Với một đất nước có quy mô dân số lớn, bóng đá Việt Nam rất có tiềm năng, nhưng lâu nay giới chuyên môn vẫn đau đầu giữa hai lựa chọn, dấn ga ra đấu trường châu lục hay hài lòng với những mục tiêu ngắn hạn.
Thời cơ lịch sửKhi bóng đá Việt Nam thành công tại vòng chung kết (VCK) U23 châu Á và ASIAD, nhiều người đặt câu hỏi, điều gì sẽ đến với nền bóng đá? Hỏi là bởi, với những thành tích lịch sử, bóng đá Việt Nam đã bước ra sân khấu lớn với ánh hào quang chói lóa. Sự tự ti vốn kìm hãm sự phát triển và sáng tạo của nền bóng đá hàng chục năm qua đã được giải tỏa. Các cầu thủ không còn cảm giác bị choáng ngợp khi bước ra đấu trường lớn. Họ nay đã có thể thi đấu một cách tự tin và sòng phẳng trước những đội bóng mạnh nhất châu lục. Những trận thua hay thắng đã được kiến giải theo lăng kính chuyên môn chứ không bị bi kịch hay cường điệu hóa.
|
Một pha tranh bóng trong trận Olympic Việt Nam gặp Olympic Bahrain tại ASIAD18. |
Như đã nói, vấn đề với bóng đá Việt Nam lúc này là làm sao tận dụng được cái đà thăng tiến để thay đổi thế đứng của nền bóng trên đấu trường quốc tế. Đây thực sự là vấn đề mang tính vĩ mô, chiến lược và đòi hỏi cần sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều người. Bởi nói cho cùng, một mình Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) với một lứa cầu thủ trẻ tài năng không thể giải quyết bài toán lớn cho cả nền bóng đá. Hơn thế nữa, ai cũng hiểu, bóng đá Việt Nam không thể gặt hái mọi vinh quang với chỉ một lứa cầu thủ.
Đến lúc này, bài học về thành công của đội tuyển U23 Việt Nam cần được nghiên cứu một cách khoa học và nghiêm túc. Ở đó, có thành công của chiến lược đầu tư theo hướng quốc tế hóa thông qua việc tham gia nhiều trận đấu ở mọi cấp độ. Ở đó cũng có sự đầu tư bài bản về công tác đào tạo trẻ trong suốt 10 năm qua. Và cũng không thể không nhắc đến vai trò của đội ngũ các nhà chuyên môn, tuyển trạch viên từ Giám đốc kỹ thuật Gede đến HLV trưởng Park Hang Seo và các cộng sự. Bây giờ, hơn lúc nào hết VFF và đội ngũ của mình cần có những buổi tổng kết, đánh giá chặng đường lịch sử vừa qua để đề ra những chiến lược đầu tư mới mong viết tiếp những câu chuyện cổ tích thời hiện đại.
Bước ra biển lớnĐội tuyển đã bước ra sân chơi lớn với một tâm thế khác. Chắc chắn rằng, tới đây, khi đội tuyển Việt Nam tham dự ASIAN Cup 2019, họ cũng mang một khát vọng mới chứ không chỉ là tham dự cho có như những lần trước. Các đối thủ cũng không thể coi đội tuyển Việt Nam là “ngân hàng điểm” như thường lệ. Thậm chí, nhiều người còn đang đặt niềm tin, đội tuyển Việt Nam sẽ vượt qua được vòng bảng như đã từng làm được năm 2007 với tư cách chủ nhà. Nếu điều đó thành hiện thực, bóng đá Việt Nam sẽ có một năm đại thành công trên con đường hội nhập ở cấp độ đội tuyển.
Ở cấp vĩ mô, bóng đá Việt Nam đã có sự chủ động và tham vọng lớn trong hành trình vươn mình ra biển lớn. Nhưng, sự tự tin và chủ động vẫn chưa đến ở cấp CLB dù bóng đá Việt Nam từng ghi nhận chiến công rất đáng trân trọng của Bình Dương năm 2009 khi vào đến bán kết AFC Cup. Ấy vậy mà suốt từ đó đến nay, mặc dù nhiều đại gia của bóng đá Việt từng mạnh miệng tuyên bố đua tranh nhưng cuối cùng lại chọn cách thoái lui có chiến lược. Có những đội bóng sợ vô địch vì phải đi thi đấu quốc tế. Có đội bóng tham dự giải đấu quốc tế với nỗi sợ hãi vì tiêu tốn tiền bạc và không đủ khả năng đua tranh. Hệ quả là bóng đá Việt Nam lúc này không còn suất trực tiếp tham dự AFC Champions League mà thay vào đó là AFC Cup.
Vậy mới nói, để cả nền bóng đá bước ra biển lớn thì nỗ lực ở cấp đội tuyển thôi là chưa đủ. Bóng đá Việt Nam phải coi những thành công hiện nay chỉ là bước đầu và tìm kiếm cảm hứng trên con đường hội nhập. Kiếm tiền, nuôi tham vọng lớn, đầu tư một cách bài bản để có một hệ thống chuyên nghiệp là cách duy nhất để bóng đá Việt Nam tìm thấy cơ hội chứ không phải là nỗi ám ảnh khi bước ra sân chơi lớn. Nếu không giải được bài toán này, chúng ta chưa thể có tầm nhìn cho nền bóng đá bởi thành công của đội tuyển phụ thuộc rất nhiều vào tiềm lực, khả năng cạnh tranh của các CLB.