Tại Hội thảo, đại diện Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ) cho biết: Huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) là quy định bắt buộc phải thực hiện theo Bộ Luật Lao động và Luật ATVSLĐ để cung cấp, trang bị các kiến thức và kỹ năng thực hành cho NSDLĐ và NLĐ về trách nhiệm và nghĩa vụ, chính sách, pháp luật chế độ, nghiệp vụ công tác ATVSLĐ, các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc và các quy trình, biện pháp làm việc ATVSLĐ, ứng phó, xử lý sự cố...
|
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Mai Đức Chính chủ trì Hội thảo |
Thời gian qua, hoạt động của tổ chức công đoàn trong công tác ATVSLĐ góp phần phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho NLĐ đã được Đảng, nhà nước, NLĐ ghi nhận; đặc biệt Luật ATVSLĐ đã quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong công tác ATVSLĐ tại một số điều. Hoạt động tuyên truyền, huấn luyện, đào tạo về ATVSLĐ được Tổng LĐLĐ và các cấp công đoàn triển khai thực hiện thường xuyên với nhiều nội dung, hình thức phong phú; các cấp công đoàn chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tập huấn về ATVSLĐ với gần 100.000 cuộc (lớp) cho gần 6.500.000 lượt NSDLĐ, NLĐ, cán bộ công đoàn trong mười năm qua.
Mặc dù vậy, tình hình TNLĐ xảy ra hàng năm đang ngày càng có xu hướng gia tăng cả về số vụ cũng như mức độ nghiêm trọng. Nếu ở giai đoạn 1995-2005, trung bình có 2.600 vụ TNLĐ/năm, làm 260 người chết thì đến giai đoạn 2006-2016 đã lên tới 6.000 vụ/năm, làm 600 người chết; thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng/năm và mất khoảng 100.000 ngày công nghỉ vì TNLĐ/năm. Song, đây mới chỉ là con số thống kê được từ khoảng 5-7% số DN có báo cáo hàng năm. Ngoài ra, số NLĐ bị mắc bệnh nghề nghiệp thuộc danh mục 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm tích lũy đến nay đã có trên 30.000 trường hợp.
Theo các chuyên gia, thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, quan trọng nhất là do thiếu tiêu chuẩn và quy chuẩn về ATVSLĐ và chưa phù hợp cho từng ngành nghề, công việc, máy, thiết bị, hóa chất; do năng lực quản lý nhà nước về ATVSLĐ chưa đáp ứng được yêu cầu gia tăng nhanh chóng về số DN và công nhân lao động; chế tài chưa đủ mạnh; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm ATVSLĐ chưa kịp thời, nghiêm minh nên thiếu tính răn đe, giáo dục.
Bên cạnh đó, do nhận thức và ý thức chấp hành quy định về ATVSLĐ của nhiều DN, NSDLĐ, NLĐ chưa tốt; NLĐ thiếu tác phong công nghiệp; tổ chức công đoàn ở nhiều nơi chưa chủ động phối hợp tốt với cơ quan chức năng; NSDLĐ tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ cũng như chưa thực hiện tốt việc giám sát, đôn đốc công tác và chất lượng huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ...
Thống kê hàng năm, TNLĐ do nguyên nhân công tác huấn luyện ATVSLĐ không tốt chiếm khoảng 15% tổng số TNLĐ. Chính sách xã hội hóa hoạt động huấn luyện về ATVSLĐ có thể huy động được các nguồn lực trong xã hội cho công tác huấn luyện ATVSLĐ, tuy kiểm soát được “đầu vào” thông qua thẩm định của Cục ATLĐ (Bộ LĐTB&XH) hay Sở LĐTB&XH về điều kiện bảo đảm cơ sở vật chất, giảng viên huấn luyện, nhưng cũng đặt ra vấn đề khó kiểm soát chất lượng “đầu ra” của các hợp đồng dịch vụ huấn luyện này.
Với chủ đề Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ 1 năm 2017 là “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa TNLĐ và bệnh nghề nghiệp”, để thực hiện tốt trách nhiệm của tổ chức công đoàn, góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện ATVSLĐ, Tổng LĐLĐ tổ chức Hội thảo này nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ giảng dạy, đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ, cán bộ công đoàn làm công tác bảo hộ lao động, cán bộ công đoàn cơ sở...
Các đại biểu đã thảo luận những nguyên nhân, giải pháp để công đoàn thực hiện tốt vai trò trong công tác ATVSLĐ, cụ thể là: Quy định của pháp luật về công tác huấn luyện ATVSLĐ hiện nay đã phù hợp chưa, quá trình thực hiện có gì vướng mắc, bất cập; quy định về trách nhiệm và sự phối hợp giữa tổ chức công đoàn với cơ quan chức năng và NSDLĐ trong việc tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ cho cán bộ công đoàn, NLĐ, ATVS viên có những điểm gì chưa phù hợp; kết quả, thực tiễn công đoàn thực hiện việc đôn đốc công tác huấn luyện và giám sát quá trình, chất lượng huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ; thực tiễn thực hiện các quy định về công tác huấn luyện ATVSLĐ.
Đặc biệt, tại đây có nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để nâng cao chất lượng công tác huấn luyện ATVSLĐ cũng như giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong công tác này.
“Những ý kiến tại Hội thảo sẽ cung cấp thêm thông tin, cơ sở, giải pháp để Tổng LĐLĐ kiến nghị Nhà nước sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác ATVSLĐ nói chung, công tác huấn luyện ATVSLĐ nói riêng cho phù hợp; cũng để chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm, góp phần phòng ngừa hiệu quả TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Mai Đức Chính nhấn mạnh.