Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tấm lòng nhân ái của cô gái "xương thủy tinh"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nguyễn Thị Thu Thương – cô gái bị bệnh “xương thủy tinh" không chỉ khiến nhiều người khâm phục bởi nỗ lực vươn lên trong cuộc sống mà còn bởi tấm lòng nhân ái cô dành cho những người đồng cảnh ngộ.

Sinh năm 1983, lên 8 tuổi, Thương sớm nhận ra sự khác biệt của mình vì đôi chân không phát triển. Nhất là lúc các bạn trêu đùa, chạm mạnh vào người, Thương co dúm lại vì đau buốt. Càng lớn lên, cảm nhận về bệnh tật của Thương càng khác. Hồi nhỏ, đó là sự đau đớn đến tột cùng về thể xác sau mỗi cuộc điều trị tại bệnh viện.

 
Tấm lòng nhân ái của cô gái "xương thủy tinh" - Ảnh 1
 
Website thuongthuong.net- Nơi giúp Thương Thương quảng bá sản phẩm của người khuyết tật.

Với Thu Thương, cuộc sống sẽ chỉ bó gọn trong gian phòng vài mét trên tầng 2 của nhà số 13, ngõ 11 Lương Định Của nếu Thương không lạc quan và tự an ủi bản thân rằng: “Cuộc sống không chờ đợi mình”. Năm 2003-2004, Thương đến lớp học nghề thủ công làm đèn kết từ những chiếc khuy áo với mong muốn đỡ đần được một phần kinh tế cho gia đình. Bằng tinh thần lạc quan ấy, cô đã nỗ lực học nghề thủ công và chỉ sau 4 tháng, Thương đã có thể làm ra chiếc đĩa nhỏ bằng cúc áo đầu tiên.

Kiên trì, nhẫn nại, cô bé nằm bất động đã “đứng dậy” bằng nghề đan len và kết cúc áo, tạo dấu ấn cho sản phẩm “Thương Thương’s Handmade”. Một chiếc đèn đính khuy Thương kiên trì trong 2 tuần. Một chiếc khăn len với kiểu dáng hiện đại hết 3 ngày. Không dừng lại ở đó, cùng sự trợ giúp của sinh viên tình nguyện, tháng 10 năm 2008, Thương xây dựng thành công website thuongthuong.net. Đây là nhịp cầu miễn phí cho người khuyết tật quảng cáo sản phẩm và là diễn đàn chia sẻ niềm tin cuộc sống. Trung bình, một tháng, bán sản phẩm thủ công đem lại cho Thương khoảng 600.000 đồng đỡ đần gia đình. Số tiền không nhiều, nhưng nó giúp Thương có thêm sự quan tâm của bạn bè khắp mọi nơi qua Internet. Không những vậy, cô còn cố gắng dành dụm tiền để làm từ thiện.  Thương tâm sự: “Thương là một người có một số phận bất hạnh nhưng nghe trên báo đài thì thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người nên Thương cũng muốn dùng đồng tiền do chính tay Thương làm ra để giúp đỡ mọi người”. Thương còn giúp nhiều người khó khăn hơn có thêm thu nhập từ việc đặt làm sản phẩm thủ công. 

Tháng 4 năm 2012, Thương cùng một số bạn trẻ vận động gây quỹ Thương Thương và mở lớp dạy nghề miễn phí cho 5 người.  Lớp học nằm trọn vẹn trong căn phòng rộng chưa đầy 10m2, nơi mà Thương trưng bày các sản phẩm của bản thân và người khuyết tật. Tất cả học trò của Thương đều là người khuyết tật đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Họ là những người luôn mong muốn có nghề nghiệp để nuôi sống bản thân nhưng lại không có điều kiện để đi học. Vì thế, quỹ Thương Thương không chỉ dạy nghề miễn phí mà lo kinh phí ăn ở, sinh hoạt và đi lại cho các học viên. Số tiền thu được từ bán sản phẩm thông qua các kênh bán hàng, trong đó cả website thuongthuong.net được trích vào quỹ để tiếp tục duy trì lớp học.

Để có một lớp dạy nghề cho 5 thành viên trong hai tháng, ngoài nguồn kinh phí trích từ quỹ Thương Thương, cô gái “xương thủy tinh” này đã nỗ lực kêu gọi sự giúp đỡ từ nhiều nhà hảo tâm. Hạnh phúc của Thương, giờ đây, vỏn vẹn là: “Mọi người biết đến Thương không phải vì Thương mắc bệnh xương thủy tinh mà là sản phẩm của Thương và công nhân của Thương làm ra.”  Thu Thương luôn tâm niệm rằng: “Nếu cho con cá, người ta sẽ ăn hết, còn cho cần câu thì sẽ nuôi sống họ suốt đời. Em mong muốn giúp các bạn có một nghề nhất định để tự tin hơn trong cuộc sống”.

Với những đóng góp cho nhiều người khuyết tật, Nguyễn Thị Thu Thương đã được trao tặng nhiều Bằng khen của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Hà Nội, giải thưởng “Tôn Vinh Anh Hùng (Thầm lặng) năm 2008…