Sửa Luật Thủ đô: Phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động cho Hà Nội

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các chuyên gia, nhà khoa học đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện, tăng tính chủ động cho Hà Nội thực hiện các hoạt động linh hoạt hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Ngày 4/10, tại Đại học Quốc gia Hà Nội, các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri huyện Thạch Thất trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV và lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Báo Kinh tế & Đô thị trích các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội nghị đóng góp vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

GS-TS Nguyễn Đăng Dung (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội):

Mô hình “thành phố trong thành phố” có nhiều ưu thế nổi trội

So với sự phát triển thành các quận của thành phố, thì mô hình “thành phố trong thành phố” có những ưu thế nổi trội hơn. Trong đó, “thành phố trực thuộc thành phố” trực tiếp giải quyết những bài toán ách tắc, khó khăn đang bế tắc của chính trung tâm thành phố bằng cách thành nhiều trung tâm vệ tinh khác của các thành phố trực thuộc như về dân số, về ô nhiễm; việc chuyên sâu về một chức năng quan trọng mà thành phố khó có điều kiện cho việc tập trung giải quyết.

GS-TS Nguyễn Đăng Dung
GS-TS Nguyễn Đăng Dung

Cùng đó, thành phố trực thuộc cho phép giải quyết vấn đề giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nông thôn truyền thống trong quá trình đô thị hóa và thành phố hóa.

Dù thành lập thành phố trong thành phố thì thành phố đó vẫn là một chủ thể, cấp chính quyền hoàn chỉnh. Cấp chính quyền này phải có cả cơ quan lập pháp và hành pháp; riêng tư pháp do yêu cầu của việc thực thi thống nhất trên toàn lãnh thổ thì bộ máy tư pháp không nên được tổ chức trong phạm vi địa giới hành chính của thành phố trong thành phố.

PGS-TS Nguyễn Hoàng Anh (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội):

Phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện cho Hà Nội thực hiện các hoạt động linh hoạt

Việc tổ chức chính quyền Thủ đô Hà Nội có thể theo những cách đa dạng, không đồng nhất mô hình chung là phù hợp với tự quản của đô thị. Cụ thể hơn, ở cấp phường không nhất thiết cần có đầy đủ các cơ quan như một chính quyền địa phương tự quản – tuỳ thuộc vào mức độ tự quản ở từng cấp chính quyền. Lý do là mô hình tổ chức của chính quyền đô thị chỉ có thể được xác định trên cơ sở thẩm quyền và chức năng. Đối với chính quyền đô thị tự quản thì sẽ có mô hình khác, so với đô thị không tự quản, điển hình là tổ chức bộ máy có sự độc lập và bớt sự can thiệp của cơ quan hành chính trung ương hay cấp trên.

PGS-TS Nguyễn Hoàng Anh
PGS-TS Nguyễn Hoàng Anh

Các quy định về phân cấp, phân quyền trong dự thảo khá mạnh mẽ, tạo điều kiện cho Hà Nội thực hiện các hoạt động linh hoạt hơn. Tuy nhiên, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế, nên có sự giới hạn trong phân cấp, ủy quyền. Chỉ nên phân cấp, ủy quyền ở những cấp quản lý hành chính chung - không áp dụng với các cơ quan chuyên môn ở cấp huyện, quận, thị xã bởi tính chất của ủy quyền là chỉ cơ quan chủ quản mới có thể ủy quyền cho cơ quan trực thuộc mình.

GS-TS Phạm Hồng Thái (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội):

Phân quyền cho chính quyền Hà Nội đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Về việc phân quyền cho chính quyền thành phố Hà Nội trong lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, vấn đề đặt ra là Hà Nội có cần thành lập thêm các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP hay không? Nếu cần thì việc giao cho HĐND TP Hà Nội quyết định là hợp lý, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

GS-TS Phạm Hồng Thái
GS-TS Phạm Hồng Thái

Bên cạnh đó, việc giao cho HĐND TP Hà Nội quy định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức đặc thù của quận, huyện, thị xã có thể gây tranh cãi vì liên quan đến sự thống nhất trong quy định của pháp luật và xu hướng phân quyền cho cơ sở.

TS Nguyễn Anh Đức (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội):

Quan tâm công tác đào tạo, thu hút nhân tài cho Thủ đô

Ban soạn thảo cân nhắc tham khảo Nghị quyết số 97/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đã trao cho HĐND TP Hồ Chí Minh quyền tự quyết định thù lao trả cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt; mức thu nhập và các chính sách khác để tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của thành phố.

TS Nguyễn Anh Đức
TS Nguyễn Anh Đức

Đối với Thủ đô, cơ quan HĐND cũng nên được khẳng định thẩm quyền tự chủ tương ứng hoặc rõ nét hơn nhằm chủ động quyết định về thu nhập dành cho cán bộ, công chức, viên chức trong những trường hợp, hoàn cảnh đặc biệt, chứ không chỉ riêng về thù lao khi thu hút nhân tài.