Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tại sao Nga không thể cắt giảm sản lượng dầu theo cam kết cùng OPEC?

Nguyễn Thu (Theo Oilprice)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Moscow đã nhiều lần giải thích do thời tiết và điều kiện địa chất trong mùa đông lạnh giá nên không thể cắt giảm sản lượng dầu mỏ quá nhanh.

Theo nguồn tin trong ngành dầu mỏ tiết lộ với hãng Reuters, sản lượng dầu thô của Nga tính đến ngày 20/4 đạt mức khoảng 11,24 triệu thùng dầu/ngày. Điều này có nghĩa là nhà lãnh đạo của nhóm các nước sản xuất dầu chủ chốt ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn chưa thể thực hiện đúng theo cam kết cắt giảm sản lượng đã được thống nhất từ cuối năm ngoái.
Theo thỏa thuận với OPEC, Nga đã đồng ý giảm khoảng 230.000 thùng/ngày  xuống còn 11,191 triệu thùng dầu/ngày.
Theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng cùng OPEC, Nga đã đồng ý giảm khoảng 230.000 thùng/ngày từ mức kỷ lục 11,421 triệu thùng dầu/ngày, xuống còn 11,191 triệu thùng dầu/ngày.
Tổ chức OPEC và các nhà sản xuất dầu toàn cầu lớn khác dẫn đầu là Nga đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu 1,2 triệu thùng/ngày bắt đầu tư ngày 1/1/2019 trong 6 tháng. Moscow đã nhiều lần nói rằng do thời tiết và điều kiện địa chất trong mùa đông khắc nghiệt , các nhà sản xuất dầu Nga không thể cắt giảm sản lượng dầu quá nhanh.
Bộ Năng lượng Nga cho biết, sản lượng dầu của nước này trong tháng 3 đã giảm xuống 11,298 triệu thùng/ngày, nhưng không đạt mục tiêu theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu.
Sản lượng dầu trong tháng 3/2019 giảm khoảng 112.000 thùng/ngày so với mức tháng 10/2018, mức cơ sở của thỏa thuận khai thác dầu toàn cầu. Tính đến cuối tháng 3/2019, Nga đã cắt giảm sản lượng 225.000 thùng/ngày so với mức trung bình trong tháng 10/2018.
Tuy nhiên, Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết rằng sản lượng dầu của quốc gia này trong tháng 4 sẽ phù hợp với thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của các nước OPEC và các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga - Nhóm OPEC+.
Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Nga, nhà sản xuất dầu lớn nhất Rosneft cắt giảm sản lượng khoảng 0,45% trong tháng 3/2019 so với tháng trước đó. Các nhà sản xuất khác đã giảm sản lượng 0,63% trong tháng 3.
Trong khi đó, theo khảo sát của Reuters, sản lượng dầu của OPEC giảm xuống mức thấp nhất 4 năm trong tháng 3 do nhà xuất khẩu hàng đầu Ả Rập Saudi cắt giảm quá mức phân bổ trong thỏa thuận nguồn cung, trong khi sản lượng của Venezuela giảm tiếp do các lệnh trừng phạt và tình trạng mất điện.
Sản lượng giảm mạnh nhất của các nước tham gia thỏa thuận là Ả Rập Saudi khi giảm hơn 220.000 thùng/ngày so với mức khai thác trong tháng 2/2019.
Các nguồn tin trong ngành năng  lượng cho biết, Ả Rập Saudi đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục Nga kéo dài thỏa thuận cắt giảm nguồn cung và Moscow có thể chỉ đồng ý gia hạn 3 tháng.
Trong vài tuần qua, nhiều báo cáo nói rằng Nga hiện đang tỏ ra miễn cưỡng trong việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng với OPEC sau khi hết hiệu lực vào tháng 6 tới.
Hôm 15/4 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết Nga và OPEC có thể quyết định tăng sản lượng để cạnh tranh thị phần với Mỹ. Bộ trưởng Siluanov cũng khẳng định trong bối cảnh gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, Nga cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản giá dầu biến động trong nửa cuối năm nay. “Chúng tôi đã chuẩn bị ngân sách, nguồn dự trữ và cán cân thanh toán để đối phó với việc giá dầu lao dốc”, Bộ trưởng Siluanov cho hay.
Bên cạnh đó, trong năm nay Moscow có kế hoạch khai thác Quỹ tài sản quốc gia với 3,3 tỷ USD (210 tỷ Rúp) để trả cho các công ty dầu mỏ trong theo thỏa thuận giữ giá xăng và dầu diesel ở mức thấp, theo Alexey Sazanov, người đứng đầu bộ phận thuế của Bộ tài chính Nga. Trước đó hồi tháng 11/2018, sau khi giá dầu nhảy vọt lên mức cao nhất trong 4 năm, chính phủ Nga và các công ty lọc dầu đã đồng ý “đóng băng” các hợp đồng bán buôn nhiên liệu nhằm ngăn chặn nạn đầu cơ giá dầu.