Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Tăng áp động mạch phổi” - cái chết được báo trước

Đỗ Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh tăng áp động mạch phổi có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào từ tuổi sơ sinh tới người cao tuổi  tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

Trên thế giới, tỷ lệ người mắc tăng áp động mạch phổi là  2 – 25 người/triệu dân. Còn tại Việt Nam, hiện chưa có thống kê đầy đủ.

PGS.TS Trương Thanh Hương - Trưởng đơn vị Tim mạch trẻ em, Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết: Bệnh tăng áp động mạch phổi nếu không được điều trị hoặc loại bỏ nguyên nhân gây bệnh thì thường có tiên lượng rất nặng và nhiều biến chứng như: Bệnh tim do phổi dẫn đến suy tim bên phải, tiên lượng nặng và gây ra tử vong; Tăng áp động mạch phổi làm tăng khả năng hình thành các cục máu đông trong động mạch nhỏ trong phổi, gây nhồi máu phổi, nếu có hẹp hay tắc mạch máu lớn có thể gây sốc và tử vong; Chứng loạn nhịp tim; Ho máu cùng với chảy máu trong phổi là một biến chứng nặng có khả năng gây tử vong.
“Tăng áp động mạch phổi” - cái chết được báo trước - Ảnh 1
Còn theo ông Nguyễn Minh Hùng - Viện Tim mạch quốc gia, tăng áp động mạch phổi ở giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng gì đặc biệt hoặc triệu chứng rất nhẹ, dễ bị bỏ qua. Khi bộc lộ triệu chứng, thường bệnh đã ở giai đoạn nặng. Các triệu chứng của tăng áp động mạch phổi cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như khó thở, đau ngực, mệt, phù chân, ngất, ho ra máu…

Để chẩn đoán và điều trị tăng áp động mạch phổi, ông Hùng khuyến cáo, người bệnh nên đến cơ sở y tế, nhất là chuyên khoa Tim mạch để được chẩn đoán đầy đủ và tìm ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Khi tình trạng ổn định, bệnh nhân có thể xuất viện và điều trị theo phác đồ tại nhà. Tuy nhiên, tăng áp động mạch phổi dù có điều trị hay không thì vẫn thường trực gây ra các biến chứng nặng như ho ra máu, suy tim phải, ngất… Các biến chứng này đều có thể gây tử vong kể cả khi bệnh nhân đang nằm viện.

Do triệu chứng không điển hình và mơ hồ ở giai đoạn đầu nên một số đối tượng nguy cơ cao bị tăng áp động mạch phổi cần chủ động đến khám sớm để được sàng lọc, phát hiện bệnh sớm, bao gồm: Tiền sử gia đình có người bị tăng áp động mạch phổi; bệnh nhân có bệnh tim bẩm sinh; bệnh nhân có bệnh hệ thống như xơ cứng bì, lupus ban đỏ; bệnh nhân có tiền sử tăng áp lực tĩnh mạch cửa, xơ gan; bệnh nhân nhiễm HIV.
Ngày 27/7, BV Bạch Mai phối hợp với các chuyên gia Trung tâm bệnh phổi Đại học RUSH và Trung tâm Tim mạch BV St Mary Medical Center (Mỹ) tổ chức khóa tập huấn về chẩn đoán và điều trị bệnh tăng áp động mạch phổi. Buổi tập huấn nhằm cập nhật kiến thức về chẩn đoán, phân loại, điều trị và quản lý bệnh nhân tăng áp động mạch phổi cũng như trao đổi kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị cụ thể từng trường hợp bệnh đặc biệt.