Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự chương trình.
Với sự tham gia trực tiếp của gần 3.000 diễn viên chuyên nghiệp và các chiến sỹ đại diện các lực lượng Hải quân, Lục quân, Không quân, Đặc công, Biên phòng, cùng với khối lượng lớn vũ khí, khí tài, đạo cụ…, chương trình là dịp đặc biệt để người dân cả nước cùng tự hào nhìn lại chặng đường vẻ vang của một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Với 3 phần nội dung chính: "Con đường độc lập", "Con đường thống nhất" và "Con đường tiến lên kỷ nguyên mới", chương trình mang đến những màn biểu diễn quy mô lớn, tái hiện trận đánh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam với chủ đề “Trận đầu phải thắng”; tình yêu và tinh thần quyết chiến quyết thắng Điện Biên Phủ; tinh thần sẵn sàng hy sinh để bảo vệ những đoàn tàu 0 số, những con đường bí mật trên bộ, trên biển và cả những mất mát thầm lặng trong ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Qua đó, lan tỏa thông điệp: tình yêu con người, tình yêu gia đình, tình yêu đất nước là sức mạnh tinh thần của những chiến sỹ Bộ đội cụ Hồ trong suốt 80 năm qua. Đồng thời khẳng định tình cảm đặc biệt của mỗi người dân Việt Nam đối với những người chiến sỹ Bộ đội cụ Hồ.
Chương 1 “Con đường độc lập”, thông qua các vở nhạc kịch, tiết mục: “Trận đầu phải thắng”, “Cờ Việt Minh”; “Từ nhân dân mà ra”; “Đâu có giặc là ta cứ đi”... tái hiện lại trận đánh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (lúc đó là đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân) với trận Phay Khắt – Nà Ngần; câu chuyện về làng Vân Sa với những người dân dùng cả cờ thần và quần áo thành hoàng làng để ủng hộ phong trào “Mùa đông binh sỹ”; niềm vui của dân tộc với chiến thắng Điện Biên Phủ.
Các tiết mục “Ta ra trận hôm nay”; “Bản hùng ca trên biển”; “Câu chuyện ‘Thời cơ’” của chương 2 “Con đường thống nhất” đã tái hiện lại con đường 559 huyền thoại cùng các lực lượng kiên cường trụ bám trận địa, trụ bám mặt đường, giữ vững thông suốt cho mạch máu giao thông với ý chí “Dù đốt cháy cả dãy trường sơn cũng phải thống nhất đất nước”; câu chuyện về bến Lộ Diệu tại Bình Định nơi có những chuyến đi bí mật và sự đùm bọc bất chấp nguy hiểm của nhân dân với bộ đội; câu chuyện "cái Trí - cái Tài" và nghệ thuật quân sự của quân đội ta tại căn hầm huyền thoại D67.
“Con đường tiến lên kỷ nguyên mới” là tên của chương 3, với các tiết mục “Mệnh lệnh từ trái tim”; “Những con đường màu xanh” (Đội quân lao động, sản xuất)... khắc họa hình ảnh người lính Bộ đội cụ Hồ với sự đồng cam cộng khổ với nhân dân, xả thân trong hiểm nguy để cứu tính mạng, tài sản của nhân dân; về kỳ tích 20 năm đường tuần tra biên giới cùng Thiếu tướng Hoàng Kiền và những dự án phục vụ chiến đấu, phục vụ dân sinh; về 10 Lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tại chương trình, còn có giao lưu điển hình 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, với câu chuyện của một già làng cả đời cùng bộ đội bảo vệ và xây dựng đất nước.
Nhạc kịch là một điểm nhấn nghệ thuật của chương trình. Nhân vật em bé Hồng, dựa trên hình tượng nhân vật trong hồi ký "Từ nhân dân mà ra" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được chọn làm hình tượng nghệ thuật xuyên suốt. Bên cạnh đó, những câu chuyện có thật về đám cưới trên hầm Đờ-cát của cặp vợ chồng: nữ quân y Nguyễn Thị Ngọc Toản và Đại đoàn phó Đại đoàn Quân tiên phong Cao Văn Khánh; những bức thư cho người ở lại, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ khi làm nhiệm vụ cứu trợ đồng bào trong bão lũ... được lấy làm nguồn cảm hứng sáng tạo, thể hiện trọn vẹn hình ảnh đẹp, đầy tự hào về người chiến sĩ Bộ đội cụ Hồ.