Câu chuyện cảm động khó quên về ông Nguyễn Hữu Khanh - nhân viên Công ty Môi trường Tân Hội (Đan Phượng, Hà Nội) trả lại một tài sản có giá trị lớn cho chủ nhân là gia đình anh hùng liệt sĩ Hoàng Hữu Chuyên (Liên Trung, Đan Phượng, Hà Nội) khiến nhiều người nể phục. “Đói cho sạch, rách cho thơm” Có lẽ là từ rất nhỏ, ai trong chúng ta cũng được dạy “nhặt được của rơi trả người đánh mất”. Tôi biết, lòng tham vốn dĩ ẩn sâu trong mỗi con người và rất dễ khởi phát khi gặp điều kiện thuận lợi. Vào lúc chỉ còn “ta đối diện với mình” trước mối lợi quá lớn, làm sao có thể kìm nén, xóa bỏ lòng tham để trở nên đàng hoàng? Đó là điều không dễ với bất kỳ ai. Hành động ấy với mỗi cá nhân đã thực là đáng quý. Khi nghe tôi có nhã ý muốn nghe câu chuyện nhặt được tiền mang trả lại người đánh mất, ông Khanh cười, có ý không muốn. Bởi, với ông đó không phải là công trạng. “Đối với tôi, nhặt được của rơi phải trả lại, đó là đạo lý, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người. Tôi cũng luôn giáo dục con cái mình như vậy. Tôi nghĩ việc làm của mình là hết sức bình thường, ai trong hoàn cảnh của tôi cũng sẽ hành động như vậy!”. Ông Khanh khiêm tốn.
Vào một buổi chiều cuối năm, trong lúc thu gom rác, ông Khanh đã phát hiện bịch nilông đen trong thùng rác bên đường. Hồi hộp mở bịch nilông, ông Khanh ngỡ ngàng khi thấy trong bịch nilông có 47 triệu đồng. Bỗng trong đầu ông lóe lên ý nghĩ: “Giá như số tiền này là của mình” nhưng rồi trong ông lại có ý nghĩ trái chiều “Tết đến nơi rồi mà ai đánh rơi số tiền này thì như ngồi trên đống lửa. Mình nghèo khó, nhưng biết đâu, người ta còn khổ hơn mình thì sao?”. Đấu tranh tư tưởng trong giây lát, cùng với sự trân trọng tài sản của người khác, cũng như đề cao lòng tự trọng của bản thân, ông Khanh bụng bảo dạ, phải tìm cho bằng được chủ nhân, trao trả lại nguyên vẹn toàn bộ số tiền này. Trò chuyện với ông trong lúc làm việc, tôi thấy hình ảnh của một người lao công với khuôn mặt khắc khổ, hốc hác, xanh xao vì sương gió, với dáng hình gầy gò đã nói lên tất cả về gia cảnh của ông. Và đâu đó trong ông toát lên một tấm lòng nhân hậu, thật thà, cốt cách của một người nông dân. “Tuy hoàn cảnh gia đình tôi có khó khăn thật, nhưng tôi không hề mảy may có ý định lấy số tiền đó. Mà nhất là số tiền này lại là của gia đình anh hùng liệt sĩ, người có công với Cách mạng.” ông Khanh tâm sự. Có lẽ niềm vui sướng của chủ nhân nhận lại tài sản đánh rơi đã nói lên nhiều điều. Đó là những cảm xúc rất thật mà khó ai có thể nói thay họ được. Nhưng với ông, còn một điều khác nữa. Một điều được nhắc đến nhiều lần, đó là học Bác Hồ kính yêu của chúng ta từ những điều nhỏ nhất về sự thật thà, tử tế, vận dụng trong công việc hằng ngày của một người nông dân. Được biết, hoàn cảnh gia đình ông Khanh khá khó khăn. Từ nhỏ đến lớn, ông và gia đình phải trải qua những ngày tháng cơ cực, lăn lộn mưu sinh với cuộc sống nên hơn ai hết, ông Khanh hiểu được giá trị đồng tiền do chính mình lao động làm ra, cũng như quý trọng công sức, tài sản của người khác. Điều đó, khiến ông Khanh không chút do dự tìm lại người mất trao trả toàn bộ tài sản mà mình đã nhặt được. Và cũng để tỏ lòng biết ơn đối với ông Khanh, gia đình anh hùng liệt sĩ Hoàng Hữu Chuyên cũng đã trích số tiền được trả lại giúp đỡ gia đình ông Khanh. Biết rằng, số tiền ít ỏi kia không giúp được gia đình ông Khanh là mấy nhưng đó là tấm lòng “của ít, lòng nhiều” của những người nông dân. Nghị lực vượt khó Gia đình ông Khanh có 7 anh em, mất hai người, nay chỉ còn 5 anh em nhưng có 2 trong số 5 anh em sinh ra bị ảnh hưởng về thần kinh. Do sinh ra trong gia đình thuần nông nên gia đình ông Khanh luôn được bà con trong xã đánh giá là hiền lành, chất phác, thật thà… Là con thứ trong gia đình, ông Khanh lập gia đình khá muộn. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào mấy sào ruộng, thu nhập từ công việc thu mua phế liệu của vợ ông và dựa vào thu nhập ít ỏi từ công việc mà hiện nay ông đang làm. Mặc dù, năm nay đã 58 tuổi, ở cái tuổi đáng lẽ ông phải được nghỉ ngơi thảnh thơi nhưng do hoàn cảnh nên ông vẫn phải làm việc, một công việc khá vất vả và nặng nhọc. Nhưng gần 10 năm nay, ông đã quá quen thuộc với công việc thầm lặng của một người lao công, đó là làm sạch đường làng ngõ xóm. Điều đáng khâm phục là dù hoàn cảnh khó khăn, phải bươn chải mưu sinh, nhưng ông Khanh cùng vợ vẫn cố gắng nuôi 3 cô con gái học hành nên người. Con gái thứ nhất đã lập gia đình và đã có hai con. Cô con gái thứ hai đang là sinh viên năm cuối của Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, hiện đang đi làm thêm để phụ giúp gia đình. Còn cô con gái thứ ba đang học lớp 8. Không những thế, ông cùng gia đình đã sửa sang lại nhà cửa. Nói về những dự định cho tương lai, ông Khanh không nghĩ về những điều xa vời mà chỉ mong muốn các con của ông thành đạt, luôn sống sao cho tốt đời đẹp đạo để con cháu về sau noi theo. “Đói cho sạch, rách cho thơm” cũng là bài học về nhân cách làm người mà ông Khanh muốn giáo dục con cái. Việc làm của ông Khanh mang tính nhân văn và đạo đức, xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người học tập. Chợt nghĩ, trong xã hội đương thời hiện nay, đâu đó tiền bạc và vật chất đã có sức lôi cuốn và hủy hoại làm đạo đức con người xuống cấp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tin tưởng rằng, còn đó những hành động, những nghĩa cử cao đẹp như ông Khanh và nhiều người trong xã hội tiến bộ và văn minh.
Đối với ông Khanh, nhặt được của rơi phải trả lại, đó là đạo lý, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người. |