Sức hút từ du lịch văn hóa tâm linh

Khuất Duyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ mỗi độ Xuân về, các điểm di tích lịch sử văn hoá, đền, chùa nổi tiếng của huyện Ba Vì lại thu hút lượng lớn du khách đến chiêm bái, cầu cho một năm mới bình an. Du lịch văn hóa tâm linh ngày càng phát triển, có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách gần xa.

Dâng hương tưởng niệm ngày hóa của Đức Thánh Tản Viên Sơn.
Mảnh đất giàu tiềm năng
Thiên nhiên đã ban tặng cho Ba Vì nhiều điều kiện thuận lợi mà ít địa phương nào của Hà Nội có được. Trong đó khu vực sườn Đông núi Ba Vì có thác, có suối, có rừng nguyên sinh đẹp và thơ mộng là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch sinh thái. Khu vực sườn Tây núi Ba Vì có địa thế đẹp, một bên là núi nhìn ra sông Ðà tạo sức hấp dẫn riêng. Khu du lịch quốc gia hồ Suối Hai cũng là địa chỉ hút khách du lịch với diện tích vùng ven hơn 2.000ha, có mặt nước hồ và những hòn đảo nhỏ xanh mát. Các địa danh khác như Vườn Quốc gia Ba Vì, Ao Vua, Thiên Sơn Suối Ngà, suối nước khoáng nóng Thuần Mỹ... cùng những sản vật đặc trưng như gà thả đồi, cá sông Ðà, rau rừng, chè, sữa cũng góp phần tăng thêm sức hấp dẫn cho du lịch Ba Vì.
Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Vì, tính trong dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, trong tổng số hơn 3,2 triệu du khách đến Ba Vì, đã có hơn 600.000 lượt du khách đến tham quan, chiêm bái các khu di tích và danh thắng.
Không những thế, trên địa bàn Ba Vì còn có nhiều di tích văn hóa, lịch sử với kiến trúc độc đáo gắn liền với tên tuổi các vị anh hùng của dân tộc, danh nhân văn hóa như Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh núi Ba Vì, Khu di tích K9, Khu di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ... Nhiều di tích có tầm cỡ quốc gia như Đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, đình Thụy Phiêu được các nhà khoa học đánh giá là một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam có niên đại 1531 - thời Nhà Mạc.
Bên cạnh đó, Ba Vì còn sở hữu nhiều di tích liên quan đến các danh nhân Việt Nam như Nhà thờ Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Sư Mạnh ở xã Cổ Đô; nhà thờ Tiến sĩ, Thượng thư Trần Thế Vinh ở xã Phú Châu; nhà thờ Tiến sĩ, Thượng thư Lê Anh Tuấn ở làng Mai Trai - xã Vạn Thắng. Rồi khu di tích Miếu Mèn thuộc thôn Nam An, xã Cam Thượng thờ bà Man Thiện, mẹ của Hai Bà Trưng. Hay đền Bà Chúa Đá Đen được dựng trên một tảng đá nguyên khối thờ Bà Chúa Thượng Ngàn là nơi thờ cúng lâu đời của Nhân dân quanh vùng và khách thập phương… Có thể thấy, với khối lượng di tích đồ sộ, Ba Vì hứa hẹn nhiều điểm du lịch văn hóa, tâm linh hấp dẫn du khách.
Đầu tư đồng bộ, hoàn thiện dịch vụ
Những ngày đầu Xuân, các điểm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Ba Vì lại đông nghịt du khách đến tham quan, chiêm bái. Trong số 394 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh của địa phương, đã có một di tích (đình Tây Đằng) được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, 41 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 65 di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp TP. Nhiều di tích trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách như Khu di tích K9 - Đá Chông, đền Thượng, đền Trung, chùa Tản Viên, đền Hạ, đền Đá Đen, đình Tây Đằng, đình Chu Quyến...
Theo thống kê, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tính từ đêm Giao thừa đến đến hết ngày Rằm tháng Giêng, Khu di tích đền Thượng và đền thờ Bác Hồ (trên đỉnh núi Ba Vì) đón khoảng 7.000 lượt khách. Khu di tích đền Đá Đen đón khoảng hơn 7.500 lượt khách; chùa Tản Viên và đền Trung mỗi điểm đón trên 8.000 lượt khách; đền Hạ đón trên 10.000 lượt khách... Chủ nhang đền Trung Võ Tùng Lâm cho biết: “Những năm gần đây, lượng du khách đến đền, chùa vãn cảnh, cầu an thường rải rác quanh năm nhưng tập trung đông nhất vào những ngày đầu năm mới. Trung bình mỗi ngày, di tích đền Trung thu hút trung bình mỗi ngày từ 600 - 700 du khách đến chiêm bái”.
Điều đáng ghi nhận, mặc dù đầu năm, lượng du khách thập phương đến các điểm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn đông nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của Ban Quản lý các khu di tích cùng chính quyền địa phương trong việc siết chặt công tác quản lý, việc tổ chức lễ hội đã đi vào nền nếp. Không khí trang nghiêm, môi trường sạch đẹp là điều mà du khách thường dễ dàng bắt gặp tại các điểm di tích trên địa bàn huyện.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Năm nào gia đình tôi cũng hành hương về chiêm bái ở đền Hạ, đền Trung và chùa Tản Viên Sơn dịp lễ hội Xuân. Mấy năm nay, đường sá đi lại rất thuận tiện, công tác vệ sinh môi trường được cải thiện rất nhiều, cảnh quan xung quanh khu vực lễ hội được sạch sẽ, nhất là hàng quán dịch vụ được quy hoạch, sắp xếp một cách rất bài bản”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, để du lịch tâm linh phát triển đúng hướng, mang lại những giá trị truyền thống, văn hóa lịch sử, bên cạnh việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị cảnh quan của di sản, huyện đã và đang tích cực xây dựng những tuyến du lịch hợp lý. Đồng thời đầu tư đồng bộ vào các khu du lịch tâm linh, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tại chỗ có kiến thức văn hóa, lịch sử; cải thiện hạ tầng giao thông dẫn vào các khu di tích cũng như dịch vụ đi kèm…