Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái cấu trúc ngành bất động sản: những tác động từ hoạt động M&A

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong khoảng một năm trở lại đây, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành bất động sản (BĐS) của Việt Nam tăng mạnh, đã tác động tích cực đến quá trình tái cấu trúc của ngành.

Vốn M&A tăng mạnh

Hoạt động M&A ngành BĐS tiếp tục duy trì xu hướng khởi sắc trong năm 2024, với số lượng giao dịch tăng mạnh, kỳ vọng sẽ mang đến nhiều khởi sắc cho thị trường BĐS. Cụ thể, theo số liệu thống kê từ Hiệp hội BĐS Việt Nam trong vòng 1 năm từ tháng 9/2023 đến tháng 9/2024, tổng số vốn M&A vào lĩnh vực BĐS đạt 3,2 tỷ đô la Mỹ tăng 45,9%, đứng thứ 2 trong số 6 nước Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippine và Thái Lan).

Đáng chú ý, trong tổng số vốn M&A là 3,2 tỷ đô la Mỹ, thì tỷ trọng giao dịch của lĩnh vực BĐS chiếm tới 53%. Một số giao dịch tiêu biểu như Công ty CP Đầu tư kinh doanh NP, Công ty CP Đầu tư kinh doanh và Phát triển Falcon, Công ty CP Đầu tư kinh doanh và Phát triển Emerald, với tổng giá trị 982,3 triệu đô la Mỹ;

Công ty Sycamore Limited (Công ty con của CapitaLand) nhận chuyển nhượng dự án nhà ở Bình Dương của Becamex IDC, tổng số vốn 553 triệu đô la Mỹ; Tập đoàn Công nghệ Tripod Technology Corporation (Đài Loan) nhận chuyển nhượng khu đất công nghiệp 18ha của Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức, với tổng số vốn 250 triệu đô la Mỹ...

Hoạt động M&A tác động tích cực đến quá trình tái cấu trúc của ngành BĐS.
Hoạt động M&A tác động tích cực đến quá trình tái cấu trúc của ngành BĐS.

“Vốn M&A trong lĩnh vực BĐS tăng mạnh thường bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, cả trong nước lẫn quốc tế. Nhưng đã thể hiện sự hấp dẫn của thị trường BĐS Việt Nam, do tốc độ đô thị hóa cao, tầng lớp trung lưu tăng trưởng mạnh... mang đến tiềm năng lớn cho thị trường nhờ khả năng sinh lợi và an toàn cao bởi BĐS luôn được xem là kênh đầu tư an toàn, ít rủi ro dài hạn; tỷ suất lợi nhuận cũng hấp dẫn hơn các kênh đầu tư khác. Đồng thời, xu hướng mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp lớn và vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh... khiến nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến BĐS Việt Nam” – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, TS Nguyễn Văn Đính phân tích.

Cần kiểm soát để hạn chế rủi ro

Theo Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp, hoạt động M&A có tác động sâu sắc và đa chiều đến thị trường BĐS, giúp tăng tính thanh khoản, giải phóng các dự án "đắp chiếu" hoặc chậm tiến độ do thiếu vốn hoặc quản lý yếu kém. Những doanh nghiệp có năng lực tài chính mạnh sẽ tiếp quản, tái khởi động dự án, góp phần tăng nguồn cung trên thị trường; thông qua hoạt động M&A ngành BĐS có cơ hội tái cấu trúc. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp đẩy mạnh mua bán, sáp nhập còn tạo điều kiện để thu hút đầu tư FDI; tạo động lực phát triển cơ sở hạ tầng và tăng tính chuyên nghiệp cho thị trường BĐS...

“Tuy nhiên, cũng có một số thách thức đối với hoạt động này, như: rủi ro tài chính khi một số thương vụ M&A có thể thất bại nếu việc định giá tài sản không chính xác hoặc gặp khó khăn trong tái cơ cấu; việc chuyển nhượng dự án, quyền sở hữu thường gặp trở ngại về pháp lý, đặc biệt trong các thị trường chưa minh bạch; và doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các tập đoàn quốc tế. Nhìn chung, hoạt động M&A là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS, giúp tái cấu trúc ngành và nâng cao giá trị các dự án. Để tận dụng tối đa cơ hội từ M&A, cần có khung pháp lý rõ ràng và môi trường kinh doanh thuận lợi” – ông Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.

Nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần chú trọng đến tính pháp lý cho hoạt động M&A của thị trường BĐS.
Nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần chú trọng đến tính pháp lý cho hoạt động M&A của thị trường BĐS.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thế Điệp cũng cho rằng, gia tăng vốn M&A vào BĐS là kết quả của sự kết hợp giữa tiềm năng phát triển, nhu cầu cao và các yếu tố thúc đẩy từ môi trường kinh tế, chính sách và thị trường. Trong tương lai, với sự ổn định kinh tế và cải thiện về pháp lý, xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Mặc dù việc vốn M&A vào BĐS tăng nhanh mang lại nhiều cơ hội cho thị trường, nhưng nó cũng tiềm ẩn những rủi ro nghiêm trọng nếu không được quản lý và kiểm soát đúng cách.

“Vốn M&A vào BĐS tăng nhanh là tín hiệu tích cực cho sự phát triển của thị trường, nhưng cần có các biện pháp quản lý và kiểm soát chặt chẽ để hạn chế rủi ro. Các bên tham gia, bao gồm chính phủ, nhà đầu tư và doanh nghiệp, cần chú trọng đến yếu tố pháp lý, năng lực tài chính, chiến lược phát triển bền vững để đảm bảo thị trường BĐS tăng trưởng lành mạnh, ổn định” – ông Nguyễn Thế Điệp cho hay.