Ngày 27/10, sau nhiều lần kêu gọi, cảnh báo Trung Quốc ngừng ngay hoạt động xây dựng trái phép tại Biển Đông, hải quân Mỹ đã chính thức đưa tàu tuần tra vào khu vực 12 hải lý gần các đảo nhân tạo xây dựng trái phép của Trung Quốc. Giới chức Mỹ khẳng định, hành động này nhằm duy trì an ninh hàng hải, hòa bình ở khu vực. Động thái này đã mở đầu cho một loạt phản ứng của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về vấn đề chủ quyền tại khu vực Biển Đông.
Philippines, đồng minh của Mỹ tại khu vực đã bày tỏ sự hoan nghênh. Tờ Philippine Daily Inquirer của Philippines dẫn lời Tổng thống Benigno Aquino ngày 27/10 cho biết, hành động tuần tra của quân đội Mỹ sẽ có lợi cho việc “cân bằng sức mạnh khu vực” và thực hiện tự do đi lại tại vùng biển quốc tế. Cùng ngày, Thủ tướng Shinzo Abe khi đang ở thăm Kazakhstan đã cho biết: “Hành vi của Mỹ có thể hiểu là hành động dựa trên luật pháp quốc tế”.
Không chỉ tỏ thái độ đồng tình, các quốc gia đều ủng hộ phương án đưa vụ việc ra Tòa án quốc tế và cùng xây dựng một quy tắc ứng xử chung giúp xử lý căng thẳng. Ngày 28/10, Tổng thống Indonesia cho rằng, các bên liên quan kiềm chế, nhấn mạnh sự cần thiết của một cuộc thảo luận về bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc cùng khối ASEAN để giúp xử lý căng thẳng.
Gần đây nhất, trong chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Đức Merkel cũng kêu gọi đưa các vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông ra tòa án quốc tế. “Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông là vấn đề nghiêm trọng. Tôi luôn ngạc nhiên tại sao hai bên không tìm đến những tòa án quốc tế để giải quyết những xung đột này” - Thủ tướng Đức nói.
Các phát ngôn của quan chức cấp cao các nước đều cho thấy một điểm chung, đó là tranh chấp tại Biển Đông là một vấn đề quốc tế và cần phải được xem xét trên góc độ tuân thủ các quy định chung, nhằm duy trì hòa bình và ổn định an ninh, thương mại hàng hải cho tất cả các quốc gia, chứ không chỉ dành riêng cho một nước lớn nào.
Trong một diễn biến mới nhất, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp quốc ở The Hague (La Haye), Hà Lan đã đồng ý xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về các yêu sách của Trung Quốc về “đường lưỡi bò”.
Tòa án PCA đã bác bỏ lập luận của Trung Quốc rằng "tranh chấp thực ra là về chủ quyền đối với các đảo" ở Biển Đông và do đó, vượt quá thẩm quyền của PCA. Tòa cho rằng vụ kiện phản ánh "tranh chấp giữa hai quốc gia, liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước Liên Hợp quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS)", và điều này nằm trong thẩm quyền của tòa.
Đây là minh chứng không thể chối cãi rằng, tất cả các vấn đề lãnh thổ, chủ quyền là vấn đề phải được các quốc gia xem xét và thực hiện theo nguyên tắc tuân thủ pháp luật quốc tế. Chia sẻ quan điểm này, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã tuyên bố, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển. Người phát ngôn cũng nhấn mạnh, là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và thành viên UNCLOSS, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của UNCLOSS và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Dư luận quốc tế ủng hộ đưa tranh chấp tại Biển Đông ra tòa quốc tế.
|