một góc Hà Nội về đêm. Ảnh: Hồng Thái
Một góc Hà Nội về đêm. Ảnh: Hồng Thái

Với quy định phân quyền, trao quyền như trên cho thấy, nhiệm vụ và khối việc công việc mà chính quyền Thành phố phải thực hiện nhiều hơn, trách nhiệm giám sát phải cao hơn. Do vậy, cần có mô hình chính quyền đô thị như trong dự thảo Luật; người đứng đầu các cấp chính quyền đô thị phải có vai trò và quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm cao hơn; số lượng đại biểu HĐND phải nhiều hơn, phải tăng tỷ lệ chuyên trách  để tăng tính chuyên nghiệp, yêu cầu về tiêu chuẩn trình độ phải cao hơn; chế độ tiền lương phải thoả đáng hơn.  

Để thực hiện mục tiêu phát triển Thủ đô nhanh hơn, hiện đại hơn, đi trước làm mẫu hình cho cả nước, phải chăng cần tập trung được nguồn lực đầu tư nhiều hơn, thưa ông?

- Về huy động nguồn lực cho phát triển Thủ đô, để thực hiện mục tiêu phát triển Thủ đô nhanh hơn, hiện đại hơn, đi trước làm mẫu hình cho cả nước, phải tập trung được nguồn lực đầu tư nhiều hơn. Tôi đồng tình với 5 cơ chế khai thác chính tiềm năng, lợi thế của Thủ đô thành nguồn lực phát triển.

Một là, nguồn vượt thu ngân sách Trung ương từ các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn và nguồn tăng các khoản thu phí và lệ phí, chính là những nguồn lực tạo ra do Thành phố đã tạo được những điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn mang lại.

Hai là, huy động tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, thể thao và khai thác các di sản vào phát triển du lịch. Trong đó, di sản thuộc sở hữu độc quyền của nhà nước, tư nhân được quyền đầu tư, khai thác với công nghệ tiên tiến như thực tế ảo và thiết bị nghe nhìn hướng dẫn du lịch thông minh. Cơ chế đó sẽ giúp làm sống lại các cơ sở văn hóa, các di sản được bảo tồn, tôn tạo, các giá trị văn hóa, lịch sử được khơi dậy và lan tỏa, văn hóa và du lịch sẽ trở thành công nghiệp mũi nhọn của Thủ đô.

Theo GS-TS Hoàng Văn Cường, phát triển mô hình đô thị TOD không chỉ với những khu đô thị mới, mà cả với khu vực tái thiết đô thị, cải tạo các khu chung cư cũ, nhà ở cũ xây dựng tự phát trong khu vực nội đô... Ảnh: Phạm Hùng
Theo GS-TS Hoàng Văn Cường, phát triển mô hình đô thị TOD không chỉ với những khu đô thị mới, mà cả với khu vực tái thiết đô thị, cải tạo các khu chung cư cũ, nhà ở cũ xây dựng tự phát trong khu vực nội đô... Ảnh: Phạm Hùng

Ba là, phát triển mô hình đô thị TOD không chỉ với những khu đô thị mới, mà cả với khu vực tái thiết đô thị, cải tạo các khu chung cư cũ, nhà ở cũ xây dựng tự phát trong khu vực nội đô để khai thác không gian ngầm cho phát triển thương mại, dịch vụ; không gian trên cao phát triển diện tích ở tái định cư người dân tại chỗ; không gian mặt đất dành cho cây xanh và các hoạt động công cộng.

Bốn là, thực hiện phương thức hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT) không theo phương thức đổi đất lấy cơ sở hạ tầng như trước đây, mà theo 2 hình thức BT: Thứ nhất, BT thanh toán bằng tiền vốn đầu tư công: thực chất là việc nhà nước dùng ngân sách mua công trình hoặc sản phẩm quan trọng theo đơn đặt hàng của nhà nước. Với phương thức này, chúng ta kỳ vọng sẽ mở đường cho ra đời tập đoàn công nghiệp đường sắt đô thị trong nước, thay cho các dự án đường sắt phải thuê nước ngoài làm như hiện nay; những cây cầu vượt sông Hồng sẽ nhanh chóng được xây dựng và hoàn thành, không mất thời gian kéo dài như các dự án đầu tư công hiện nay.

Thứ hai, BT thanh toán bằng nguồn lực đất đai hoặc giá trị tài sản công: được thực hiện thông quá cơ chế đấu giá theo nguyên tắc thị trường, trao đổi ngang giá. Đây cũng chính là cơ chế lựa chọn được nhà đầu tư có phương án khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai tốt nhất, mang lại hiệu quả cao nhất cho xã hội như Dự thảo Luật Đất đai đang quy định.  

Năm là, việc quy định để lại toàn bộ tiền sử dụng đất để Thành phố có ngân sách xây dựng hạ tầng, tạo mặt bằng và không gian hỗ trợ cho các trường đại học, các bệnh viện và các cơ quan dịch chuyển sang cơ sở mới, giảm tải cho đô thị trung tâm thay cho việc chờ ngân sách Trung ương đầu tư để Thành phố chủ động di dời một cách đồng bộ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!