Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái cơ cấu ngành chăn nuôi để ổn định nguồn cung thực phẩm

Kim Ngân thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Mặc dù thiếu hụt một lượng lớn thịt lợn do DTLCP và nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp cuối năm, song, với việc chủ động tái cơ cấu thúc đẩy chăn nuôi gia súc, gia cầm... nên nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm không lo thiếu”. Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến trong cuộc trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị.

 
Thưa Thứ trưởng, hiện nay thị trường Trung Quốc đang khan hiếm thịt lợn và giá rất cao, theo ông, tình hình này liệu có ảnh hưởng đến giá lợn trong nước không?
- Giá lợn tại thị trường Trung Quốc đang chênh hơn 20.000 đồng so với thị trường Việt Nam. Điều này khiến nhiều người lo ngại các DN sẽ thu gom lợn ở Việt Nam xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, vừa qua, Trung Quốc áp dụng chính sách siết chặt nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, nên việc nhập khẩu thực phẩm vào nước này phải qua chính ngạch. Do đó, muốn xuất khẩu thịt lợn vào thị trường này phải đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm... Trong khi đó, tỷ lệ đàn lợn nước ta đáp ứng được những yêu cầu này rất thấp. Do đó, thị trường thịt lợn ở Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường Việt Nam.

Việc Trung Quốc siết chặt các quy định về nhập khẩu sẽ gây khó khăn cho các sản phẩm nông nghiệp nước ta, trong đó có lợn. Nhưng, nếu nhìn ở góc độ lạc quan thì điều này sẽ giúp Việt Nam thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, để bắt kịp thị trường, hướng tới xuất khẩu chính ngạch thay cho xuất khẩu tiểu ngạch như trước đây.

Vậy, để tăng khả năng xuất khẩu chính ngạch, ngành chăn nuôi lợn phải làm gì trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?

- Trước mắt, cần tập trung phát triển các sản phẩm chế biến nhằm tránh các rào cản đối với các quốc gia có hàng rào kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước ASEAN; tăng cường liên kết đối tác mở rộng hơn nữa thị trường truyền thống cho thịt lợn sữa và lợn choai đông lạnh. Tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn, có chứng nhận chất lượng. Đồng thời, cần đầu tư nghiên cứu sâu nhằm gắn sản xuất với nhu cầu và yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu. Tạo điều kiện cho các DN đã có sản phẩm gia cầm đi các thị trường trên thế giới mở rộng quy mô sản xuất, phát triển các sản phẩm.

Về lâu dài cần thay đổi tư duy sản xuất sang chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng tập trung, tăng cường chuỗi liên kết khép kín.

Hiện, DTLCP vẫn đang diễn biến khó lường, Thứ trưởng có dự báo gì về giá lợn và thị trường thực phẩm dịp cuối năm?

- Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu về các loại thực phẩm, trong đó có thịt lợn tăng khoảng 20 – 25%. Tuy nhiên, giá lợn sẽ không có khả năng tăng cao đột biến. Từ thực tiễn có thể thấy, mặc dù dự báo thịt lợn sẽ tăng cao, nhưng giá lợn hơi trong thời gian vừa qua vẫn chỉ quanh mốc trên dưới 50.000 đồng/kg. Điều này cho thấy nguồn cung thịt lợn vẫn khá dồi dào.

Xin cảm ơn ông!