Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái cơ cấu nền kinh tế vẫn nhiều điểm nghẽn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại “Diễn đàn kinh tế mùa thu” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức ...

Kinhtedothi - Tại “Diễn đàn kinh tế mùa thu” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức với chủ đề: "Tái cơ cấu nền kinh tế: Kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản", các học giả, chuyên gia đã tập trung phân tích những điểm nghẽn của tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế để từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục.

Phải theo nguyên tắc thị trường

Theo các chuyên gia, 3 mũi nhọn của tái cơ cấu nền kinh tế gồm: Tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng, đều ì ạch. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên thẳng thắn chỉ ra: "Tái cơ cấu ì ạch vì chúng ta không đánh giá đúng nguyên nhân của nó. Mà nguyên nhân chính là không tuân thủ nguyên tắc thị trường". Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng cảnh báo: "Nếu không có các giải pháp trúng và đủ mạnh thì tình trạng này vẫn tiếp diễn…". 
 
Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex hoạt động hiệu quả hơn sau cổ phần hóa.     Ảnh: Văn Phúc
Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex hoạt động hiệu quả hơn sau cổ phần hóa. Ảnh: Văn Phúc
Để khắc phục tình trạng trên, các chuyên gia đề nghị, cần áp dụng các giải pháp thị trường vào tái cơ cấu nền kinh tế. Ông Trần Đình Thiên cho rằng, Nhà nước đã dành đặc quyền lớn cho khu vực DNNN, cộng với ham muốn kiểm soát giá cả đã làm thị trường bị méo mó. Cách tiếp cận phi thị trường như vậy dẫn đến đầu tư, cơ cấu ngành sai, nền kinh tế bị lệch nghiêm trọng. Hay như trong lĩnh vực thoái vốn, Nhà nước vừa muốn thoái vốn nhanh nhưng lại không muốn bán theo giá thị trường. Phải đến năm 2013, quan điểm này mới được thay đổi. "Con số gần 30% đã thoái được thực chất chỉ là chuyển giao nội bộ trong khu vực DNNN với nhau và lại càng không được bán theo giá thị trường" - một chuyên gia chỉ ra. 
"Tái cơ cấu nền kinh tế và khối DNNN sẽ khó có bước tiến chừng nào DN vẫn chưa tham gia cuộc chơi lời ăn lỗ chịu. Đến nay vẫn còn tình trạng Chính phủ đi vay tiền rồi cho DN vay lại. Khi DN không có khả năng thanh toán là lại được hỗ trợ lãi suất, khoanh, giãn, hoãn nợ và thuế. Khi không bán được hàng thì có ông chủ tịch tỉnh đứng ra chỉ đạo tiêu thụ hàng hóa. Nhiều DN được hưởng đặc quyền trong quản lý, khai thác tài nguyên quốc gia. Trong cơ chế thị trường, mọi thứ dường như không sòng phẳng ngay trong cạnh tranh giữa các DN trong nước, giữa các DNNN và DN tư nhân. Hiện, quyết tâm thực hiện tái cơ cấu, kế hoạch thực hiện đều đã có. Vậy làm sao để việc tái cơ cấu nền kinh tế có hiệu quả thực tế? Chúng ta tiếp tục kỳ vọng vào việc tái cơ cấu nhưng đừng để chỉ là kỳ vọng." - TS Nguyễn Đình Cung-Viện trưởng CIEM
Là một trong những tác giả của Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng,  tái cấu trúc nền kinh tế thực chất là phân bố lại nguồn lực để nâng cao hiệu quả phân bổ. "Thị trường méo mó, nhất là các nhân tố sản xuất, cho nên hãy để tự do kinh doanh và tự do thị trường làm nhân tố quyết định trong phân bố nguồn lực, để thị trường vận hành đúng nguyên tắc của nó" - ông Cung nói.

Xử lý nợ xấu, nợ công mới ở phần ngọn

Theo ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng CIEM, 2 rủi ro lớn nhất là khó khăn ngân sách và nợ công. "Bánh" nợ tăng rất nhanh, dòng tiền trả nợ bắt đầu có vấn đề. Nếu kỷ cương ngân sách không được thiết lập sẽ không thể kiểm soát được nợ công. Chính sách tiền tệ, theo phân tích của ông Thành, đang phải gánh nặng hỗ trợ phục hồi, các gói hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, xử lý nợ xấu, "trợ lực" từ trái phiếu Chính phủ đang làm méo mó, tăng rủi ro nợ xấu trong tương lai. 

Cho rằng cộng đồng DN, những người trực tiếp bị tác động, hoặc được hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu mong muốn cần thực hiện mạnh mẽ hơn trong giải quyết nợ xấu và các chính sách cho vấn đề này cần phải cụ thể hơn. TS Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế chỉ ra chức năng và năng lực tài chính của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) bị hạn chế, dẫn đến xử lý nợ xấu có xu hướng chậm lại. "Công ty mua bán nợ nhưng có số vốn điều lệ quá nhỏ nên chỉ mua được nợ bằng trái phiếu đặc biệt thì rất khó giải quyết được nợ. Trong khi đó, đa số các nước trên thế giới đã từng xử lý nợ xấu thành công thì họ phải sử dụng nguồn tiền mặt, dòng tiền từ bên ngoài hỗ trợ" - TS Trần Du Lịch nhận định. Về cơ bản, Nhà nước không cấp tiền để xử lý những tổn thất, rủi ro của hệ thống ngân hàng, song các cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu còn thiếu, chưa đủ hấp dẫn và tạo thuận lợi cho sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân.
 Tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng là một trong 3 trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế.     Ảnh: Trần Việt
Tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng là một trong 3 trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế. Ảnh: Trần Việt
Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý, bên cạnh việc xử lý nợ xấu thì xử lý sở hữu chéo đang là một trong 2 vấn đề nổi cộm và nan giải nhất của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Ông Kiên đề xuất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế được phép tiếp nhận phần vốn thoái của DNNN tại ngân hàng nhằm hỗ trợ quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý kinh tế tại các diễn đàn kinh tế sẽ cung cấp thêm nhiều luận cứ giúp hoàn thành các báo cáo cho cơ quan chức năng, các ĐB Quốc hội tham khảo tại các kỳ họp Quốc hội cũng như đề xuất cho Đảng, Nhà nước những giải pháp quan trọng, tạo tiền đề đưa ra những giải pháp đúng đắn cho vấn đề hết sức quan trọng là tái cơ cấu nền kinh tế.

 
"Tồn tại lớn của nền kinh tế hiện nay vẫn là “cục máu đông” nợ xấu, tín dụng tắc nghẽn, nợ công tăng cao khiến DN tiếp tục phá sản, dừng hoạt động. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một giải pháp nào giải quyết triệt để. Không thể tái cơ cấu khi tư duy không đổi mới, tái cơ cấu trong vỏ bọc thể chế cũ. Phải đổi mới tư duy con người, đổi mới thể chế, đây là điều kiện tiền đề mang tính quyết định độ thành công của tái cơ cấu. Tồn kho về thể chế là tồn kho lớn nhất, một cản trở lớn phát triển kinh tế." - TS Võ Đại Lược - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới