Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ
Xin chúc mừng ông đã được Thủ tướng Chính phủ giới thiệu, được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính. Xin ông cho biết những công việc ưu tiên của ông trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính là gì?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trước hết, tôi rất cảm ơn Quốc hội đã tin tưởng phê chuẩn tôi giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Đây là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm rất lớn mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Sau khi được Chủ tịch Nước ký Quyết định phê chuẩn, tôi sẽ chính thức bắt tay vào công việc trên cương vị mới. Định hướng lớn sẽ là tiếp tục triển khai những chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát ở mức thấp hơn, tăng trưởng ở mức cao hơn năm 2012. Nhưng việc quan trọng hàng đầu là đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài khóa, thực hiện công khai minh bạch để tăng cường sự kiểm tra giám sát của Nhà nước và xã hội.
Trong những ngày sắp tới, tôi sẽ dành phần lớn thời gian để nắm thật chi tiết thông tin về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước; các giải pháp để chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế góp phần tăng thu ngân sách nhà nước; đồng thời rà soát các giải pháp để giảm chi ngân sách, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách.
Tôi sẽ ưu tiên nắm về tình hình nợ công, nhằm đảm bảo an toàn về nợ và an ninh tài chính Quốc gia theo quy định của Luật quản lý nợ công; rà soát lại tiến độ thực hiện cải cách các chính sách thuế, phí, lệ phí và thu ngân sách Nhà nước phù hợp để khuyến khích sản xuất tiêu dùng, cải thiện đời sống nhân dân, khuyến khích doanh nghiệp phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu nhưng phải đảm bảo cân đối được NSNN.
Tôi cũng sẽ cùng với các đồng chí lãnh đạo Bộ rà soát lại các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả công tác quản lý giá, đặc biệt là giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, các dịch vụ công…
Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Lúc này có thể hãy còn quá sớm, nhưng nếu có thể, xin ông hãy cho biết quan điểm của mình về định hướng chính sách tài khóa từ nay đến cuối năm. Liệu có thay đổi, điều chỉnh gì không, thưa ông?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Tôi sẽ tìm hiểu, nghiên cứu thông tin một cách thực sự kỹ lưỡng trước khi có thể trả lời một cách chi tiết câu hỏi của nhà báo.
Quan điểm của tôi là từ nay đến cuối năm cần tiếp tục triển khai quyết liệt hơn Nghị quyết 31/2012 của Quốc Hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2013; các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013; một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Tôi cho rằng chủ trương, định hướng và kể cả các giải pháp cụ thể đều đã được nêu một cách rất cụ thể trong các Nghị quyết này.
Trước mắt, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, phục vụ mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát đạt mức thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012.
Theo tôi, việc quan trọng hàng đầu là đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách. Cùng với đó là tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hiện công khai minh bạch để tăng cường sự kiểm tra giám sát của Nhà nước và xã hội.
Thời gian qua, mặc dù các Bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực thực hiện các Nghị quyết nêu trên, nhưng tôi cho rằng còn nhiều nội dung vẫn chậm, chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Tới đây nếu được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính sẽ triển khai các nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung Thuế Thu nhập Doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung Thuế Giá trị gia tăng một cách nhanh chóng để sớm đưa các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
3 nhóm giải pháp cân đối ngân sách
Thưa ông, theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, thu ngân sách hiện đang gặp nhiều khó khăn, dự báo khả năng thu ngân sách năm 2013 khó đạt được như dự toán. Ông sẽ đề ra những giải pháp nào để hoàn thành mục tiêu cân đối ngân sách năm 2013?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Đúng là tình hình kinh tế và tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 đang rất khó khăn. Nhưng tôi nghĩ cũng phải cần có thêm thời gian để đánh giá nhằm đề ra các phương án tính toán, các kịch bản có thể xảy ra về khả năng thực hiện các chỉ tiêu chính như GDP, thu-chi ngân sách, bội chi ngân sách… để báo cáo với Quốc hội.
Theo tôi, có 3 nhóm giải pháp chính để phấn đấu thực hiện mục tiêu cân đối ngân sách năm 2013. Trước hết, nhóm giải pháp chống thất thu ngân sách. Cụ thể, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để chống thất thu ngân sách Nhà nước; Xử lý nghiêm việc trốn thuế, nợ đọng thuế, kiểm tra chống các hành vi chuyển giá, buôn lậu, tăng cường chế tài thực thi nghiêm pháp luật về thuế.
Thứ hai là tiết kiệm chi. Phải mạnh dạn và kiên quyết cắt bỏ các khoản chi không thực sự cần thiết, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tham nhũng trong chi tiêu ngân sách. Đương nhiên vẫn nỗ lực để đảm bảo các khoản chi trong trong dự toán được duyệt.
Bên cạnh đó, giải pháp để kích thích tiêu dùng, kích thích sản xuất kinh doanh, tiến tới tạo đà tăng trưởng kinh tế. Việc rà soát tình hình thực hiện các chính sách giãn, hoãn, miễn giảm thuế là rất quan trong trong bối cảnh hiện nay. Từ đó có thể xem xét tỷ lệ động viên phù hợp để nuôi dưỡng nguồn thu, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, đảm bảo cân đối ngân sách.
Tóm lại, dù trong bối cảnh nào thì ngành Tài chính cũng cần phải quyết tâm cao nhất để thực hiện với kết quả cao nhất dự toán NSNN năm 2013 đã được Quốc hội phê chuẩn. Đồng thời cần tiếp tục đề xuất các giải pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Đúng là việc tiết kiệm, chống lãng phí có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Ông có thể chỉ ra cụ thể cần phải giảm chi ở những khoản nào?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Về giảm chi ngân sách, cần rà soát các nhiệm vụ chi thường xuyên. Ưu tiên chi cho con người (lương và tính chất lương); các khoản chi đảm bảo hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, các khoản chi an sinh xã hội, chi đầu tư các công trình quan trọng.
Triệt để tiết kiệm, không ban hành chính sách chế độ mới làm tăng chi ngân sách nhà nước. Cắt giảm hoặc lùi thời gian các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, các khoản chi mua sắm trang thiết bị, ô tô. Hạn chế tối đa hội nghị hội thảo quốc gia, lễ khởi công, khánh thành, công bố quyết định….Bộ Tài chính đề nghị tiết giảm tối thiểu 20% chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu… Tiết kiệm tối thiểu 30% dự toán kinh phí đã phân bổ cho các nhiệm vụ chi như lễ hội, tiếp khách, hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài…
Thực hiện cắt giảm dự toán chi, thu hồi bổ sung nguồn dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đối với vốn đầu tư và kinh phí đầu tư đã giao trong dự toán 2013 của Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến 30/6 chưa phân bổ hoặc phân bổ không đúng qui định. Vốn đầu tư thuộc kế hoạch 2013 đến 30/6 chưa triển khai thực hiện và các khoản vốn, kinh phí đơn vị sử dụng sai qui định.
Được Đảng và Nhà nước phân công nhiệm vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông đâu là những kết quả nổi bật nhất mà ông và tập thể cán bộ ngành kiểm toán đã đạt được trong 2 năm qua?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Được Đảng và Nhà nước phân công nhiệm vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, song với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và với kinh nghiệm thực tiễn, với truyền thống đoàn kết, quan tâm thực hiện nhiệm vụ, tập thể Ban cán sự, Đảng ủy, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước lãnh đạo và cán bộ kiểm toán toàn ngành đã nỗ lực đạt được nhiều thành tích quan trọng, góp phần vào việc minh bạch, lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia thể hiện ở một số kết quả nổi bật trong 2 năm qua.
Thứ nhất, toàn ngành đã quyết tâm đổi mới tư duy trong công tác kiểm toán, quyết liệt chuyển mạnh từ loại hình kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ sang kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, lồng ghép các nội dung kiểm toán nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong quản lý, sử dụng đất đai; khai thác và kinh doanh tài nguyên, khoáng sản; quản lý nhà ở, phát triển đô thị, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường; các chương trình giảm nghèo...
Thứ hai, toàn ngành tập trung trí tuệ xây dựng đề xuất bổ sung quy định về địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp. Kết quả, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đưa ra Kỳ họp Quốc hội lần này đã có một điều (Điều 122) quy định về địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước, khẳng định được vị thế và tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước, phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam.
Thứ ba, đổi mới nhận thức và chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, thực hiện bước chuyển mạnh mẽ từ tư duy bị động sang chủ động, cung cấp kịp thời hồ sơ cho các cơ quan điều tra xem xét, xử lý khi phát hiện đối tượng được kiểm toán có dấu hiệu vi phạm phạm luật. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong hoạt động kiểm toán và phòng, chống tham nhũng thông qua việc ký các quy chế phối hợp, thỏa thuận hợp tác. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước chú trọng tăng cường thực hiện các giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong chính nội bộ hoạt động của ngành.
Thứ tư, thông qua các công việc quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính của Kiểm toán Nhà nước, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành Hệ thống hồ sơ, mẫu biểu kiểm toán; các quy trình kiểm toán; các đề cương kiểm toán chuyên đề chuyên sâu. Nhiều biện pháp cải cách thủ tục hành chính được áp dụng trong hoạt động kiểm toán và đạt được kết quả tốt, được đơn vị kiểm toán đồng tình, đánh giá cao. Nổi bật là sự quyết liệt chỉ đạo lồng ghép nhiều nội dung kiểm toán vào một đoàn kiểm toán, giảm tối đa các đoàn Kiểm toán Nhà nước trên cùng một địa phương, đơn vị; Tăng cường các biện pháp kiểm soát chất lượng hoạt động các đoàn kiểm toán …
Thứ năm, Ban cán sự, Ban Thường vụ Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước và các cấp ủy đảng bộ, chi bộ trực thuộc đã tổ chức kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 rất nghiêm túc, thẳng thắn; tăng cường công tác điều động, luân chuyển và chuyển đổi vị trí công tác đối với đội ngũ công chức, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đẩy mạnh đào tạo kỹ năng theo hướng cầm tay chỉ việc. Kết quả đạt được là tạo sự lan tỏa tích cực, tạo khí thế mới và đạt được hiệu quả rõ rệt trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông. Chúc ông sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính, hoàn thành tốt trọng trách được Đảng, Nhà nước, Quốc hội tin tưởng giao phó.