Chào mừng sự kiện quan trọng này bằng một chương trình nghệ thuật đặc sắc, với chủ đề: "Sắt son quê hương Tân Trào" gồm hai chương tái hiện lại Tân Trào trong kháng chiến và những đổi thay hôm nay. Những hoạt cảnh tái hiện các sự kiện lịch sử diễn ra trong những ngày cách mạng sục sôi gắn liền với Khu di tích lịch sử Tân Trào như Quốc dân Đại hội, sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1, xuất quân Tổng khởi nghĩa và hình ảnh Bác Hồ những ngày ở chiến khu, làm trào dâng trong lòng mỗi người con quê hương cách mạng niềm xúc động thiêng liêng về nguồn cội. Đối với người dân Tuyên Quang, đây là một ngày không thể quên trong ký ức. Cụ Hoàng Văn Tòn ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào xúc động nói: "Trong cuộc đời tôi, đây là ngày đặc biệt có ý nghĩa, vì từ đây, quê hương Tân Trào sẽ có thêm động lực và điều kiện để vươn lên. Phát huy truyền thống cách mạng, người dân Tân Trào nguyện đoàn kết, gắn bó xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc".
Bà con các dân tộc xã Tân Trào đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt
Di tích lịch sử Tân Trào được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt không chỉ là niềm tự hào của người dân các dân tộc Tuyên Quang, mà còn là niềm tự hào của người dân cả nước. Hàng nghìn người từ mọi miền Tổ quốc đã tìm về cái nôi của cách mạng trong ngày lễ quan trọng. Đồng bào các dân tộc vùng chiến khu cách mạng trong các bộ trang phục truyền thống rực rỡ đều chung một niềm vinh dự, tự hào. Những người đã từng một thời gắn bó với mảnh đất, địa danh thiêng liêng Tân Trào lịch sử, trước sự kiện này không khỏi bồi hồi xúc động. Bà Nguyễn Thị Bích Thuận, 90 tuổi, nguyên cán bộ Văn phòng T.Ư Đảng - cơ quan từng đặt trụ sở tại thôn Tân Lập, xã Tân Trào trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, hiện đang sống tại Hà Nội bồi hồi: "Được về dự Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào còn là dịp tôi trở về thăm lại các di tích khắc ghi các sự kiện lịch sử, gặp lại nhân dân chiến khu từng một thời đùm bọc, che chở chúng tôi. Tôi mong Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng với niềm tin của nhân dân cả nước".
Trong lịch sử cách mạng nước ta, Tuyên Quang là địa phương duy nhất hai lần vinh dự được Đảng, Bác Hồ chọn làm căn cứ địa cách mạng, đầu não của cuộc kháng chiến. Nơi đây, Bác Hồ và T.Ư Đảng đã ở và lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi; T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ và 65 bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư đặt trụ sở làm việc, lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược giành thắng lợi hoàn toàn. Vì vậy, di tích lịch sử Tân Trào được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt là niềm tự hào, vinh dự của những con người đã từng có thời gian làm việc trên đất Tuyên Quang. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch T.Ư Hội LHPN Việt Nam cho biết: "Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cơ quan của T.Ư Hội LHPN Việt Nam đã đặt trụ sở ở Tân Trào, được nhân dân Tân Trào che chở, đùm bọc, giúp hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ cách mạng. Vì vậy, những cán bộ làm công tác hội phụ nữ hôm nay không bao giờ quên công lao to lớn ấy. Sự kiện Di tích lịch sử Tân Trào được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt là niềm phấn khởi, tự hào của nhân dân cả nước. Cán bộ Hội LHPN Việt Nam sẽ làm tốt hơn vai trò, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao phó và tin tưởng với truyền thống cách mạng vẻ vang, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn đoàn kết, gắn bó chung sức xây dựng quê hương giàu mạnh".