Tận dụng cơ hội vàng cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường Châu Mỹ

Đức Toàn - Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/4, tại Khách sạn Daewoo Hà Nội, hội thảo “CPTPP - Cơ hội mở rộng thị trường châu Mỹ cho hàng xuất khẩu Việt Nam” theo hai hình thức trực tiếp, trực tuyến, bên cạnh đó, hội thảo cũng được livestream trên mạng xã hội Facebook và Youtube.

 Toàn cảnh Hội thảo sáng ngày 27/4 tại Khách sạn Daewoo Hà Nội.
Với sự hỗ trợ đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO),Công ty TNHH MTV My Health (My Health), Công ty Cổ phần Vibiz Việt Nam (Vibiz), Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ (Bộ Công Thương) cùng đại diện các thương vụ tại các quốc gia khu vực Châu Mỹ như Chile, Brazil, Canada, Mexico,… cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức thành công hội thảo “CPTPP - Cơ hội mở rộng thị trường châu Mỹ cho hàng xuất khẩu Việt Nam” theo hai hình thức trực tiếp, trực tuyến, bên cạnh đó, hội thảo cũng được livestream trên mạng xã hội Facebook và Youtube.
Hội thảo có sự tham dự của Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, Lãnh đạo Sở Công Thương, các Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, các Hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, chương trình cũng thu hút sự quan tâm, tham gia của các Tập đoàn lớn của các nước châu Mỹ hiện đang kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với châu Mỹ đã không ngừng phát triển trong những năm gần đây. Hiệp định CPTPP chính thức được phê chuẩn vào ngày 30-12-2018 và có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14-1-2019, được coi là bước ngoặt quan trọng tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác thành viên nói chung và các nước châu Mỹ nói riêng.
Năm 2020 vừa qua, trong bối cảnh cả thế giới đang trải qua một năm đặc biệt với nhiều biến động và suy thoái, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Mỹ vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với các nước trên thế giới.
 Bà Đỗ Thị Thu Hương trình bày tham luận thông qua hình thức trực tuyến tại điểm cầu Canada.
Bên cạnh đó, tham gia họp trực tuyến tại điểm cầu Canada, bà Đỗ Thị Thu Hương -Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, Canada sở hữu nền kinh tế thị trường mở, với việc ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại với các quốc gia khác, bao gồm cả Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ Canada cũng ban hành nhiều chính sách khuyến khích hấp dẫn, với nhiều mặt hàng được miễn thuế đến 0% và những dự án hỗ trợ đưa hàng Việt Nam tiếp cận thị trường Canada thuận lợi hơn.
Phiên thảo luận tại Hội thảo.
Bên cạnh việc khai thác thị trường CPTPP, các doanh nghiệp có thể nghiên cứu khả năng tận dụng những ưu đãi, các mối liên kết kinh tế và cơ sở hạ tầng sẵn có của các nước thành viên CPTPP để qua đó đưa hàng Việt Nam thâm nhập và mở rộng sang các thị trường khác thuộc khu vực châu Mỹ. Khu vực này có nhiều khối liên kết kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tư do với mối ràng buộc chặt chẽ với nhau, thí dụ như Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (USMCA, gồm Mỹ, Canada, Mexico với gần 500 triệu dân, tổng GDP đạt 2.100 tỷ USD). Cộng đồng Andean (CAN, gồm Peru, Colombia, Ecuador, Bolivia với 111 triệu dân, tổng GDP đạt 700 tỷ USD)
Tại hội thảo, các chuyên gia và doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận về các cơ hội kết nối thị trường châu Mỹ thông qua CPTPP, các khối thương mại và Hiệp định thương mại tự do sẵn có của khu vực. Đồng thời đưa ra những phân tích, nhận định, giải pháp để giúp các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nước ngoài, để từ đó có thể xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường, chiến lược kinh doanh bài bản hơn, tận dụng những ưu đãi đang có với các nước thành viên CPTPP, đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất khẩu tại khu vực châu Mỹ, đặc biệt trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và ưu tiên phục hồi, duy trì phát triển kinh tế trong và sau đại dịch của các quốc gia hiện nay.