Thị trường sữa chuẩn bị bước vào đợt điều chỉnh tăng giá mới khiến người tiêu dùng lo lắng.Ảnh: Việt Linh
Thêm một đợt tăng giá mới?
Trong thông báo của Friesland Campina, 4 mặt hàng sữa tăng giá gồm: Hai loại sữa tiệt trùng Cô gái Hà Lan không đường và có đường loại 1 lít, Ovaltine hộp 400gr và Ovaltine hộp giấy 285gr.Tuy nhiên, qua khảo sát của chúng tôi, chủ một số cửa hàng cho biết, cả các nhãn hiệu Dutch Lady, YoMost, Fristi... sẽ tăng giá 5% ở một số sản phẩm sữa nước và sữa đặc có đường. Cụ thể, sữa tươi Cô gái Hà Lan 1 vỉ bốn hộp trước đây có giá 24.500 đồng nay tăng thêm 1.500 đồng/vỉ. Sữa bột loại hộp giấy 400 gam đang được bán với giá 67.000 đồng/hộp, trước đó giá chỉ là 64.000 đồng/hộp. Sữa bột Dielac, Friso Gold 3 loại 900gam giá hiện nay là 440.000 đồng, tăng thêm 14.000 đồng/hộp so với giá bán trước đó…
Hiện nay, sữa nội đang lợi dụng đẩy giá theo sữa ngoại, khi sữa ngoại tăng lên 5 lần, sữa nội cũng điều chỉnh tăng lên 3 - 4 lần, gây tác động ngược làm giá sữa ngoại tiếp tục tăng. Với vòng luẩn quẩn như vậy nên có một số hãng sữa nội lãi rất lớn. Cần thường xuyên kiểm tra với tất cả các đơn vị sản xuất và nhập khẩu sữa để xem các chi phí hình thành giá như thế nào, lợi nhuận là bao nhiêu, từ đó loại bỏ các chi phí bất hợp lý mà nhà sản xuất đổ lên đầu người tiêu dùng. - Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long |
Nhân viên bán hàng tại một cửa hàng tạp hóa trên phố Lò Đúc (Hà Nội) cho biết: Cửa hàng này chính thức điều chỉnh bảng giá các loại sữa từ đầu tuần trước với mức tăng bình quân 5% để "đón đầu" trước những thông tin điều chỉnh giá được "thông báo miệng" của một số nhà phân phối. Cuối tuần qua, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, chưa nhận được phương án đăng ký tăng giá 4 mặt hàng sữa của Công ty sữa Friesland Campina Việt Nam.
Theo cơ quan này, doanh nghiệp (DN) không thể muốn tăng giá bao nhiêu cũng được mà phải được cơ quan quản lý xem xét lý do tăng giá có hợp lý không.Việc áp dụng điều chỉnh giá sữa của mỗi cửa hàng, đại lý rải rác ở những thời điểm khác nhau, khiến người tiêu dùng có thêm cơ sở để lo lắng sẽ có thêm một đợt tăng giá mới. Với việc giá sữa từ trước tới nay chỉ có điều chỉnh tăng, đây cũng là dịp các cửa hàng lợi dụng "móc túi" người tiêu dùng.
Bất cập nhưng được giải quyết
Trong lần thông báo tăng giá này, Friesland Campina giải thích nguyên nhân đưa ra là do mức giá của các loại sữa không còn phù hợp với chi phí kinh doanh. Nhận định về việc tăng giá, Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, thời điểm hiện nay nếu chỉ dựa trên những yếu tố đầu vào căn bản thì chưa có lý do chính đáng để tăng giá sữa. Giá nguyên liệu sữa thế giới trong 8 tháng qua không tăng, thậm chí là giảm. Ở trong nước, từ đầu năm tới nay giá sữa đã tăng 3 lần với mức tăng trung bình 5 - 18% và chưa hề có đợt giảm. Điều này càng vô lý hơn khi mà tỷ giá ngoại tệ từ đầu năm biến động không đáng kể và thuế suất cũng không có gì thay đổi.
Giá sữa tại Việt Nam từ trước tới nay tồn tại không ít bất cập. Như một phản ứng tự vệ trước dư luận về quản lý giá sữa, các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan từng cho biết đang ra tay siết chặt quản lý danh mục hàng hóa này. Trong đó, việc khai báo, đăng ký, so sánh giá với cơ sở dữ liệu, yêu cầu doanh nghiệp giải trình và tăng cường công tác hậu kiểm… Tuy nhiên, các cơ quan quản lý chỉ kiểm tra được dựa trên tờ khai hải quan, trên những gì được DN cung cấp. Mà DN thì đương nhiên cũng đã làm kín kẽ mọi bề, không để cơ quan chức năng phát hiện, bắt lỗi. "Trong khi chi phí quảng cáo, tiếp thị và tỷ suất lợi nhuận của các đơn vị kinh doanh sữa rất lớn, các cơ quan quản lý lại không xử lý được. Những chi phí bất hợp lý đó đã làm đội giá sữa ngoại tại Việt Nam cao ngất ngưởng, cuối cùng người tiêu dùng phải gánh hết". Thanh tra Bộ Tài chính đã từng công bố chuyện Mead Johnson, Nestle bán hàng giá cao gấp đôi, gấp ba giá gốc, chi cho quảng cáo vượt đến 5, 6 lần quy định... Thế nhưng, đến nay họ vẫn "sống khỏe", không bị xử lý - ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Trên thị trường, có khi cùng một loại sữa nhưng mỗi siêu thị lại bán một giá khác nhau. Bộ Tài chính đã phân cấp quản lý giá mặt hàng này về các Sở Tài chính địa phương quản lý (chủ yếu chỉ với sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi), Bộ chỉ kiểm soát phần gốc từ các DN sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, khi DN bán đứt cho các đại lý, cơ quan quản lý rất khó kiểm soát, ngay cả các hãng sữa cũng cho biết, họ không can thiệp vào mức giá bán của đại lý. |