KTĐT - Cứ mỗi mùa tuyển sinh, dư luận lại ồn ào về tình trạng các khu đô thị mới, chung cư cao tầng thiếu trường học, đặc biệt là trường công và dường như "lỗi" luôn thuộc về ngành giáo dục, Nhưng chính những người trong ngành giáo dục cũng bối rối…
Câu hỏi không dễ trả lời
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, năm 2011, việc tuyển sinh vào các lớp đầu cấp sẽ quan tâm nhiều đến các khu đô thị mới (ĐTM) và các hộ dân thuộc diện tái định cư do giải phóng mặt bằng, dù chưa hoàn thành thủ tục nhập hộ khẩu vẫn được coi là đúng tuyến. Đối với các khu ĐTM chưa có trường, phòng GD&ĐT có trách nhiệm báo cáo UBND quận, huyện, thị xã biện pháp tuyển sinh.
Quy định là thế, nhưng thực tế mùa tuyển sinh đến, những gia đình đang sống trong các khu ĐTM ở Hà Nội lại đứng trước câu hỏi: Cho con học ở đâu. Theo số liệu chưa đầy đủ, số khu ĐTM, khu tái định cư trên địa bàn thành phố đã vượt con số 100. Tuy nhiên, những nơi có trường công lập chỉ đếm trên đầu ngón tay và chủ yếu nằm ở khu tái định cư. Các ĐTM khác, nếu có, đều là trường dân lập, quốc tế như Phương Nam ở Định Công, Lê Quý Đôn, Đoàn Thị Điểm tại Mỹ Đình, Ban Mai ở Văn Quán, phổ thông liên cấp Oympia ở Trung Văn, trường liên thông Hà Nội - Thăng Long ở Xa La (Hà Đông)… Cùng với đó là hàng loạt trường mầm non dân lập được gắn thương hiệu "vip". Bởi thếnếu nói rằng tất cả các khu ĐTM ở Hà Nội đều "trắng" trường cũng không đúng, nhưng các ngôi trường này luôn hướng đến chuẩn quốc tế và không dành cho gia đình có thu nhập trung bình.
Giải thích cho vấn đề này, các nhà đầu tư cho rằng, ở tất cả các khu ĐTM đều bố trí quỹ đất cho các trường công lẫn tư, nhưng do chủ trương xã hội hóa giáo dục, trường tư được ưu tiên, còn trường công phải chờ vốn. Nhưng học sinh tuổi đến trường lại không thể chờ, nên cha mẹ phải tự xoay sở. Nhiều người dân sống ở khu ĐTM Linh Đàm phàn nàn: Khu ĐTM rộng và đông dân, nhưng chỉ có một trường mầm non công lập duy nhất là Thực hành Linh Đàm. Dù muốn, song không phải ai cũng xin được vào đây. Chính bà Lê Phạm Tuyết Dung, Hiệu trưởng nhà trường cũng thừa nhận: "Mỗi lớp ở đây đã lên đến con số 60 trẻ, biết rằng "cầu" rất lớn, nhưng trường không thể phình to hơn". Khi đó, người dân ở ĐTM Linh Đàm chỉ biết thêm một "sự lựa chọn" khác là các trường tư thục như Morning Sun… có mức học phí, tiền ăn lên đến hơn 3 triệu đồng/ tháng hoặc đưa con em vào các "làng" để học. Và các bậc học khác, nếu không có điều kiện kinh tế cho con học trường ngoài công lập, các trường có xe ôtô đưa đón ở điểm đỗ gần nhà đành chấp nhận đưa con em học trường học xa nơi ở, nơi có họ khẩu cũ, học trái tuyến.
Ngành giáo dục cũng "bị động"
Trong nhiều cuộc họp HĐND, vấn đề trường học trong các khu ĐTM đã được đưa ra chất vấn và mong tìm câu trả lời thỏa đáng. Nhưng xem ra, vấn đề này vẫn chưa thể giải quyết được nếu ngành giáo dục luôn trong tình trạng "bị động".
Sở GD&ĐT Hà Nội có chủ trương ít nhất nửa số điểm trường tại các khu ĐTM phải là trường công lập, số còn lại xây dựng theo mô hình xã hội hóa. Nhưng thực tế lại phụ thuộc vào các chủ đầu tư dự án và việc "quên" xây dựng trường vẫn đang diễn ra. Bởi thế mới có chuyện dự án khu ĐTM Phú Mỹ (Mỹ Đình, Từ Liêm) khi đưa ra, huyện Từ Liêm cho rằng phải xem xét lại. Bởi một khu ĐTM gần 8.000 dân trên diện tích 10,4 ha, nhưng lại không dành chỗ cho trường học.
Lãnh đạo phòng GD&ĐT các quận có nhiều khu ĐTM đều bày tỏ: Thực tế, đúng là bình quân mỗi phường đều có ít nhất 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS công lập. Nhưng khi xây dựng ĐTM, không thể thấy khu vực đó đã có trường công lập cũ rồi thì tính là khu ấy đã có trường học. Bởi trường cũ không thể đáp ứng đủ thực tế dân cư tăng. Cũng không thể để trong ĐTM chỉ phát triển trường ngoài công lập để người dân phải chấp nhận "không có sự lựa chọn". Nhưng nói mãi rồi giờ cũng vẫn thế, ngành giáo dục chỉ biết đến khu ĐTM này hay kia có trường học như thế nào khi được bàn giao để quản lý về chuyên môn. Bởi khi quy hoạch ngành giáo dục quận, huyện không được tham gia góp ý kiến về việc có xây trường học hay không và xây bao nhiêu trường thì đủ. Để đến khi ĐTM xây dựng xong, các khu đất chỗ nào cũng thấy kín hết, kêu thiếu trường cũng không biết phải làm thế nào.
Những sự đã rồi kiểu ấy cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc để có được một cái nhìn xa hơn cho giáo dục trong các ĐTM. Ngoài việc có quy định ràng buộc với chủ đầu tư, nên tính đến việc để ngành giáo dục các quận, huyện được tham mưu về nhu cầu trường học thiếu đủ thế nào. Bởi Sở GD&ĐT có tham gia cũng không thể "ngóc ngách" tình hình giáo dục trong từng quận, huyện.
Tăng sức ép từ chung cư cao tầng
Không chỉ có các khu ĐTM, hiện những địa bàn có nhiều chung cư cao tầng cũng gây ra sức ép quá tải cho học sinh. Khu Nam Thành Công đã có 2 tòa nhà cao 27 đến 29, đưa số trẻ trên địa bàn phường đến tuổi vào lớp 1 lên tới 538 trẻ. Mặc dù được phép tuyển sinh "du di" tới 50 học sinh/lớp, nhưng Tiểu học Nam Thành Công cũng chỉ tiếp nhận tối đa 9 lớp và gần 100 cháu sẽ rất khó khăn. Tương tự vậy, khu tập thể Kim Liên, số trẻ vào lớp 1 tăng từ 250 những năm trước lên gần 550 trẻ. Điều này gây sức ép rất lớn lên hệ thống trường tiểu học xung quanh. Nên dù đã kịch trần với 50 cháu/lớp, riêng khu Kim Liên vẫn thiếu tới gần 100 chỉ tiêu. Phòng GD&ĐT sẽ làm việc với từng phường để lên phương án và trình UBND quận Đống Đa phê duyệt để có thể công khai cho người dân trước thời hạn tuyển sinh 15 ngày.
Ông Nguyễn Văn Trường (Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông):
Nếu đáp ứng đủ, phải 100 học sinh/lớp
Khu đô thị mới Văn Quán hiện mới chỉ có một trường mầm non, một trường Tiểu học tư thục Ban Mai, việc bố trí chỗ học cho con em những hộ dân cư mới chuyển đến rất khó khăn. Thực tế, nhu cầu của phụ huynh tập trung vào một số trường đông đến nỗi nếu đáp ứng đủ thì sỹ số mỗi lớp tại đây phải lên cả 100 học sinh. Quận phải yêu cầu chỉ tuyển sinh những trường hợp đăng ký trước khi nhập học 1 hay 2 năm..., người dân đã phản ứng rất mạnh vì con em họ không đủ chỗ học.
Ông Vũ Quang Tiên (B2, khu ĐTM Định Công - Đại Kim):
Gần chục năm chưa có trường công lập
Nếu nói rằng khu ĐTM Định Công - Đại Kim tồi nhất Hà Nội cũng không sai, không chỉ đường xấu, quy hoạch lộn xộn mà những công trình dân sinh như chợ, siêu thị… cũng thiếu. Riêng vấn đề trường học, khoảng đất xây trường sau gần chục năm bỏ hoang, vừa qua đã được đưa vào triển khai. Người dân đã phấp phỏng mừng, không còn phải chạy đôn, chạy đáo. Nhưng hóa ra lại là một trường ngoài công lập được xây theo chuẩn quốc tế và chắc hẳn học phí chỉ dành cho người thu nhập cao. Bản thân cháu bé nhà tôi phải chấp nhận học tại mầm non tư thục nhỏ. Khi nào vào tiểu học, nếu không muốn học nhờ trường cũ của phường, thì quay về nơi có hộ khẩu cũ tại Láng Hạ.