Tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng nếu đi sâu phân tích, kết quả trên vẫn đặt ra nhiều thách thức.
Doanh nghiệp Nhà nước vẫn chậm thay đổi
Kết quả đạt được trong tái cơ cấu DN Nhà nước (DNNN) thời gian qua rất đáng ghi nhận, song cũng có thể thấy còn không ít những hạn chế. Có thể thấy rõ nhất là nhiều đề án tái cơ cấu được duyệt với nội dung chưa cụ thể, thiếu những tiêu chí chuẩn mực để đo lường kết quả trong quá trình tái cơ cấu, chưa có giải pháp mang tính đột phá để đem lại những chuyển biến lớn. Quá trình này tiếp tục gặp nhiều khó khăn do chưa được giải quyết hài hòa các lợi ích và mối quan hệ của DNNN với đầu tư công; Lợi ích của cơ quan chủ quản và đội ngũ quản lý DN chủ yếu là các Chủ tịch, Tổng Giám đốc là người đại diện cho vốn của Nhà nước, chủ tài khoản tại các DNNN vẫn còn lớn.
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 với mục tiêu là nhằm cơ cấu lại hệ thống DNNN hợp lý hơn; tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt... Tuy nhiên, việc tái cơ cấu DNNN ít có sự chuyển biến; số lượng DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ còn lớn; hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều DNNN chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao. Một số DN đã CPH nhưng tỷ lệ cổ phần nắm giữ của Nhà nước còn lớn, chưa tạo chuyển biến về chất đối với việc huy động vốn từ xã hội cho đầu tư phát triển và quản trị DN... Đồng thời, các DNNN chưa tiến hành công khai, minh bạch công bố thông tin theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP dẫn đến tình trạng lãnh đạo DN tự trả tiền lương cho mình cao một cách bất thường, chưa tuân thủ đầy đủ nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu”..., dồn hết mọi khó khăn về tài chính DN cho Nhà nước.
Quá trình tăng trưởng dựa vào tăng tích lũy vốn cộng với tăng quyền tự chủ cho DNNN nhưng lại buông lỏng chức năng giám sát, kiểm tra việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn đã dẫn đến 3 hệ quả nghiêm trọng: Không có sự gắn kết quyền hạn với trách nhiệm, xu thế suy giảm lợi thế so sánh động của nền kinh tế, khu vực DNNN rất dễ bị tổn thương bởi cú sốc từ nền kinh tế thế giới...
Sẽ quan tâm đến chất lượng thay vì số lượng
Không chỉ dừng lại ở việc hô hào quyết tâm mà thời gian qua, quá trình tái cơ cấu DNNN đã và đang được cụ thể hóa bằng những hành động quyết liệt. Đơn cử việc ban hành Nghị quyết 15/2014/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN ngoài việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu các bộ hoặc các tỉnh về tiến độ CPH và thoái vốn đầu tư ngoài ngành đã đưa ra những định hướng cụ thể để đẩy nhanh quá trình này. Điểm mấu chốt nhất của Nghị quyết là cho phép DNNN được thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của DN sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính. Đây được xem là giải pháp quan trọng giúp cởi nút thắt cản trở việc thoái vốn diễn ra trong mấy năm vừa qua trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa thực sự khởi sắc. Bên cạnh điểm quan trọng trên, Nghị quyết đã cho phép các DNNN được chủ động trong việc xây dựng phương án thoái vốn. Nghị quyết này không chỉ giúp đẩy nhanh quá trình CPH mà còn tạo cơ chế để các DNNN thoái vốn khỏi 5 lĩnh vực nhạy cảm đạt 11.036 tỷ đồng. Đồng thời, kết quả hoạt động kinh doanh của các DNNN sau CPH năm 2015 đều tăng hơn so với trước khi CPH. Cụ thể: Vốn điều lệ tăng 72%; tổng tài sản tăng 39%; vốn chủ sở hữu tăng 60%; doanh thu tăng 29%; lợi nhuận trước thuế tăng 49%; nộp ngân sách tăng 27%; thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%... Còn theo Tổng cục Thống kê, năm 2015, DNNN chiếm 41,29% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ các DN. Số DNNN giảm đi nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn năm 2015 tăng gấp 1,17 lần so với năm 2011.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, cả nước sẽ tiếp tục sắp xếp, đổi mới và chuyển đổi sở hữu các DNNN còn lại, với mục tiêu số lượng DNNN đến năm 2020 còn gần 200 (giảm 50% số lượng tại thời điểm năm 2015), đồng thời cơ bản hoàn thành việc xử lý các tồn tại về tài chính, lao động dôi dư của khu vực này. Để hoàn thành mục tiêu đó, một loạt các giải pháp nhằm tăng tính công khai, minh bạch của báo cáo tài chính các DN sẽ được thực hiện. Điều này nhằm khẳng định DNNN cũng bình đẳng với các DN khác, từ đó quá trình CPH sẽ được thúc đẩy. Đồng thời với đó là những giải pháp kiểm tra việc bán cổ phần tránh thất thoát cũng sẽ được tăng cường, không để DN lợi dụng việc thoái vốn để chạy vốn Nhà nước, tạo lợi ích cho những nhóm cổ đông, nhà đầu tư kiếm lời trên CPH, từ đó bóp méo quá trình tái cơ cấu DNNN. Quá trình tái cơ cấu, CPH DNNN trong thời gian tới cũng vì thế sẽ coi trọng hơn về chất lượng chứ không nặng số lượng.