Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tác động tích cực của tỷ giá ổn định

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2012, sự ổn định của tỷ giá đã giúp nhiều chỉ tiêu kinh tế của nước ta đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đây có thể coi là một trong những kết quả nổi bật trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ năm vừa qua.

Mặc dù bình quân 11 tháng năm nay so với bình quân cùng kỳ năm trước giá USD tăng 0,28% nhưng đó là tốc độ tăng rất thấp. Còn xét dưới các góc độ khác, giá USD vẫn giảm: tháng 11 giảm 0,11% so với tháng 10, giảm 0,99% so với tháng 12/2011 và giảm 0,97% so với tháng 11/2011. Nếu tính từ tháng 4/2011, sau lần điều chỉnh lớn của tháng 2/2011 đã làm cho giá USD tháng 3/2011 tăng tới 3,06%, thì trong 20 tháng qua, giá USD vẫn còn giảm.

Tác động tích cực của tỷ giá ổn định - Ảnh 1
Tốc độ tăng giá USD qua các năm. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Đối với kiềm chế lạm phát, mục tiêu ưu tiên của năm nay, sự ổn định của tỷ giá đã làm cho giá máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, nguyên vật liệu nhập khẩu tính bằng VND không tăng, không gây ra “khuếch đại lạm phát” như trước đây, vốn là một trong những yếu tố quan trọng làm cho lạm phát ở trong nước tăng và tăng cao hơn lạm phát của thế giới.

Từ đó, tâm lý thị trường giữ được sự ổn định, góp phần kiềm chế tâm lý kỳ vọng lạm phát. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 chỉ tăng 0,47% so với tháng 10, tăng 6,52% so với cuối năm trước, tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước- đều là những con số thấp xa so với các năm 2010, 2011.

Mặt khác, sự ổn định của tỷ giá đã góp phần làm cho các khoản nợ, trả nợ tính bằng VND không bị tăng lên, tạo cơ hội để Ngân hàng Nhà nước mua được một khối lượng lớn hàng chục tỷ USD trên thị trường, góp phần làm tăng dự trữ ngoại hối, tăng sức mạnh tài chính quốc gia.

Sự ổn định của tỷ giá đạt được trước hết do lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn đạt kết quả khá.

Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tuy bị sụt giảm về lượng vốn đăng ký nhưng sau 11 tháng đã đạt trên 12,4 tỷ USD. Lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức năm 2012 dự đoán có thể đạt trên 3,5 tỷ USD, vượt xa so với năm 2011 (2,9 tỷ USD) và cao nhất từ trước đến nay.

Những năm trước, nhập siêu khá cao (năm 2007 là 14,2 tỷ USD, năm 2008 là 18 tỷ USD, năm 2009 là 12,9 tỷ USD, năm 2010 là 12,6 tỷ USD, năm 2011 là 9,8 tỷ USD) thì năm nay sau 11 tháng, cả nước đã xuất siêu 14 triệu USD.

Lượng kiều hối năm 2012 dự báo có thể đạt gần 11 tỷ USD, cao hơn nhiều mức kỷ lục 9 tỷ USD của năm trước. Chi tiêu của khách quốc tế năm nay dự báo có thể cán đích 6,5 tỷ USD, tăng gần 1 tỷ USD so với mức kỷ lục của năm trước...

Do lạm phát được kiềm chế ở mức thấp chưa bằng một nửa so với năm trước và thấp hơn mục tiêu đề ra, nên tình trạng găm giữ ngoại tệ đã giảm, tình trạng đô la hóa cũng giảm so với trước, giảm áp lực đối với tỷ giá. Trong khi, lãi suất tiết kiệm bằng VND cao gấp nhiều lần lãi suất gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ.

Bên cạnh đó, sự điều hành của Chính phủ đã đạt được sự kiên định, nhất quán và đồng bộ trong việc kiềm chế lạm phát, kiềm chế nhập siêu, tăng trưởng hợp lý.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý là cũng như lạm phát và nhập siêu giảm, sự ổn định của tỷ giá cũng còn có nguyên nhân do đầu tư và tiêu dùng năm nay bị “co lại”. Đây cũng là yếu tố làm cho việc điều hành để ổn định tỷ giá vẫn cần phải thường xuyên quan tâm, tránh chủ quan, lơ là, bởi khi nhu cầu đầu tư, tiêu dùng tăng lên có thể sẽ làm cho lạm phát, nhập siêu, tỷ giá tăng lên.