Để tháo gỡ khó khăn trên, năm 2013, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã đưa ra định hướng tái cơ cấu toàn diện để phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.
Nhiều bất cập
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, năm 2012, sản lượng các sản phẩm chăn nuôi đều tăng so với năm 2011, nhất là thịt gia cầm, trứng và sữa tươi nguyên liệu. Sản lượng thịt hơi các loại cả năm 2012 đạt 4,3 triệu tấn, tăng 3,8%; trứng gia cầm đạt 7,5 triệu quả, tăng 9%. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi nước ta hiện vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ phát triển không bền vững. Trong đó, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát trên diện rộng làm phát sinh thêm chi phí chăn nuôi và gây tâm lý lo ngại cho nông dân.
Chăn nuôi lợn tập trung tại xã Tân Ước, huyện Thanh Oai.Ảnh: Quang Thiện
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, một vấn đề đáng lưu tâm là hiện nay, việc tổ chức chăn nuôi còn nhiều bất cập, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao. Hiện cả nước có 4,13 triệu hộ chăn nuôi lợn và 7,9 triệu hộ chăn nuôi gia cầm trong tổng số 10,3 triệu hộ sản xuất nông nghiệp. Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng tới an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, tình trạng thiếu đất, thiếu vốn đang là hạn chế lớn cho phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp.
Đặc biệt, trong năm 2012, do ảnh hưởng của thông tin sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giá sản phẩm chăn nuôi xuống thấp kỷ lục, nhất là thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 với mức giảm từ 20 - 50% khiến cho nhiều nông dân thua lỗ nặng. Ngoài ra, nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, nhất là nhóm nguyên liệu giàu đạm và các loại thức ăn bổ sung. Theo thống kê, mỗi năm nước ta vẫn phải nhập khẩu hơn 9 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trị giá gần 4 tỷ USD. Điều này làm tăng thêm sự lệ thuộc của ngành chăn nuôi trong nước.
Nỗ lực tái cơ cấu
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, trong năm 2013, Cục Chăn nuôi sẽ chỉ đạo các địa phương tổ chức lại ngành chăn nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó, tập trung phát triển chăn nuôi bền vững theo hình thức trang trại, công nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh và chuyển dịch cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng tăng quy mô đàn gia cầm, tăng đàn bò sữa và ổn định đàn lợn, đàn bò thịt.
Về hình thức chăn nuôi, Cục Chăn nuôi định hướng hình thành hai phân khúc thị trường. Một là, chăn nuôi nông hộ, HTX nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng tại chỗ và nội địa. Hai là, chăn nuôi trang trại, doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho các thành phố lớn, khu công nghiệp, góp phần hạn chế nhập khẩu và hướng tới xuất khẩu. Cục Chăn nuôi cũng khuyến khích xây dựng các mô hình sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ và đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi để nâng cao giá trị gia tăng.
Tại Hà Nội, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, để nâng cao hiệu quả của ngành chăn nuôi, Thành phố đã đề ra định hướng trong năm 2013 và những năm tiếp theo sẽ tập trung quy hoạch các vùng chăn nuôi theo xu hướng tận dụng lợi thế sẵn có của từng địa phương. Trong đó, quan tâm đến công tác phát triển, lai tạo đàn giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, tăng cường công tác thụ tinh nhân tạo và đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường chăn nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hợp tác với các tỉnh, thành phố để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Theo mục tiêu đề ra, năm 2013, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi cả nước tăng 6% so với năm 2012; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt 31%; tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 4,56 triệu tấn, tăng 4,8%; sản lượng trứng đạt 8,34 tỷ quả...
|