Ước tính mới về tài sản thực của nhà độc tài Lybia có thể gây sốc đối với nhiều người và cao hơn so với những đồn đoán trước đó. "Từ trước đến nay chưa ai có thể tưởng tượng được con số lớn như thế", một người trong nhóm nghiên cứu về số tài sản trên nói với tờ Los Angeles Times. Nếu đem số tiền này chia đều để cho 6,5 triệu người dân Lybia, mỗi người sẽ nhận được khoảng 30.000 USD.
Nếu tính toán của nhóm nghiên cứu được chứng minh là chính xác, Gadhafi có thể trở thành người giàu nhất thế giới hiện nay. Trước đó hồi tháng 3, thống kê tỷ phú thế giới mới nhất của Forbes cho thấy người giàu nhất hành tinh hiện nay là Carlos Slim, đại gia người Mexico với tổng tài sản 74 tỷ USD. Còn mới đây nhất theo thống kê vào tháng 10, ông Carlos Slim vẫn là người giàu nhất nhưng tài sản chỉ còn trên 63 tỷ USD. Với Moammar Gadhafi, trong suốt 42 năm cầm quyền của mình, ông này đã tham nhũng tiền cứu trợ và vốn đầu tư nước ngoài làm của riêng, tờ Los Angeles Times nhận định. Trong khi đó, Libya dù có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất châu Phi nhưng một phần ba dân số nước này sống dưới mức nghèo khổ. Theo điều tra mới nhất của nhóm các nước Mỹ, châu Âu và chính quyền chuyển tiếp Lybia, trong thời gian tại vị, mỗi năm Gadhafi bí mật chuyển hàng chục tỷ USD ra nước ngoài và thực hiện nhiều phi vụ đầu tư bí mật tại các nước lớn và cả ở Trung Đông, Đông Nam Á. Hầu hết những khoản tiền trên nằm dưới tên một cơ quan chính phủ như Ngân hàng trung ương Libya, Cục Đầu tư Libya Ngân hàng Ngoại thương Libya hay Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Libya và Cơ quan Đầu tư Châu Phi Libya. Không trực tiếp đứng tên nhưng ông Gadhafi và gia đình có chủ quyền tối đa với những khoản tiền này. Kết quả điều tra cũng cho thấy đầu tư ra nước ngoài của cựu lãnh đạo Libya tăng mạnh trong những năm trở lại đây. Hầu hết các khoản tiền tìm thấy tại Mỹ được khởi tạo trong vòng 4 đến 5 năm gần nhất. Con số 200 tỷ USD tài sản của nhà cựu lãnh đạo Libya mới được công bố lớn gấp đôi thống kê mà phương Tây ước tính trước đây. Năm ngoái, Chính quyền Obama phát hiện ra khoảng 37 tỷ USD tài sản của chính quyền Libya cất giấu dưới dạng tài khoản ngân hàng, khoản đầu tư và nước Mỹ đã nhanh chóng đóng băng khối tài sản này. Sau đó không lâu, Pháp, Italy, Anh và Đức cũng phong tỏa khoảng 30 tỷ USD khác. Trong số các khoản đầu tư tại châu Âu của Gadhafi có cổ phần tại câu lạc bộ bóng đá Juventus, Ngân hàng UniCredit của Italy và nhà xuất bản Pearson, hãng sở hữu tờ Financial Times của Anh quốc. Ngoài ra, ông này còn khoảng 30 tỷ USD nữa cất giấu ở nhiều nước trên thế giới. Người ta cũng tin rằng Moammar Gadhafi còn một lượng lớn tài sản dưới dạng vàng tại Lilya. Steven Cook, chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế (một tổ chức độc lập chuyên nghiên cứu vấn đề ngoại giao) cho biết chính quyền Gadhafi từng đổ rất nhiều tiền đầu tư vào các quốc gia châu Phi láng giềng với mục đích thiết lập liên minh.
Trong nhiều năm liền, phương Tây không những cất công lần theo từng khoản tiền của Moammar Gadhafi mà còn ra sức thuyết phục các nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Nga phong tỏa tải sản của ông này theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc. Riêng một số quốc gia châu Phi tỏ ra khá lưỡng lự trong việc đóng băng tài khoản vì lòng trung thành của họ với nhà lãnh đạo này. Một số khác sợ rằng phong tỏa tài sản của Moammar Gadhafi sẽ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế nước họ. Kết quả mới nhất về tài sản của Moammar Gadhafi được đưa ra vài ngày sau khi nhà cựu lãnh đạo này bị giết chết tại Libya. Về nguyên tắc, chính quyền chuyển tiếp sẽ được sở hữu khối tài sản khổng lồ mà chế độ cũ để lại. Tuy nhiên, việc trao tay tài sản có thể gặp nhiều khó khăn vì rào cản pháp lý. Hôm thứ sáu, các quan chức Mỹ và châu Âu tuyên bố sẽ nhanh chóng chuyển những tài sản đã bị phong tỏa từ trước đó cho chính phủ chuyển tiếp. Nhưng cho đến nay, Liên Hợp Quốc chỉ mới giải phóng khoảng 1,5 tỷ USD từ tài khoản ngân hàng tại Mỹ và Chính quyền Obama chuyển thêm 700 triệu USD.