Phát huy thế mạnh
Nhiều năm trước, đời sống của người dân nơi đây phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Quanh năm vất vả nhưng thu nhập lại rất thấp. Để phá thế thuần nông, đưa kinh tế hộ vươn lên, bà con nơi đây đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, hình thành nhiều trang trại cho thu nhập tốt hơn. Mỗi thôn, người dân đều cố gắng tận dụng ưu thế riêng để phát triển kinh tế. Trưởng thôn Gò Sống - Nguyễn Ngọc Quý cho biết, cả thôn hiện có khoảng 30 hộ chăn nuôi gia cầm với quy mô hàng ngàn con, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động trong thôn. Thôn Bát Đầm đi đầu trong phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phát huy giá trị kinh tế của hai khu du lịch nghỉ dưỡng Ao Vua và hồ Tiên Sa. Thôn An Hòa lâu nay được biết đến với nghề cung ứng giống, cây cảnh. Toàn thôn hiện có gần 100 hộ trồng, kinh doanh các loại cây cảnh cung cấp cho các tỉnh, thành, phục vụ lễ hội, nhu cầu vui chơi ngày lễ, Tết. Trong khi đó, các mô hình trang trại, chăn thả gia súc đồng cỏ, chế biến nông sản, thực phẩm từ lâu đã trở thành nguồn thu chính yếu của người dân thôn Cẩm Phương…
Đặc biệt, nghề chăn nuôi bò sữa mang lại thu nhập rất tốt cho người dân các thôn, xóm ở Tản Lĩnh. Nghề này, đầu tư tuy cao, nhưng bù lại, việc chăm sóc không quá phức tạp, lại nhận được sự hỗ trợ thường xuyên của cán bộ khuyến nông địa phương nên việc chăn nuôi phát triển khá thuận lợi. Cũng bởi vậy mà các mô hình chăn nuôi bò sữa có mặt tại hầu hết các thôn, xóm, trong đó, tập trung nhiều nhất là thôn Việt Long. Hiện, tổng đàn bò sữa của xã Tản Lĩnh đã lên tới 2.300 con. Mỗi ngày cung ứng cho thị trường hàng chục tấn sữa tươi.
Còn nhiều trăn trở
Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Ban Dân tộc TP Hà Nội) Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, xã Tản Lĩnh có trên 25% đồng bào dân tộc sinh sống, chủ yếu là người Mường. So với 13 xã vùng đồng bào dân tộc miền núi khác của Thủ đô, đời sống của đồng bào dân tộc xã Tản Lĩnh khấm khá hơn rất nhiều. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người nơi đây đạt xấp xỉ 25 triệu đồng/người/năm, không thua kém nhiều xã vùng đồng bằng. Ông Phạm Đình Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh cho biết thêm, tỷ lệ hộ nghèo của xã liên tục giảm qua các năm, hiện còn 4,8%. Xã đã đạt và cơ bản đạt 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới… Đây là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực trong công tác giảm nghèo những năm qua của địa phương.
Dù vậy, để khoảng cách với miền xuôi dần được thu hẹp, địa phương vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Ông Phạm Đình Hùng chia sẻ, hiện, chăn nuôi, trọng tâm là bò sữa đang là thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi vẫn còn nhỏ lẻ, tập trung trong các khu dân cư, dẫn đến công tác quản lý dịch bệnh khó khăn. Ngoài ra, do nhiều nguyên nhân một số chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp hiện chưa được người nông dân hưởng ứng mạnh, như hỗ trợ hệ thống chống nóng, máy vắt sữa… Đây là bài toán mà địa phương đang phải tìm hướng giải quyết.
Bên cạnh đó, 3 dự án giao thông quan trọng trên địa bàn xã gồm: Tỉnh lộ 414B; đường nối với tỉnh lộ 414A, và đường liên thôn Bát Đầm - Hoàng Long hiện đang dang dở. Một số tuyến đường ngõ, xóm cũng bắt đầu xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, chính quyền và người dân Tản Lĩnh rất mong UBND TP, huyện Ba Vì và các Sở, ngành liên quan tiếp tục quan tâm, đầu tư để cơ sở hạ tầng của địa phương từng bước được hoàn thiện.
Chăn nuôi bò sữa mang lại thu nhập khá cho người dân xã Tản Lĩnh.
|