Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sức mạnh vô địch từ tinh thần đoàn kết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thấm nhuần tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công,...

Kinhtedothi - Thấm nhuần tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và luôn khẳng định Đảng là hạt nhân của khối đại đoàn kết ấy.

Nhờ sự đoàn kết ấy, Đảng ta đã phát huy cao nhất sự sáng tạo, trí tuệ tập thể, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn nhằm hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được thành lập tại xã Tân Lập huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh tư liệu)
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được thành lập tại xã Tân Lập huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh tư liệu)
1. Ở miền Nam, những năm sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, với niềm tin sắt son vào Đảng, vào ngọn cờ đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, các tầng lớp Nhân dân đã đoàn kết một lòng, liên tục nổi dậy đấu tranh. Với phong trào Đồng khởi, quân dân miền Nam đã đập tan từng mảng chính quyền Sài Gòn ở nhiều vùng nông thôn rộng lớn, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Thắng lợi ấy được tạo nên bởi ý Đảng, lòng dân. Cũng chính từ đây, phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân miền Nam đặt ra yêu cầu khách quan phải có một tổ chức đoàn kết thật rộng rãi các lực lượng chống đế quốc Mỹ và tay sai. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập.

Việc thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất ở hai miền là chủ trương đúng đắn, phản ánh sự thấm nhuần sâu sắc tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đồng thời, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

2. Đứng trước khả năng đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân vào thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam, ngày 27/3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt, gồm 300 đại biểu đại diện cho các bậc lão thành cách mạng, các ngành, các giới, các đoàn thể, trí thức tiến bộ, nhân sĩ yêu nước và anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc. Đây thực sự là “Hội nghị Diên Hồng” thời đại Hồ Chí Minh để thống nhất ý chí quyết tâm đoàn kết toàn dân tộc cùng chiến đấu giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất nước nhà.

Tiếp đó, khi đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước, kêu gọi toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước muôn người như một, với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quyết tâm đánh bại hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là nguồn động lực mới góp phần thắt chặt thêm khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hưởng ứng Lời kêu gọi, quân dân miền Bắc đã kết thành một khối, đẩy mạnh các phong trào thi đua sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Đặc biệt, các phong trào, như “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng” và các khẩu hiệu hành động: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”... đã lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền núi, từ biên giới đến hải đảo hăng hái thi đua vừa lao động sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ; bảo vệ vững chắc hậu phương miền Bắc; đồng thời, liên tục chi viện ngày càng nhiều sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và các chiến trường phối hợp khác. Chỉ riêng 4 tháng đầu của năm 1975, miền Bắc đưa vào chiến trường miền Nam hơn 110.000 cán bộ, chiến sĩ, 230.000 tấn vật chất các loại, góp phần quyết định để quân và dân ta mở cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giành thắng lợi hoàn toàn.

3. Thành quả vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong Đại thắng mùa Xuân 1975 còn thể hiện ở sức mạnh của chiến tranh Nhân dân Việt Nam, với tinh thần bất khuất của đồng bào, chiến sĩ miền Nam trên tiền tuyến lớn và sự chi viện hết lòng của hậu phương lớn miền Bắc. Mặc dù kẻ thù luôn tìm trăm phương, nghìn kế để chia rẽ Bắc - Nam hòng cô lập cách mạng miền Nam, nhưng Bắc - Nam luôn là một nhà. Cả miền Bắc ngày đêm hướng về miền Nam, dốc hết sức người, sức của cho công cuộc giải phóng miền Nam. Cả miền Nam ngày đêm hướng về miền Bắc - nơi đầu não của cách mạng và kháng chiến.

Cùng với tình cảm Bắc - Nam sâu nặng, “tình quân - dân cá nước” đã trở thành một biểu tượng sáng ngời của khối đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong Đại thắng mùa Xuân 1975. Sở dĩ có được tình cảm “đoàn kết quân - dân” là do quân đội ta “từ Nhân dân mà ra”, “vì Nhân dân mà chiến đấu”. Trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, quân đội ta đã thể hiện bản lĩnh và trí tuệ quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.