Quốc hội họp trực tuyến, nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ |
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ |
Về sự cần thiết ban hành Luật: Nhiều ý kiến cho rằng việc tách lĩnh vực giao thông đường bộ để ban hành hai luật chuyên ngành là cần thiết và nhất trí với các lý do được nêu trong Tờ trình số 399/TTr-CP của Chính phủ. Một số ý kiến đề nghị không tách nội dung bảo đảm TTATGTĐB để ban hành luật riêng, vì Luật Giao thông đường bộ là luật chuyên ngành, trong đó giao thông đường bộ bao gồm: kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người tham gia giao thông đường bộ, quy tắc giao thông đường bộ. Nếu tách ra sẽ không bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất, dễ dẫn tới chồng chéo. Có ý kiến đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT (chung) để điều chỉnh về TTATGT trong các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy nội địa.
Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. |
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết: Ủy ban cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng việc xây dựng, ban hành Luật này nhằm triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quản lý về TTATGTĐB. Thực tế cho thấy, tình hình TTATGTĐB còn nhiều diễn biến phức tạp, trong đó tai nạn giao thông đường bộ chiếm hơn 95% trong tổng số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông nói chung, để lại hậu quả rất lớn cho xã hội; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn chồng chéo, gây phiền hà và làm giảm niềm tin trong Nhân dân… đòi hỏi phải xây dựng Luật Bảo đảm TTATGTĐB để giải quyết yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay.
Về thời điểm trình Quốc hội thông qua Luật: Có ý kiến đề nghị thông qua dự án Luật này tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 15 (đồng thời lùi cả thời điểm thông qua dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) hoặc xem xét, thông qua theo trình tự ba kỳ họp để có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng.
Ủy ban Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, dự thảo hai luật này có tác động qua lại lẫn nhau, đều thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ, có nhiều nội dung được kế thừa, phát triển từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Trong đó, dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã được Quốc hội quyết định đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 11. Do vậy, đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua cả hai dự án Luật trên cùng thời điểm để thuận lợi trong việc tách bạch các nội dung của hai dự thảo Luật này, không để chồng lấn, trùng lặp. Sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế và tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật
Ủy ban Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, nội dung dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi; đã nội luật hóa đa số các quy định trong Công ước viên 1968 về giao thông đường bộ và bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, không để chồng chéo, trùng lặp với dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Các nội dung cụ thể của dự thảo Luật
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật: Đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị chuyển các quy định về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường bộ và cơ quan đăng kiểm từ Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sang điều chỉnh ở Luật này; ý kiến khác đề nghị cân nhắc việc quy định đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) trong dự thảo Luật này.
Ủy ban Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với đa số ý kiến trên và cho rằng cần phải tiếp tục rà soát phạm vi, nội dung điều chỉnh của dự thảo Luật Bảo đảm TTATGTĐB và dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để hoàn thiện, bảo đảm mối quan hệ hài hòa, thống nhất giữa hai Luật này, không để chồng chéo, trùng lắp. Việc quy định kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường khi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kiểm tra định kỳ trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là phù hợp. Việc quản lý tốt hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cũng là một biện pháp phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông và phòng ngừa vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện Giao thông đường bộ. Vì vậy, khi tách ra thành hai luật thì nội dung trên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm TTATGTĐB là phù hợp.
Về quy tắc giao thông đường bộ (Chương II): Nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo Luật; một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, nội luật hóa các quy định của Công ước viên 1968 về giao thông đường bộ vào dự thảo Luật cho đầy đủ. Ủy ban Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp tục nghiên cứu các ý kiến trên đề hoàn thiện dự thảo Luật cho phù hợp.
Về phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Mục 1 Chương III): Một số ý kiến đề nghị tách bạch hơn các quy định về phương tiện giao thông đường bộ tại Mục 1 Chương III của Luật này và Chương III của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Về đấu giá biển số xe: Một số ý kiến tán thành với quy định đấu giá biển số xe. Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định này, vì cho rằng biển số xe dùng để quản lý, kiểm soát xe cơ giới (tài sản công), sau khi thực hiện đấu giá (bán, mua) sẽ trở thành tài sản cá nhân. Ý kiến khác cho rằng, việc đấu giá biển số xe không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Ủy ban Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để quy định cho phù hợp, rõ ràng, bảo đảm tính khả thi, nâng cao hiệu quả công tác quản lý.
Về các hạng giấy phép lái xe: Nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo Luật; có ý kiến cho rằng dự thảo Luật chia GPLX thành 11 hạng khác nhau thay vì 15 hạng như hiện nay, trong đó có 11 loại GPLX bị thay đổi, sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lái xe.
Về quy định điểm của GPLX: Một số ý kiến cho rằng, việc quy định điểm của GPLX trong Luật này là cần thiết, nhưng cần nghiên cứu cách trừ điểm cho phù hợp với đối tượng, hành vi và bảo đảm tính khả thi; ý kiến khác không tán thành với việc bổ sung quy định này, vì cho rằng sẽ phát sinh thủ tục hành chính, thêm hình thức xử lý vi phạm, gây phiền hà và áp lực cho người được cấp GPLX.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, dự thảo Luật quy định 11 hạng GPLX là thống nhất với Công ước viên 1968 về giao thông đường bộ, đồng thời tại điều khoản chuyển tiếp quy định các loại GPLX đã cấp theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 còn thời hạn thì vẫn có hiệu lực (khoản 3 Điều 71), trường hợp cấp lại thì cấp theo quy định mới của Luật này (khoản 2 Điều 71), nên không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người đã được cấp GPLX. Còn đối với các ý kiến khác Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và cân nhắc với điều kiện của Việt Nam.
Có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn trường hợp, lực lượng được huy động, trách nhiệm của các lực lượng được huy động để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cùng với Cảnh sát giao thông, sau đó mới giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết các nội dung này. Có ý kiến cho rằng trong thời gian qua, một số lực lượng đã độc lập tổ chức tuần tra, kiểm soát, dừng phương tiện, xử phạt vi phạm hành chính về TTGTĐB dẫn đến sự chồng chéo về nhiệm vụ; tại Điều 61 dự thảo Luật này và Điều 100 dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định dừng phương tiện đang tham gia GTĐB do Cảnh sát giao thông, Thanh tra GTĐB thực hiện, nên đề nghị nghiên cứu để bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất trong tổ chức thực hiện.
Có ý kiến đề nghị: Quy định cụ thể hơn, giới hạn phạm vi trường hợp Cảnh sát giao thông được huy động phương tiện của tổ chức, cá nhân tại điểm d khoản 2 Điều 61 và trách nhiệm bồi thường khi phương tiện huy động bị mất, hư hỏng; bổ sung các quy định về các biện pháp bảo đảm TTATGTĐB, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị nghiệp vụ, các biện pháp bảo đảm thi hành, cưỡng chế thi hành các quyết định xử lý vi phạm và thẩm quyền trong hoạt động bảo đảm TTATGTĐB.
Một số ý kiến nhất trí quy định trách nhiệm của Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp tại Chương này; có ý kiến cho rằng Chính phủ có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Về quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX (khoản 4 Điều 66): Một số ý kiến cho rằng đào tạo, sát hạch lái xe để hoàn thiện kiến thức, kỹ năng, ý thức của người lái xe, nhằm xây dựng trạng thái giao thông đường bộ an toàn, là nội dung của bảo đảm TTATGTĐB, nên giao cho Bộ Công an quản lý nhà nước là phù hợp. Bộ Công an sẽ thống nhất quản lý về cả phương tiện và người tham gia giao thông xuyên suốt từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và sau khi được cấp GPLX. Qua đó sẽ siết chặt kỹ luật, kỷ cương trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và chấp hành pháp luật của người lái xe. Việc chuyển đổi này chỉ thay đổi về quyền quản lý, còn các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe đã được xã hội hóa vẫn tiếp tục hoạt động, không có sự thay đổi về vị trí, tổ chức, nhiệm vụ.
Một số ý kiến cho rằng, việc thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an là chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước và gây lãng phí (Bộ Công an phải đầu tư về con người, phương tiện, cơ sở đào tạo, cơ sở sát hạch, cơ sở vật chất bảo đảm, trong khi Bộ Giao thông vận tải đã có và đang thực hiện ổn định).
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh: Ủy ban cho rằng, bảo đảm TTATGTĐB có những nội dung đặc thù, nên việc Quốc hội quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số bộ, ngành liên quan trong dự thảo Luật này là phù hợp, nhưng cần phải quy định bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với nội dung đặc thù và bảo đảm khả thi. Về trách nhiệm quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe thuộc thẩm quyền phân công của Chính phủ, cần có sự nghiên kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho người dân và cải cách thủ tục hành chính./.