Hiện vật quý lần đầu trưng bày
Triển lãm "Kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam" là một trong chuỗi các sự kiện ý nghĩa kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam. Dịp này, công chúng sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng nhiều tư liệu, hiện vật, tái hiện sinh động quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris.
Đặc biệt, trong số 140 bức ảnh, 21 lời trích, 23 hiện vật, 3 tài liệu, 8 cuốn sách có những hiện vật lần đầu tiên được trưng bày như: Bản gốc Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, con dấu và biển tên của đoàn Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam, hai cây bút đã được đoàn Việt Nam sử dụng để ký Hiệp định và Định ước quốc tế công nhận Hiệp định, chiếc xoong nhôm dùng để quấy xi niêm phong bản Hiệp định và cuốn sổ tập hợp 10.000 chữ ký của nhân dân Cuba phản đối chiến tranh và ủng hộ nhân dân Việt Nam.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tại triển lãm ảnh. Ảnh: Hạnh Phúc
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, Phó trưởng Ban Thường trực Ban tổ chức cấp Nhà nước về hoạt động Kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi hy vọng đến với triển lãm, người xem có thể cảm nhận được toàn cảnh cuộc đấu tranh bền bỉ, kiên cường, mưu trí, khôn khéo và bản lĩnh của những nhà ngoại giao cách mạng Việt Nam trên bàn đàm phán, sự kết hợp tài tình giữa ba mặt trận quân sự - chính trị - ngoại giao, sự ủng hộ, cổ vũ của loài người tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và công lý đối với nhân dân Việt Nam, cả những giây phút khó khăn cũng như những giây phút xúc động, hân hoan trong niềm vui chiến thắng".
Cảm xúc dâng trào
Trong các nhân chứng lịch sử của sự kiện này có những người đã đi xa, thế nên triển lãm càng có ý nghĩa hơn khi có sự góp mặt của những nhân chứng năm xưa. Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Nguyên Trưởng phái đoàn Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam không khỏi xúc động: "Được gặp lại các anh, các chị đã từng kề vai sát cánh 40 năm về trước còn gì vui sướng hơn".
Ông Lê Văn Chín, Nguyên cán bộ bảo mật, đoàn đàm phán Hiệp định Paris trong suốt 4 năm 8 tháng và 16 ngày ấy, tâm sự: "Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi trở về quê hương Nghệ An sinh sống. Thật phấn khởi khi được mời đến tham dự triển lãm này.
Chúng tôi cảm thấy sung sướng biết bao khi được gặp nhau tay bắt mặt mừng và cùng ôn lại kỷ niệm". Cùng chung dòng cảm xúc ấy, Bà Lê Thị Minh Hằng, nguyên cán bộ đoàn đám phán bày tỏ: "Kỷ niệm sâu sắc nhất trong tôi là chuyến sang Bungari gồm Trưởng đoàn, thư ký, bảo vệ. Khi đến Thụy Sĩ, không hiểu vì lý do gì mà đoàn bị ép xuống sân bay, 10 phút sau lại được đưa lên máy bay.
Rồi khi đến Bungari, vừa ngồi vào bàn uống nước lại có việc nên phải về Pháp ngay. Đó là chuyến công du vất vả nhất mà tôi được trải nghiệm".
Có mặt tại triển lãm, ông Saadi Salama, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestin không ngần ngại chia sẻ cảm nhận: "Hồi tôi còn là một học sinh 11 hay 12 tuổi gì đó, tôi đã từng theo dõi những chiến dịch quân sự của các chiến sĩ Việt Nam. Tôi cũng đã chứng kiến quá trình ký Hiệp định Paris qua báo chí và màn ảnh nhỏ. Những cống hiến của nhân dân Việt Nam và những giọt máu người Việt Nam đổ xuống vì Tổ quốc thật đáng được tôn vinh. Cuối cùng, đất nước Việt Nam đã có được vinh quang, nhân dân Việt Nam đã khẳng định lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" qua tất cả các thời kỳ lịch sử".