Sản xuất gắn liền công nghệ
Thông tin tại Hội nghị Tái cơ cấu ngành chăn nuôi, NTTS trên địa bàn TP diễn ra ngày 18/12, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, tổng đàn gia súc, gia cầm, thủy sản vẫn có sự phát triển đáng khích lệ.
Ngoại trừ đàn lợn bị giảm khoảng 42% do bệnh dịch tả châu Phi, tổng đàn bò, gia cầm và thủy sản đều tăng, lần lượt ở mức 1,3%; 14,3% và 8,17% so với năm 2018. Trong khi đó, sản lượng trứng gia cầm cũng đạt trên 2 tỷ quả, tăng khoảng 20%.
Tỷ trọng ngành chăn nuôi, NTTS vẫn chiếm trên 54% tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. Chăn nuôi, NTTS dần chuyển đổi rõ nét sang chuyên canh, tập trung, phù hợp với xu hướng tái cơ cấu ngành, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế từng vùng sinh thái.
Đặc biệt, trong tái cơ cấu chăn nuôi, NTTS, ngành nông nghiệp chú trọng việc áp dụng công nghệ vào sản xuất. Năm 2019 tiếp tục ghi nhận thành công của Hà Nội trong việc nghiên cứu, sử dụng tinh phân ly giới tính đối với bò sữa, thụ tinh nhân tạo trên đàn gà, cấy truyền và ngâm hoocmon chuyển đổi giới tính trên thủy sản.
Cùng với đó, các giống lợn tiến bộ như Gen+ hay Pietrain kháng stress, bò BBB, bò Wagyu, gà D3000… cũng được người sản xuất sử dụng ngày một phổ biến trong chăn nuôi, giúp cải thiện năng suất, chất lượng vật nuôi.
Các chế phẩm sinh học, cây thảo dược đang ngày một được chú trọng sử dụng nhiều hơn để phục vụ chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sinh học. Bên cạnh đó, 38% các trang trại lợn và 35% trang trại chăn nuôi gà đã có hệ thống chuồng kín, máng ăn uống tự động. Công nghệ Biofloc, hay mô hình “sông trong ao” cũng đang được ứng dụng rộng rãi trong NTTS…
Liên kết DN xây dựng chuỗi giá trị
Định hướng đặt ra đối với ngành chăn nuôi, NTTS trong thời gian tới là xây dựng, phát triển sản phẩm theo hướng năng suất, chất lượng cao. Đối với mục tiêu trên, việc tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ vào thực tiễn sản xuất là một trong những giải pháp trọng tâm.
Theo đó, Hà Nội chủ trương khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng, quản lý chuồng trại, tiến tới chuồng trại có hệ thống cảnh báo và điều tiết nhiệt độ, độ ẩm. Đối với NTTS, sẽ lắp đặt hệ thống cảnh báo môi trường và ăn uống tự động, làm giàu oxy theo điều kiện môi trường.
Cùng với quy trình sản xuất, ngành nông nghiệp cũng khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin vào chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc, gia cầm, thủy sản. Triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm và hệ thống thương mại điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu được khống chế, việc đẩy mạnh tái cơ cấu chăn nuôi, tập trung vào nhóm gia súc lớn, gia cầm, thủy sản là rất cần thiết nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Đối với mục tiêu tái cơ cấu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh sản xuất con giống chất lượng cao. Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng và triển khai các chương trình, dự án phát triển lĩnh vực chăn nuôi, NTTS ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ, sinh học, bảo đảm phù hợp với điều kiện của TP. Cùng với đó, tổ chức sản xuất chăn nuôi, NTTS theo chuỗi giá trị, lấy DN làm đầu mối, đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia.
Hà Nội hiện đã phát triển được 76 xã chăn nuôi chủ lực với hơn 3.800 trang trại, 75 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô gần 5.400ha. Toàn TP cũng đã hình thành 52 chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; mỗi ngày cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 60 tấn thịt, 300.000 quả trứng và 78 tấn sữa. |