KTĐT - Sáng qua, 9/2 tức mùng 7 tháng Giêng năm Tân Mão, rất đông người dân và du khách đổ về xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam) tham dự Lễ hội Tịch điền - lễ hội xuống đồng cầu cho mùa màng bội thu đầu Xuân.
Theo ghi chép trong cuốn "Việt lược sử" biên soạn vào thời Trần, năm Đinh Hợi (987) vua Lê Đại Hành về cày tịch điền ở Đọi Sơn, mở đầu phong tục đẹp để các vị vua triều đại sau noi gương khuyến nông. Đây là năm thứ ba người dân làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn phục dựng lại lễ hội truyền thống này. Năm 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng tham dự và xuống đồng cày ruộng.
Lễ hội Tịch điền được tổ chức sau Tết Nguyên đán với các tiết mục múa rồng, rước kiệu và dâng lễ vật. Ngay trên bờ ruộng theo phong tục đàn cầu an xưa với lá cờ phướn chủ đạo mang dòng chữ "Thần nông" nổi bật chính giữa lễ đài, tung bay đón gió, hai bên cờ nhỏ với những câu mang ý nghĩa đề cao vị thế của nông nghiệp- nông thôn- nông dân. Đúng 7 giờ sáng, lễ rước linh vị của vua Lê Đại Hành từ chùa Đọi xuống khu làm lễ tịch điền được cử hành uy nghiêm, trang trọng bao gồm dàn trống hơn 50 chiếc của đội trống nữ của thôn Đọi Tam cùng hòa tấu rền vang. Xung quanh bờ ruộng là 280 lá cờ thần được xếp đều, người cầm cờ cũng được tuyển chọn từ 7 thôn trong xã. Sau màn múa rồng, đại diện lãnh đạo UBND huyện Duy Tiên trịnh trọng đọc văn trình vua Lê Đại Hành, kính cáo tổ tiên xin phép tiến hành khai hội, lễ dâng hương diễn ra trang trọng, uy nghi.
Điểm thu hút người dân nhất tại Lễ hội là 15 chú trâu béo, khoẻ mạnh, rắn chắc được tuyển chọn cách đây một tháng đã sẵn sàng cho những đường cày thẳng tắp. Trong tiếng reo hò cổ vũ cùng tiếng trống rền vang, bô lão Đinh Trọng Tế ở thôn Đọi Nhất, năm nay đã 83 tuổi khoác áo Long bào nhập linh khí quân vương khoan thai đi đường cày đầu tiên. Tiếp đó là những đường cày của lãnh đạo tỉnh Hà Nam, huyện Duy Tiên và đông đảo người dân tham gia lễ hội, lật lên những lớp đất nâu, tơi xốp, phơi mình trong nắng Xuân.
Trong không khí đầu Xuân, Lễ hội Tịch điền chứa đựng nhiều phong tục đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam, nhắc lại truyền thống tốt đẹp của cha ông, đó là từ vị vua đến người nông dân đều yêu lao động, cần cù lao động trên mảnh đất thân yêu của mình. Năm nay, Lễ hội Tịch điền được tổ chức như có ý nghĩa hơn, được coi là một sự kiện chính trị nhằm tiếp tục tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khoá X) của Đảng về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn".