“Sức mạnh mềm” ngoại giao - từ trái tim đến trái tim

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một hình ảnh khó quên với bạn bè quốc tế là trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tới Việt Nam hồi tháng 7/2023, hai Thủ tướng đã đi dạo tham quan đường sách Hà Nội và tặng những cuốn sách tâm đắc cho nhau trong lúc chuyện trò bên tách cà phê.

Chia sẻ về chi tiết Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng cuốn sách bản tiếng Anh: "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Thủ tướng Anwar Ibrahim, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Đinh Ngọc Linh cho biết: “Đến tận giờ sau chuyến thăm, Thủ tướng (Malaysia) vẫn thường xuyên nhắc đến. Đây là một trong những hoạt động ngoại giao văn hóa mà chọn được điểm tinh tế, sáng tạo”. Những động thái tinh tế đó, theo Đại sứ Đinh Ngọc Linh, cho thấy “mối thân tình bình dị, từ trái tim đến trái tim”.

Củng cố “sức mạnh mềm” qua giá trị văn hóa, lịch sử

Khái niệm “sức mạnh mềm” được đưa ra vào những năm 90, thế kỷ XX, bởi giáo sư người Mỹ Joseph Nye, nguyên Hiệu trưởng Trường Quản trị công J.F. Kennedy, thuộc Đại học Harvard (Mỹ), nguyên trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Theo đó, “sức mạnh mềm” thể hiện sức hấp dẫn, lôi cuốn, thu hút để các nước khác nguyện ý thay đổi hành vi, chính sách phù hợp với mong muốn của mình. Trong cuộc cạnh tranh này, lợi thế không chỉ thuộc về các nước với nguồn tài nguyên “sức mạnh mềm” dồi dào mà còn có chỗ cho các quốc gia nhỏ khác với bản sắc riêng, cách thức triển khai đa dạng, phong phú, tùy theo điều kiện, khả năng, cơ chế của mình, tạo nên cuộc cạnh tranh đa sắc màu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại Phiên đối thoại chính sách “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu” trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos năm 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại Phiên đối thoại chính sách “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu” trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos năm 2024.

Tại Việt Nam, thuật ngữ “sức mạnh mềm” và các nội hàm về “sức mạnh mềm” văn hóa lần đầu tiên được xuất hiện chính thức trong phát biểu của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (ngày 22/8/2016). Trong đó đã nhấn mạnh vai trò văn hóa là yếu tố then chốt của sức mạnh quốc gia. Giải thích về "sức mạnh mềm", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đó là tính chính nghĩa trong sự nghiệp của chúng ta; là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới.

Đó còn là việc thực hiện đường lối và chính sách đối ngoại một cách khéo léo như một nghệ thuật theo những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu trước đây, trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, bằng sự nghiệp chính nghĩa và xương máu của mình, Nhân dân ta đã giành được sự đồng tình và vị trí rất cao trong lương tri của nhân loại, thì ngày nay nhờ công cuộc Đổi mới và chính sách đối ngoại hòa hiếu, rộng mở, Việt Nam đã có được một vị thế mới trong quan hệ quốc tế.

Thực tế, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, “sức mạnh mềm” đã hiện hữu như một yếu tố quan trọng giúp hình thành sức mạnh tổng hợp quốc gia. Đến thời đại Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển “sức mạnh mềm” Việt Nam lên tầm cao mới, với các quan điểm, tư tưởng: dĩ bất biến, ứng vạn biến; nước lấy dân làm gốc; lấy sức dân làm lợi cho dân; văn hóa soi đường cho quốc dân đi; đại đoàn kết dân tộc và các chủ trương về trồng người, về giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên…

Đề cập tới “sức mạnh mềm” trong thời đại hiện nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, ngành ngoại giao cần đi đầu phối hợp với đối ngoại Nhân dân và các ngành văn hóa, nghệ thuật, thông tin, truyền thông, phát huy có hiệu quả nhất lợi thế “sức mạnh mềm” của đất nước, bắt đầu từ văn hóa. “Sức mạnh mềm” của Việt Nam được thể hiện trước hết ở sức hấp dẫn, tỏa ra từ các giá trị văn hóa bao gồm các giá trị vật thể và phi vật thể, giá trị tinh thần và giá trị con người Việt Nam.

Trở lại câu chuyện hình ảnh Việt Nam trong lòng người dân Malaysia, Đại sứ Đinh Ngọc Linh chia sẻ, họ luôn đánh giá cao người dân Việt Nam tình cảm, năng động. Trong năm qua, nhân dịp kỷ 50 năm quan hệ hai nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã giới thiệu những tinh hoa văn hóa Việt như ẩm thực, tà áo dài…, không chỉ theo phương thức thông thường mà trên mô hình hình ảnh đất nước từ khai sơ thuở các vua Hùng đến giờ, mang tính nhìn lại nguồn cội, gây ấn tượng không nhỏ.

Nền tảng cho công cuộc xây dựng “sức mạnh mềm”

Trong hàng loạt sự kiện ngoại giao và các chuyến thăm cấp cao diễn ra năm qua, yếu tố văn hóa đã được khéo léo đan cài, góp phần vào mục tiêu xây dựng tình hữu nghị, lan tỏa những giá trị Việt, bồi đắp “sức mạnh mềm” của đất nước.

Chia sẻ tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh khía cạnh vai trò của truyền thông, đặc biệt là Truyền thông số cũng như yêu cầu ngày càng cao của đất nước, phát huy “sức mạnh mềm” quốc gia thông qua triển khai công tác ngoại giao công.

Thứ trưởng nhấn mạnh, thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, cùng sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành, địa phương, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã nỗ lực vượt qua khó khăn, triển khai mạnh mẽ công tác ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại. Qua đó góp phần tăng cường quảng bá, tuyên truyền sâu rộng về đất nước Việt Nam năng động, đang phát triển mạnh mẽ, bền vững và ổn định, có nền văn hóa đặc sắc, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao đã tích cực đổi mới, sáng tạo, tăng cường ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để truyền tải rộng rãi các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, năm 2023 là một năm sôi động về đối ngoại với nhiều dấu ấn nổi bật. Quan hệ đối ngoại trên bình diện song phương và đa phương tiếp tục được mở rộng và sâu sắc hơn, trong đó quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới với những bước phát triển mới về chất. Nổi bật là quan hệ với các nước láng giềng, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và nhiều đối tác khác. Các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên Hợp quốc, Tiểu vùng Mê Công, APEC, AIPA, COP 28, BRI… Chúng ta tiếp tục phát huy vai trò tại các tổ chức quốc tế quan trọng như Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, UNESCO…

 

Hiểu mình, biết ta là một trong những yếu tố quan trọng đem hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với nước sở tại.
Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Đinh Ngọc Linh

Trong đó, các lĩnh vực thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài… đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, có thêm 2 TP là Đạt Lạt và Hội An được công nhận là Thành phố sáng tạo của UNESCO. Việt Nam cũng được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của UNESCO như Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027... Những thành quả đó cũng góp phần tạo nền tảng không nhỏ trong xây dựng “sức mạnh mềm” củng cố thêm uy tín, vị thế và hình ảnh đất nước trong lòng bạn bè quốc tế.