Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tâm tư người từng làm điện

Nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đào Văn Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về góc độ kinh tế chắc chắn ngành điện không muốn và không độc quyền cả 3 khâu: Phát điện, truyền tải điện và phân phối điện.

LTS: Ông Đào Văn Hưng nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực đã chia sẻ xung quanh những vấn đề đang "nóng" về ngành điện.

EVN có độc quyền về điện?

Sau Giải phóng miền Nam đến nay Nhà nước luôn khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư các dự án phát triển điện. Các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đã vào Việt Nam từ rất sớm để tìm hiểu, khảo sát, tính toán thời gian thu hồi vốn, lợi nhuận, rủi ro… cuối cùng cũng chỉ có 8 nhà máy BOT với tổng công suất chiếm khoảng 9,7% công suất hệ thống.

Nhà máy BOT vận hành sớm nhất là Phú Mỹ 2.2, có công suất 715 MW, sản xuất điện bằng công nghệ tua-bin khí chu trình hỗn hợp (TBKHH) với tổng mức đầu tư khoảng 400 triệu USD phát điện ngày 1/3/2004.

Quá trình đàm phán với NĐT BOT phải rất trường kỳ, thường trên 10 năm mới xong hợp đồng BOT vì họ đưa ra các điều kiện bất khả kháng trong đó có thiên tai, địch họa, quyền chuyển đổi ngoại tệ, rủi ro về chính trị và lợi nhuận trên 15 %, phía Việt Nam khó đáp ứng.

Công nhân điện lực kiểm tra thông số vận hành.
Công nhân điện lực kiểm tra thông số vận hành.

Đối với các NĐT trong nước, mạnh nhất phải kể đến Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tính đến nay có 426 nhà máy điện. Trong đó, EVN có 20 nhà máy, các Tổng công ty phát điện GENCO 1, 2 & 3 có 37 nhà máy. 369 nhà máy còn lại thuộc các công ty ngoài EVN đầu tư.

Các loại hình nhiệt điện, thủy điện, điện mặt trời, điện gió, đều có mặt của tất cả các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài. Hiện nay, EVN chỉ chiếm 38,5% tổng công suất, các đơn vị ngoài chiếm 61,5%, với tỷ lệ này thì khó mà độc quyền được.

EVN có 3 Tổng công ty phát điện (GENCO) thì GENCO 2 và 3 đã cổ phần hóa, GENCO2 chỉ bán ra được 0,13% cổ phần, GENCO3 bán ra được 0,87% cổ phần. GENCO 1 đang quá trình lập hồ sơ cổ phần hóa, nhưng cổ đông bên ngoài mua rất ít. Có nhiều lý do nhưng chủ yếu vốn quá lớn, giá đầu ra thấp, nguy cơ lỗ.

Gần đây, Chính phủ có cho đầu tư năng lượng tái tạo (NLTT) với giá 9,35 cent/kwh, thu hút được nhiều NĐT, tăng thêm 20.000 MW. Phải nói đây là đợt đầu tư nhanh, số lượng lớn công suất, huy động được nguồn lực trong xã hội nhiều, cũng chính nhờ đó mà đáp ứng được yêu cầu của người dùng điện phía Nam. Là người trong cuộc, tôi có thể khẳng định, gần 50 năm qua, Chính phủ luôn muốn có nhiều NĐT tham gia xây dựng để đủ điện cho dân dùng.

Hướng đi cho thị trường điện

Việt Nam đang phát triển theo định hướng nền kinh tế thị trường, duy nhất chỉ có sản phẩm điện hiện không theo thị trường thì không thể tồn tại và phát triển. Điều này đã khiến sự hoài nghi nhất định về giá điện của cả người tiêu dùng lẫn NĐT, và thực tế không hấp dẫn các NĐT, nguy cơ thiếu điện có thể tiếp diễn.

Theo kinh nghiệm của một số quốc gia thì việc thành lập thị trường điện là cấp thiết, nó sẽ cơ bản giúp giải quyết được vấn đề thiếu điện. Bài học thành công thị trường điện tại Philippine và Úc cho thấy rất rõ. Hơn 70 quốc gia có thị trường điện, có nước hình thành thị trường điện gần 100 năm rồi, nên đi nghiên cứu hoặc mời họ làm cố vấn. Philippine có chỉ số điện lực thấp hơn Việt Nam mà đã có thị trường điện lâu rồi.

Để thận trọng, Chính phủ cần thử nghiệm mua buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh bằng cách thiết lập thị trường điện tại 1 miền. Sau đó chúng ta tổng kết, đánh giá và hoàn chỉnh hệ thống quản lý và sau đó triển khai toàn quốc. Thực hiện thị trường điện là làm theo Luật Điện lực 2004 và theo Quyết định 63/CP năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng thế giới có đôi lần gợi ý tài trợ nghiên cứu thị trường điện, họ sẵn sàng giới thiệu nhiều chuyên gia giỏi về thị trường điện cho Việt Nam.

Có nên mua - bán điện không?

Hiện nay, EVN đang  mua bán điện với 3 nước láng giềng gồm: Lào, Campuchia và Trung Quốc. Với Lào, EVN đang mua điện cao áp, giá mua Nhà máy Xekaman 3: 5,62 cent/1 kwh, Xekaman 1 với giá 6,36/1 kwh. Sau đó, EVN bán điện, cấp điện áp 35-22kv cho vùng biên giới 9,48 cent/1 kwh.

Với Trung Quốc: Thời điểm 2005-2006, có 6 tỉnh phía Bắc thiếu điện nghiêm trọng, khi EVN tính sơ bộ 2 phương án cấp điện: Lắp 6 nhà máy diesel và xây dựng nhà máy chạy than. Nhưng cả 2 phương án đều không khả thi,vì số vốn đầu tư lớn (7.000-9.000 tỷ đồng) và không kịp tiến độ trong khi Trung Quốc sẵn sàng xây dựng đường dây 220 kv cấp điện cho Việt Nam. Hợp đồng mua bán điện có hiệu lực ngay, với giá chỉ 4,5 cent/1 kwh.

Đến nay, chúng ta vẫn duy trì mua sản lượng điện 220 kv theo mùa, mùa khô giá 6,32 cent/1 kWh, mùa mưa giá 5.17 cent/1kwh. Giá này thấp hơn giá so với giá phát nhiệt điện FO, DO, kể cả với giá 1 số nhiệt điện than và giá mua điện mặt trời 9,35 cent/1 kwh đang được EVN mua.

Với Campuchia, EVN bán điện cao áp 220 kv đến Phnom Penh giá theo giờ và theo mùa, mùa khô giờ cao điểm: 12,87 cent/1 kWh, giờ bình thường: 11,44 cent/1 kwh, giờ thấp điểm: 9,72 cent/1 kWh. Mùa mưa thì giá thấp hơn một ít, khoảng 10-20%.

Vất vả của công nhân ngành điện. Ảnh EVN
Vất vả của công nhân ngành điện. Ảnh EVN

Lỗ kinh doanh & lãi tiền gửi ngân hàng?

Dư luận đang dấy lên việc 5 tổng công ty điện lực có hàng chục tỷ gửi ngân hàng mà EVN vẫn kêu lỗ, đòi tăng giá điện. Trước hết, số liệu báo cáo năm 2021 EVN có lãi, không kêu lỗ. Chỉ năm 2022, EVN mới báo cáo lỗ trên 26.000 tỷ đồng (kiểm toán quốc tế Deloitte (Big 4) thực hiện) do chi phí đầu vào tăng cao (hợp đồng mua điện thì chi phí nhiên liệu theo nguyên tắc chuyển ngang).

Những nhà quản lý đều hiểu rằng hoạt động của bất cứ doanh nghiệp nào cũng luôn có dòng tiền luân chuyển trong tài khoản để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn, dài hạn đến kỳ phải trả. Bao gồm nợ vay ngân hàng để đầu tư phải trả gốc và lãi, nợ mua nguyên, nhiên, vật liệu, trả lương, nộp thuế, nộp phạt, cấp vốn thanh toán đầu tư… đặc biệt khoản lớn nhất là trả tiền mua điện hàng tháng theo định mức tính toán thì 5 tổng công ty điện lực luôn phải có dòng tiền trên 40.000 tỷ đồng tại ngân hàng.

Năm 2021, doanh thu của 5 tổng công ty điện lực khoảng trên 400.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng thu trên 33.000 tỷ đồng của trên 20 triệu khách hàng dùng điện. Chưa nói đến tiền cổ tức từ cổ phần hóa các nhà máy điện, trích lập quỹ đầu tư phát triển 30%, quỹ khen thưởng phúc lợi 3 tháng lương…

Năm 2022, EVN lỗ nhưng vẫn bán điện, vẫn có dòng tiền trên 400.000 tỷ đồng ra vào tài khoản, vẫn có lãi tiền gửi, đó là điều chắc chắn. Ngay cả năm 2023, EVN lỗ nặng hơn nhưng vẫn bán điện. Các tổng công ty điện lực vẫn thu tiền trên 400.000 tỷ đồng vào tài khoản, vẫn có lãi tiền gửi. Về tài chính, nếu EVN tiếp tục lỗ, xấu nhất đến thời điểm nào đó mất khả năng thanh toán, không còn dòng tiền thì lúc đó mới hết lãi tiền gửi.

Theo nguyên tắc kế toán, phải hạch toán rành mạch lãi (lỗ) kinh doanh điện riêng, lãi tiền gửi riêng, lãi kinh doanh khác riêng, cuối cùng sẽ cộng trừ ra lãi (lỗ) của doanh nghiệp. Lãi lỗ, số dư tiền gửi, nợ quá hạn, nợ xấu, thuế phải nộp là những nội dung quan trọng mà các đoàn thanh kiểm tra cấp trên khó có thể bỏ sót. Là tập đoàn kinh tế lớn không thể lãi mà báo lỗ 26.000 tỷ đồng, chắc chắn nếu có gian lận kiểm toán Deloitte cũng khó lòng chấp nhận điều này.

Hơn bao giờ hết, lúc này người EVN rất mong tất cả bàn tay khối óc tập trung giúp EVN và ngành Điện Việt Nam các kế sách, giải pháp cứu điện năm nay và thời gian tới.