Với tổng lượng vốn (chỉ tính phần vốn của nhà đầu tư Việt Nam, bao gồm cả vốn tăng thêm của các dự án đã được cấp giấy phép từ các năm trước) đạt 20,774,7 triệu USD (bình quân một năm 769,4 triệu USD, bình quân một dự án 19,8 triệu USD). Thời kỳ 2006 - 2010 đạt kỷ lục cả về tổng lượng vốn bình quân năm (2.089,4 triệu USD), cả về lượng vốn bình quân một dự án (26,13 triệu USD). Tuy nhiên, lượng vốn đã giảm dần trong 3 năm gần đây (năm 2013 đạt 3.107,1 triệu USD, năm 2014 còn 1.768,8 triệu USD, năm 2015 còn 774,8 triệu USD), cả về lượng vốn bình quân một dự án (năm 2015 chỉ còn gần 6,6 triệu USD).
Theo quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư trực tiếp, có 7 đối tác đạt trên 1 tỷ USD. Đứng đầu là Lào có 210 dự án, với tổng lượng vốn là 4949,1 triệu USD, tiếp đến là Campuchia có 157 dự án, tổng lượng vốn 3483,8 triệu USD; Liên bang Nga có 11 dự án, 2405,2 triệu USD… Ngoài ra, đáng chú ý còn có một số đối tác đạt trên 100 triệu USD, như Hoa Kỳ, Myanmar, Tanzania, Mozambique, Cameroon, Singapore, Brunei, Australia, Quần đảo Vigrin thuộc Anh, Madagascar, Cộng hòa liên bang Đức.
Nhìn tổng quát, việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam đã diễn ra từ rất sớm và đã bùng nổ, tăng tốc trong thời kỳ 2005 - 2013, là thời kỳ Việt Nam mở cửa, hội nhập sâu, rộng hơn, cộng hưởng với quan hệ sản xuất - tiêu dùng đã có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, từ 2014 đến nay đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam đã có sự sụt giảm (năm 2015 so với năm 2013 đã giảm 75,1%). Sự sụt giảm này xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng có lẽ không đáng lo ngại như nhiều người đánh giá. Nó xuất phát từ một số yếu tố, cũng là những vấn đề đặt ra trong đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
Thứ nhất, về công ăn việc làm, tuy tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam thuộc loại thấp chủ yếu do tính theo phương pháp của quốc tế (trong 7 ngày tính đến thời điểm điều tra nếu có 1 giờ làm việc thì không tính là thất nghiệp), trong khi Việt Nam còn là nước nông nghiệp, hoạt động phi chính thức còn chiếm tới trên 1/3, trợ cấp thất nghiệp mới thực hiện, chưa phổ biến và mức còn rất thấp..., nên thực chất có thể còn cao hơn nhiều. Do vậy, yêu cầu về công ăn việc làm ở trong nước còn rất lớn, còn khá lâu dài, chưa cấp bách phải chuyển đầu tư ra nước ngoài.
Thứ hai, đầu tư ra nước ngoài làm phát sinh nhu cầu không nhỏ về lượng ngoại tệ mạnh hiện có của Việt Nam . Trong khi Việt Nam đã “tốt nghiệp” ODA ưu đãi, nay ít ưu đãi hơn hoặc phải vay với lãi suất cao.
Thứ ba, hiệu quả đầu tư trực tiếp ra nước ngoài hiện còn thấp, thậm chí còn bị lỗ lã lớn: Khai khoáng (dầu thô) thì giá dầu xuống; nông nghiệp - thủy sản thì ảnh hưởng do giá sản phẩm xuống, rồi phản ứng của nước sở tại; thủy điện thì ảnh hưởng đến hạ nguồn của Việt Nam ...
Thứ tư, trong tổng lượng vốn đầu tư ra nước ngoài, khó có thể quản lý, giám sát được nhu cầu đầu tư vào “thiên đường thuế” hoặc dự phòng quốc tịch...