Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái cơ cấu nền kinh tế vẫn chậm

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tái cơ cấu nền kinh tế vẫn chậm so với tiến độ ở cả 4 trụ cột là: Tái cơ cấu DN Nhà nước, đầu tư công, các tổ chức tín dụng (TTCD) và thị trường chứng khoán.

 Các chuyên gia tại Hội thảo “Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020” (tổ chức chiều 5/9) cũng chỉ ra những tồn tại chủ yếu trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.
Đã thực chất?

Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng phục hồi đạt mức tương đối cao, chất lượng tăng trưởng có cải thiện nhưng theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung, cách thức phân bổ nguồn lực chưa thay đổi, nguồn lực về cơ bản chưa được phân bổ lại theo hướng nâng cao hiệu quả. Các dòng chảy lớn chuyển dịch chậm như chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ; nông thôn sang thành thị; Nhà nước sang tư nhân và chính thức sang phi chính thức. Ngay cả sản xuất công nghiệp chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Giá trị gia tăng trong ngành chế biến chế tạo rất thấp so với hầu hết các quốc gia trong khu vực, phần lớn chỉ ở khâu lắp ráp.
 Đại biểu tham quan triển lãm hàng công nghiệp 4.0 tại Hà Nội tháng 7/2018. Ảnh: Phạm Hùng
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương Nguyễn Thúy Hiền thừa nhận, qua 4 giai đoạn phát triển công nghiệp hóa hiện nay Việt Nam đang ở giai đoạn 1 vẫn là sự hướng dẫn của FDI. Từ 2010 công nghiệp Việt Nam vẫn chưa bứt phá lên được. Trong khi đó, tái cơ cấu đầu tư công vẫn rất chậm, chi thường xuyên vẫn còn trên 65%, trong khi bình quân ASEAN là 35%. Chi đầu tư phát triển còn thấp. “Thu nội địa ngày càng tăng, thu dầu thô giảm, nhưng thu nội địa bao gồm cả thu đất đai. Nếu loại trừ thu từ đất đai thì thu nội địa không phải quá cao” - PGS. TS Vũ Sỹ Cương (Học viện Tài chính) chỉ ra. Quy mô chi mặc dù giảm chi mạnh nhưng vẫn cao hơn rất nhiều các nước thu nhập thấp theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Tái cơ cấu mới chỉ siết chặt kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả, tránh lãng phí đầu tư.

"Mong có bộ tiêu chí đánh giá tái cơ cấu, bao gồm cả tiến độ, số lượng, chất lượng, hiệu quả. Nên chăng có tổ chức độc lập đánh giá. Chi phí cơ hội rất nhiều, khi chậm ban hành không sửa đổi chính sách thì tốn kém thiệt hại thế nào, đây chính là cản trở tái cơ cấu. Sau khi tái cơ cấu rồi năng lực chống chọi với cú sốc bên ngoài thế nào, và cuối cùng là tái cơ cấu nên xem xét trong hội nhập, trong các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. " - TS Cấn Văn Lực


"Điều kiện kinh doanh cài cắm ghê gớm. Quyền lực nằm ở đó. Chúng ta phải cải cách bộ máy, vai trò, vị trí chức năng phương thức và cách thức quản lý. Khuyến khích nguồn lực, phát huy nguồn lực trong dân mà động đến cái gì cũng phải chi phí thì làm sao thu hút được." - Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung

Thực tế là đầu tư công của Việt Nam vẫn 50% dựa vào vốn vay, nhưng duy tu bảo dưỡng rất kém. Một vấn đề đáng lo ngại nữa là nợ xấu của hệ thống ngân hàng tuy đã giảm nhưng chưa thực chất, nợ tiềm ẩn vẫn rất lớn. Nợ xấu cuối năm ngoái 7%, ngày 28/8 vừa qua nợ xấu 6,8% theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước.

Phân bổ lại nguồn lực

Trong giai đoạn 2018 - 2020, hoạt động cơ cấu lại nền kinh tế cần phải được đẩy mạnh để thực chất hơn. Tìm kiếm động lực tăng trưởng mới mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế. Các giải pháp để thực hiện tăng trưởng được đại diện CIEM đề ra là thực hiện kỷ luật tài khóa cắt giảm vài phần trăm chi thường xuyên, tăng chất lượng hạ tầng tập trung vào những công trình quan trọng cho ra hiệu quả kinh tế. Hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Trong đó, tập trung vào 2 đầu tàu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. “Nếu GDP của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tăng thêm 1% thì cả nước tăng thêm 0,5% vì 2 TP này đóng góp 50% GDP của cả nước”- ông Cung nhấn mạnh. Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khuyến khích phát triển các DN tư nhân lớn đầu tư dài hạn, có thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh.

TS Cấn Văn Lực dẫn lại đánh giá của một tổ chức quốc tế chỉ ra hạn chế hiện nay của Việt Nam xếp theo thứ tự là quan liêu và tham nhũng, thủ tục hành chính, tính minh bạch và nhất quán trong chính sách, cuối cùng là cơ sở hạ tầng và năng suất lao động. 3 năm còn lại của tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020, theo các chuyên gia, đây là giai đoạn chuyển mình từ nền kinh tế tăng trưởng về lượng thiếu ổn định, dễ bị tổn thương và kém hiệu quả, sang nền kinh tế tăng trưởng về chất, có sức cạnh tranh cao nhờ vào hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Đề cập vấn đề trên, ông Cung nhấn mạnh, phải tập trung phát triển kinh tế thị trường trong tất cả mọi lĩnh vực, mọi thành phần. Nếu không có cạnh tranh bình đẳng thì đó chỉ là thị trường méo mó và sai lệch. “Cần phải cạnh tranh bình đẳng trong phân bố tiếp cận các nguồn lực. Chúng ta đang nói đến Cách mạng Công nghiệp 4.0 nhưng không có cạnh tranh thì đừng mong phát triển khoa học công nghệ (KHCN). Các mối quan hệ xin - cho sẽ đẩy KHCN ra xa và DN không có động lực hướng đến KHCN, nâng cao năng lực mà tìm kiếm các mối quan hệ để kiểm lợi” - ông Cung nhấn mạnh.

Mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 là: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2016 - 2020 tăng 6,5 - 7%/năm. Giảm dần tỷ lệ bội chi NSNN, đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP. Quy mô nợ công hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm trên 5,5%, Đến năm 2020 tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%; giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD xuống mức dưới 3%; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP; Thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia với ASEAN-4; hàng năm có 30 - 35% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo. Đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu DN…