Ngày 16/6, Tập đoàn Năng lượng Gazprom (Nga) thông báo bắt đầu áp dụng hình thức trả trước đối với hợp đồng cung cấp khí đốt cho Ukraine, theo đó, Kiev sẽ phải trả tiền cho số lượng khí đốt định mua cho tháng sau vào trước ngày cuối cùng của mỗi tháng. Động thái này được các nhà quan sát nhận định là sự mở màn cho cuộc chiến khí đốt giữa Nga - Ukraine.
Quyết định trên của Gazprom được đưa ra sau khi Tập đoàn Năng lượng Naftogaz của Ukraine không thanh toán trước 1,951 tỷ USD trên tổng số 4,458 tỷ USD nợ quá hạn trước thời hạn chót được phía Nga quy định là 13 giờ ngày 16/6. Ngoài ra, Gazprom đã đệ đơn lên Tòa án trọng tài thương mại ở Stockholm (Thụy Điển) yêu cầu Naftogaz thanh toán nợ cũng như kiện Naftogaz không thực hiện đúng về các điều khoản nhập khẩu khí đốt theo hợp đồng đã ký với Gazprom trong hơn 2 năm qua. Án phạt cho việc làm sai quy định hợp đồng sẽ vào khoảng 18 tỷ USD. Phản ứng trước tuyên bố trên, phía Naftogaz cũng lập tức đâm đơn kiện lên Tòa án trọng tài thương mại ở Stockholm đòi Tập đoàn Gazprom bồi thường 6 tỷ USD bù lại khoản tiền mua khí đốt quá cao trước đây và cho biết sẽ yêu cầu tòa án trên thiết lập một cái giá công bằng cho lượng khí đốt mua của Nga trong tương lai.
Đây không phải là lần đầu tiên giữa Nga và Ukraine diễn ra tranh chấp liên quan đến khí đốt, nhưng không giống với hành động ngừng cung cấp khí đốt của Nga năm 2006 và năm 2009, cuộc chiến lần này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng hơn nhiều và liên quan tới yếu tố chính trị. Theo đó, mối đe dọa nguồn cung tới châu Âu sẽ làm tổn hại tới uy tín của Nga, thúc đẩy châu Âu đa dạng hóa các nguồn năng lượng thay cho Nga trong dài hạn. Trong khi đó, nằm ở vị trí trung gian, Liên minh châu Âu liên tục phải đề xuất những phương án nhằm giúp Nga và Ukraine giải quyết vấn đề giá khí đốt. Hiện nay, khoảng 30% khí đốt tại châu Âu được nhập khẩu từ Nga, tuy nhiên, một số quốc gia tại miền Đông và Trung Âu đang hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung của Gazprom. Khoảng một nửa lượng khí đốt tại châu Âu được trung chuyển qua đường ống tại Ukraine, do vậy, châu Âu luôn lo ngại về khả năng Nga sẽ dừng cung cấp khí đốt cho Ukraine, ảnh hưởng tới nguồn cung cho khu vực này. Trong cuộc chiến khí đốt giữa Nga và Ukraine diễn ra vào mùa Đông năm 2006 và 2009, hàng triệu gia đình châu Âu đã không có năng lượng để sưởi ấm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu các cuộc chiến dầu mỏ kéo dài, nhiều khả năng sẽ dẫn tới việc thay đổi cục diện thị trường năng lượng thế giới. Thay vì tập trung vào thị trường châu Âu và Ukraine như trước đây, Nga đang dần phải chuyển hướng sang tiến hành các dự án năng lượng tại châu Á. Về phía châu Âu, trong bối cảnh căng thẳng giữa Ukraine và Nga leo thang, khu vực này sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm các nguồn khí đốt thay thế, thậm chí nhập khẩu khí đá phiến sét (chiết xuất ra dầu mỏ) từ Mỹ. Trong khi lãnh đạo Ukraine sẽ tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Moscow và cuối cùng, có thể Nga sẽ là bên chịu thiệt hại nhiều nhất. Trên thực tế, một số quan chức Ukraine khẳng định, Kiev đã sẵn sàng cho cả tình huống xấu nhất là Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine. Thủ tướng Yatsenyuk cũng cho biết, Ukraine sẽ đa dạng hóa các nguồn năng lượng của mình bằng cách mua khí đốt từ Ba Lan, Hungary và Slovakia. Đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng của nước này soạn thảo dự luật về tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết sẽ đề xuất một kế hoạch hòa bình chi tiết trong tuần này, trong đó có lệnh ngừng bắn với lực lượng đối lập ở miền Đông Ukraine. Đặc biệt, ngày 17/6, một phái đoàn của Ukraine tới Budapest (Hungary) trong một nỗ lực nhằm kêu gọi các công ty châu Âu bán khí đốt cho Kiev. Trước đó, Tập đoàn Năng lượng Naftogaz của Ukraine cho biết các công ty châu Âu sẵn sàng cung cấp khí đốt cho Ukraine với mức giá hợp lý là 320 USD/1.000m³. Cũng theo tập đoàn này, Naftogaz đã là một khách hàng của Tập đoàn Khí đốt Đức RWE và Công ty Gaz de France của Pháp.
Kinhtedothi - Một đường ống dẫn khí đốt của Nga. Ảnh: AP |