Khách du lịch quốc tế tham quan đảo Cát Bà, Hải Phòng. Ảnh: Anh Tuấn
|
Tiếp đến, Tổng cục sẽ tổ chức cho các đoàn doanh nghiệp (DN) lữ hành quốc tế và Việt Nam gặp gỡ, trao đổi để kết nối tour. Đồng thời, tạo dựng liên kết giữa DN Việt Nam và DN nước ngoài, các hiệp hội du lịch để tăng cường xúc tiến đầu tư vào hoạt động du lịch. Cuối cùng là tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá ra nước ngoài ở mức sâu hơn, kể cả các nước Đông Bắc Á, Tây Âu, Bắc Mỹ, thị trường Ấn Độ và Trung Đông. Ngoài ra, chúng ta cũng coi trọng những thị trường gần như Đông Nam Á và có tiềm năng để kéo nước thứ ba đến Việt Nam. Nghĩa là sẽ tăng cường về số lượng và quy mô lên gấp 1,5 đến 2 lần để khẳng định lại vị thế của Việt Nam.
Tăng cường quảng bá, nâng cao chất lượng
Việt Nam được đánh giá có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh để làm du lịch, nhưng dường như khâu quảng bá vẫn chưa xứng tầm?
- Đúng vậy, trong điều kiện kinh tế Việt Nam đang phát triển, hàng năm, Chính phủ chi 1 - 2 triệu USD cho khâu quảng bá du lịch, so với các nước khác mới chỉ bằng khoảng 1/20. Trong tháng 8, Nghị quyết về phát triển du lịch trong tình hình mới sẽ được Chính phủ ban hành. Để tăng cường việc xúc tiến quảng bá, ngành du lịch đã đề xuất huy động nhiều nguồn lực từ ngoài ngân sách Nhà nước đến sự tham gia của các doanh nghiệp, địa phương và chính nguồn thu từ khách du lịch. Ví dụ, một khách quốc tế ngủ một đêm ở Việt Nam thì đóng góp 1 USD. Nếu làm được như thế, chúng ta sẽ có hàng triệu đô la cho công tác xúc tiến quảng bá. Điều này hoàn toàn khả thi. Đây là thông lệ quốc tế mà các nước phát triển đã làm nhiều năm, chúng ta chưa làm mà thôi. Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết này, chắc chắn kinh phí cho xúc tiến, quảng bá du lịch sẽ tăng vài chục lần.
Cùng với đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch ra nước ngoài, ngành "công nghiệp không khói" nước ta còn làm gì để thu hút và níu chân du khách quốc tế, thưa ông?
- Ở bất kỳ quốc gia nào, muốn du lịch phát triển ổn định, bền vững cần nâng cao chất lượng, đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ. Các doanh nghiệp nước ta cũng đang tiếp tục đẩy mạnh liên kết để đảm bảo tiêu chí này. Mặt khác, Tổng cục đang phối hợp với Liên minh châu Âu xây dựng chương trình du lịch có trách nhiệm xã hội tại Việt Nam để đảm bảo an ninh, an toàn, không ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường tự nhiên.
Hiện, ngành vận chuyển hàng không, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đang nỗ lực giảm giá để kích cầu. Công tác thanh tra, giám sát cũng được đẩy mạnh để đảm bảo an toàn, lợi ích cho du khách quốc tế... Ngành Du lịch Việt Nam quyết không làm theo phong trào hay chạy theo số lượng, giữ vững thương hiệu là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn, để mang về những con số có "hồn". Với tình hình hiện nay, tôi tin rằng, Du lịch Việt sẽ vượt mục tiêu của năm 2014 là đón 8,2 triệu lượt khách quốc tế và 37,5 triệu khách nội địa, tổng thu khoảng 240.000 tỷ đồng.
Xin cảm ơn ông!