Cùng với nhiều nghề được duy trì, nghề mộc đang phát triển mạnh, mang lại thu nhập cao cho các hộ dân và góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xã.
Hiện, toàn xã có hơn 100 cơ sở sản xuất mộc, phân bổ ở tất cả các thôn, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động trong xã. Nghề mộc là nghề làm ra những sản phẩm không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt và giá trị ngày càng tăng. Để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều hộ đã đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ sản xuất trị giá hàng tỷ đồng và tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ tay nghề. Sản phẩm mộc của Tản Hồng ngày càng được nhiều người biết đến với đơn đặt hàng của khách ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Nhiều hợp đồng đặt hàng có giá trị được ký kết đã tạo điều kiện để người dân trong xã có thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và gắn bó với nghề.
Mặc dù chưa được công nhận làng nghề, nhưng mộc đã trở thành một nghề tạo thu nhập chính đối với nhiều người dân trong xã. Hiện nay, thợ chính làm việc ở các xưởng gỗ thu nhập từ 170.000 – 190.000 đồng/ngày, tổng thu nhập một tháng trên dưới 6 triệu đồng. Nhiều chị em tận dụng lúc nông nhàn nhận đánh giấy ráp tại các xưởng mộc cũng có thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng. Sản phẩm của làng là bàn, tủ, giường, ghế, tay vịn cầu thang, đồ thờ… với hoa văn tinh xảo. Hiện nay, để phát triển nghề mộc, các xưởng trong xã đã liên kết theo mô hình HTX, nhóm cá thể hộ gia đình, với hình thức một hộ đứng ra tổ chức để hợp tác sản xuất hoặc tổ chức sinh hoạt theo Hội những chủ xưởng mộc giúp nhau cùng phát triển. Rất nhiều người mong muốn phát triển kinh tế và gắn bó lâu dài với nghề, tuy nhiên, nghề mộc ở Tản Hồng vẫn còn nhiều khó khăn vì chưa có cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất tập trung. Hiện tại, Tản Hồng rất mong được các cấp chính quyền tạo điều kiện để thực hiện công tác quy hoạch phát triển làng nghề mộc, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, đảm bảo VSMT và phù hợp với các tiêu chí của xã NTM.
Chủ tịch UBND xã Tản Hồng Phương Văn Liểu cho biết, sau khi hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, xã cũng để lại diện tích để quy hoạch vùng sản xuất đồ gỗ tập trung. Tuy nhiên, để làm được cần rất nhiều tiền thuê đất, xây đường giao thông, đường điện và hạ tầng sản xuất đảm bảo môi trường. Chính quyền xã và các hộ sản xuất gỗ cũng rất muốn thực hiện sản xuất tập trung nhưng chưa có vốn để thực hiện. Trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là hết sức quan trọng, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân. Việc phát triển nghề mộc của xã Tản Hồng đang đi đúng hướng, với thu nhập hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế và nâng cao dân trí của người dân nơi đây.
Nghề mộc xã Tản Hồng đang giúp hàng nghìn nông dân trong xã có việc làm với thu nhập ổn định
|